Cái đáng nói là tâm hồn ngây thơ, trong sáng của các em trong lớp bắt đầu thêu dệt lên những câu chuyện xung quanh vấn đề này.
Có em nói: “Hình như ba bạn ấy đi cướp giật của người ta nên bị bắt”. Em khác lại cho rằng: “Có khi nào ba của bạn H. hiếp dâm không nhỉ?”. Một bạn khác nói chen vào: “Ba của H. là người xấu, mẹ tớ bảo là giỏ nhà ai - quai nhà nấy, không nên chơi với những hạng người xấu như thế dễ bị lây nhiễm lắm”...
Tôi không dám tin những lời nói này lại phát ra từ miệng của những cô cậu còn quàng khăn đỏ. Hôm ấy tôi gặp riêng H. để nói chuyện. H. như cởi bỏ nỗi lòng. Thì ra vì thua lỗ trong làm ăn, bị vỡ nợ nên cha của H. phải ngồi tù.
Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ thầy cô lên bục giảng là để truyền thụ kiến thức. Nhưng từ câu chuyện của H., tôi nhận ra chừng ấy là chưa đủ. Nhất là khi H. vừa khóc vừa nói: “Em không còn dám nhìn mặt ai nữa. Em sợ những lời bóng gió của các bạn lắm, cô ơi”.
Những câu đe nẹt tưởng là “vô thưởng vô phạt” mà phụ huynh gieo vào tâm hồn ngây thơ của con lại vô tình khiến con làm tổn thương người khác. Lỗi không phải nằm ở các con mà ở sự ích kỷ, nhỏ nhen của người lớn.
Nói đúng hơn là tâm hồn lương thiện của các con bị thui chột dần bởi sự vô tâm của mẹ cha. Thường thì tâm lý phụ huynh cứ thấy cha mẹ của học sinh gặp chuyện như ly hôn, ngoại tình, vào tù... là lập tức đe nẹt con không được gần bạn, không được chơi với bạn vì sợ con “gần mực thì đen”.
H. bị bệnh phải nghỉ ở nhà, nhưng trong lớp không ai cho mượn vở để chép lại. Mỗi khi H. lại gần là các bạn bĩu môi: “Cha mẹ nào con nấy phải không chúng mày ơi?”. H. khựng lại, lùi mấy bước rồi quay vào bàn mình, chỉ ngồi thu lu một chỗ.
Ám ảnh dòng nước mắt của cô học trò nhỏ, tôi tự trách mình thời gian gần đây đã lơ là, không quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của các em. Cha mẹ của H. ly hôn từ khi nào, tôi cũng không hay biết.
Hôm ấy, tôi nói với lớp về tình yêu thương, sự đoàn kết của một tập thể. Tôi nhấn mạnh sự xa lánh, sự coi thường, những lời đàm tiếu, đả kích của học sinh dành cho nhau có khi giết chết tâm hồn một con người.
Rồi tôi hỏi cả lớp: “Nếu đặt các em vào vị trí của bạn H., liệu các em có vượt qua được không nếu bị bạn bè tẩy chay? H. không có lỗi trong chuyện cha bạn ấy phải đi tù. H. càng không đáng bị bạn bè ghẻ lạnh, xa lánh như thế.
Lẽ ra khi gia đình H. lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực như vậy, các em phải biết sẻ chia, quan tâm và gần gũi với bạn, đằng này các em lại quay ra hững hờ, lạnh nhạt với bạn. Tại sao vậy?”.
Lớp bỗng im bặt. H. khóc nấc lên. Tiếng sụt sùi trong lớp vang lên. Một vài em đưa tay lên lau nước mắt... Thật may là sau hôm ấy, các bạn chủ động quan tâm tới H.. Cô bé cũng bắt đầu hòa nhập trở lại với lớp.
Chuyện đã qua nhưng tôi còn ám ảnh mãi lời nói của cô học trò nhỏ, và cũng tự dặn mình, các em đến lớp không chỉ mong mỏi tiếp nhận những bài học trong sách vở, mà còn cần lắm sự gần gũi, quan tâm, nuôi dưỡng tâm hồn từ những người cầm phấn.
Tôi đâu hiểu rằng tấm lòng yêu thương của thầy cô không chỉ nằm trên những trang giáo án, càng không phải chỉ là sự tận tâm mỗi giờ giảng dạy. Cái tâm của người thầy còn nằm ở việc quan tâm đến tâm hồn học sinh. Các em cần gì mỗi ngày đến lớp? Ngẫm nghĩ lại slogan “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tôi thấy giận bản thân mình. Thú thật, bấy lâu nay, dù tôi không chạy theo thành tích nhưng tôi chỉ biết miệt mài bổ túc kiến thức cho những em yếu hay trung bình. Tôi cũng thường quan tâm đến những em có hoàn cảnh khó khăn về vật chất. Nhưng nay tôi nhận ra yêu thương như thế là chưa đủ, bởi những khó khăn về tinh thần, thiếu hụt tình cảm của học sinh cũng đáng lo ngại không kém chuyện học kém hay gia đình khó khăn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận