15/08/2014 10:08 GMT+7

Giáo dục ĐH: người dân nhiều thắc mắc, mong muốn

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Sáng 15-8, Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 được Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại sáu điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014
Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: Như Hùng

Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo của tất cả các trường ĐH, CĐ trên cả nước. 

Với chủ đề triển khai kế hoạch hành động của ngành giáo dục về đổi mới căn bản toàn diện trong lĩnh vực giáo dục ĐH, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề:

- Đổi mới tuyển sinh như thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH,CĐ; 

- Xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức và quản lý đào tạo (công bố chuẩn đầu ra, mở ngành trình độ ĐH, chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ, tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ và đào tạo liên thông, đào tạo sau ĐH)…

Hệ thống giáo dục ĐH VN thấy rất to lớn, không dễ hiểu

Phát biểu mở đầu hội nghị tại điểm cầu TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gợi ý một số vấn đề và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị các Hiệu trưởng các trường ĐH, CD.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị các Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ - Ảnh: Như Hùng

Theo Phó Thủ tướng hiện người dân đang có nhiều thắc mắc, nhiều mong muốn.

Thứ nhất, hệ thống giáo dục ĐH VN thấy rất to lớn, không dễ hiểu. Phụ huynh thắc mắc con em họ học trường nào phù hợp nhất, trường nào ra có việc làm, có thu nhập và có cơ hội thăng tiến. Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH được thực hiện ra sao.

Thứ hai, việc đầu tư vào giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục ĐH, CĐ và dạy nghề luôn luôn rất lớn nhưng luôn thiếu trong khi nhu cầu học ĐH cao. Làm sao để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Làm sao để các trường công sử dụng tiền ngân sách hiệu quả hơn. Tự chủ thế nào, khuyến khích tự chủ ra sao. Tại sao có trường xin tự chủ không được, cũng có trường được tự chủ nhưng cũng không tự chủ.

Thứ ba, việc đổi mới thi cử, đang được người dân rất quan tâm. Thi thì làm sao rõ ràng: thi gì, như thế nào; công bằng và bớt nhiêu khê nhất; nhà nước cần tổ chức thi thế nào để con cháu người ta có động lực học.

Ts Nguyễn Dũng Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Như Hùng
Ts Nguyễn Dũng Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Như Hùng

 

Nhiều trường còn hạn chế cơ sở vật chất, giáo viên

Báo cáo về thực trạng giáo dục ĐH VN Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và ban hành chính sách, chỉ đạo, quản lý và thực hiện vệc thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.

Theo đánh giá chung, những năm qua, vị trí, vai trò của công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất đã được các trường nhận thức đúng đắn. Với sự đầu tư của nhà nước nhiều trường đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang và môi trường sư phạm tốt…

Tuy nhiên, bất cập về cơ sở vật chất vẫn tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của đào tạo ở nhiều mặt.

Kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ (16 trường công lập, 9 trường ngoài công lập) cho thấy một số trường chưa có đất thuộc sở hữu, chưa xây dựng được cơ sở đào tạo trên đất hiện có, hiện vẫn thuê mướn địa điểm để hoạt động giáo dục… 

Công tác quy hoạch xây dựng trường còn nhiều hạn chế, yếu kém; thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm các trường ĐH, CĐ còn yếu kém.

Về đội ngũ giảng viên cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số cơ sở đào tạo chưa thực sự quan tâm đến duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên, không đảm bảo điều kiện về giảng viên cơ hữu theo quy định và đã bị dừng tuyển sinh…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân: việc phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH chưa rõ ràng nên các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể.

Nghiên cứu khoa học lạc hậu

Nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH chưa được xem là hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức bị lạc hậu nhanh chóng và sinh viên không được nhúng trong môi trường sáng tạo để tự mình trang bị phương pháp nghiên cứu, kinh nghiệm tự học tập để phát triển liên tục trong suốt cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của mình… Thiếu đội ngũ quản trị ĐH giàu kinh nghiệm trong các nhà trường.

Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra trong cả ngày hôm nay và sẽ dành phần lớn thời gian để các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề mấu chốt nhất hiện nay trong giáo dục ĐH.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên