- Để bạn tìm hiểu và nắm được các kiến thức cơ bản về hệ thống đăng ký, bù trừ, lưu ký và thanh toán, xin trả lời chung như sau:
Nói đến đăng ký chứng khoán, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán là nói đến dịch vụ hỗ trợ giao dịch chứng khoán trên các thị trường chứng khoán (TTCK) bao gồm cả các thị trường chính thức và thị trường phi tập trung.
Người đầu tư có thể đặt câu hỏi tại sao lại phải cần đến dịch vụ đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán trong khi họ có thể tự bảo quản lấy tài sản của mình, tìm gặp nhau để thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán, sau đó tự thanh toán chứng khoán và tiền với nhau?
Câu trả lời ở đây là “hình thức giao dịch chứng khoán” đã quyết định đến vấn đề này. Việc giao dịch và thanh toán như trên chỉ thực hiện được đối với các giao dịch tự phát, chủ yếu là trực tiếp giữa một bên mua với một bên bán, tính an toàn trong giao dịch thấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ không thực hiện nghĩa vụ giao dịch của hoặc bên mua, hoặc bên bán, đặc biệt là khi giá cả thị trường có nhiều biến động.
Trong khi đó, giao dịch chứng khoán tại các sở giao dịch chứng khoán (thị trường tập trung), thị trường giao dịch điện tử (thị trường phi tập trung), thị trường các công cụ phái sinh… đều là hình thức giao dịch có tổ chức giữa nhiều bên mua bán với nhau. Để luôn đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cũng như sự an toàn cho tất cả các bên tham gia mua bán, giảm thiểu chi phí giao dịch, hình thức giao dịch có tổ chức, đòi hỏi việc thanh toán tiền và chuyển giao chứng khoán cũng phải được thực hiện một cách có tổ chức.
Khi giao dịch chứng khoán đã được xác nhận thực hiện, việc chuyển giao chứng khoán và thanh toán tiền sẽ được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trên các tài khoản chứng khoán và tiền thông qua các bút toán ghi sổ, thay vì chuyển giao vật chất trực tiếp như trong hình thức giao dịch tự phát.
Để làm được điều này, chứng khoán niêm yết hay đăng ký giao dịch trên TTCK cần phải được lưu giữ tập trung và bất động hóa tại một nơi. Chính đòi hỏi này đã dẫn đến sự ra đời của loại hình dịch vụ là đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán để hỗ trợ cho việc thực hiện và hoàn tất các giao dịch chứng khoán trên các thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức.
Sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ này cũng đã kéo theo sự ra đời của các tổ chức cung ứng các dịch vụ đó và hệ thống văn bản pháp quy để quản lý các tổ chức cung ứng dịch vụ đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán thường là các ngân hàng lưu ký (ngân hàng thương mại được phép hoạt động lưu ký chứng khoán), các công ty chứng khoán, được gọi chung là các tổ chức lưu ký. Các tổ chức thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán là các ngân hàng thanh toán. Hoạt động của thị trường giao dịch có tổ chức cần một nơi để lưu giữ và quản lý tập trung các chứng khoán, đồng thời sự hình thành nhiều tổ chức lưu ký cũng đòi hỏi phải có một tổ chức đóng vai trò là tổ chức lưu ký trung tâm, làm trung gian kết nối các tổ chức lưu ký này với nhau, tạo cơ sở cho việc thực hiện thanh toán bằng hình thức ghi sổ.
Những đòi hỏi đó đã dẫn đến sự hình thành của thị trường lưu ký chứng khoán(TTLKCK), các tổ chức lưu ký còn lại trở thành thành viên của trung tâm lưu ký, hay còn gọi là các thành viên lưu ký. Đối với các ngân hàng thanh toán cũng vậy, cần phải có một ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng thanh toán trung tâm, thực hiện thanh toán tiền cho tất cả các giao dịch chứng khoán, thường là Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) hay Ngân hàng chỉ định thanh toán.
Để hiểu thêm về các dịch vụ do hệ thống đăng ký chứng khoán, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán thực hiện, phần dưới đây sẽ đề cập đến từng dịch vụ cụ thể:
Đăng ký chứng khoán
Trước khi chứng khoán được đưa vào lưu ký tập trung tại TTLKCK, chúng cần phải được đăng ký đầy đủ thông tin để TTLKCK có thể nhận lưu ký. Các thông tin đăng ký bao gồm:
- Đăng ký thông tin về chứng khoán chẳng hạn như tên chứng khoán, loại chứng khoán, mẫu mã chứng khoán, số lượng đang lưu hành...
- Đăng ký thông tin về người sở hữu chứng khoán chẳng hạn như tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của người sở hữu, số lượng sở hữu...
Việc thực hiện đăng ký thông tin thường do tổ chức phát hành tiến hành hoặc do một tổ chức được tổ chức phát hành ủy quyền tiến hành. Như vậy, đối với các chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, TTLKCK trở thành nơi duy nhất thực hiện dịch vụ làm đại lý chuyển nhượng.
Lưu ký chứng khoán
Lưu ký chứng khoán thực chất là việc lưu giữ, bảo quản chứng khoán của khách hàng cả chứng khoán vật chất và chứng khoán ghi sổ. Đồng thời đối với các chứng chỉ vật chất, TTLK còn phải thực hiện cả việc quản lý nhập, xuất và bảo quản an toàn chứng chỉ chứng khoán tại kho chứng chỉ chứng khoán.
Để theo dõi và quản lý luồng ra vào chứng khoán của khách hàng ký gửi tại TTLKCK (ký gửi thông qua các tổ chức lưu ký thành viên), TTLKCK phải thực hiện mở tài khoản lưu ký chứng khoán cho các tổ chức lưu ký thành viên và cho khách hàng, tương tự như việc ngân hàng thương mại (NHTM) mở tài khoản vãng lai để quản lý luồng tiền cho khách hàng của mình.
Chính vì vậy, lưu ký chứng khoán còn bao gồm cả việc thực hiện các dịch vụ liên quan đến mở tài khoản, nhận gửi, rút, chuyển khoản chứng khoán lưu ký. Ngoài ra, TTLKCK cũng như các tổ chức lưu ký còn cung ứng bất cứ dịch vụ nào khác được pháp luật cho phép liên quan đến tài khoản lưu ký chứng khoán, chẳng hạn như dịch vụ làm trung gian trong các giao dịch bảo đảm như cầm cố, giải tỏa cầm cố chứng khoán.
Bù trừ chứng khoán và tiền
Nếu đăng ký và lưu ký chứng khoán là khâu hỗ trợ trước giao dịch chứng khoán, thì bù trừ chứng khoán và tiền là khâu hỗ trợ sau giao dịch chứng khoán. Sau khi chứng khoán niêm yết đã được đưa vào đăng ký, lưu ký tập trung tại TTLKCK, chúng sẽ được phép giao dịch trên TTCK.
Tuy nhiên, sau khi giao dịch trên thị trường được thực hiện (đã được xác nhận), thì các bên tham gia giao dịch cần phải nhận được tài sản của mình: bên bán nhận được tiền, bên mua nhận được chứng khoán. Bù trừ chứng khoán và tiền là khâu tiếp theo sau giao dịch, thực hiện việc xử lý thông tin về các giao dịch chứng khoán, tính toán lại nhằm xác định số tiền và chứng khoán ròng cuối cùng mà các đối tác tham gia giao dịch phải có nghĩa vụ thanh toán sau khi giao dịch được thực hiện.
Trong hoạt động bù trừ, phương thức bù trừ cũng là một vấn đề cần quan tâm. Phương thức bù trừ cho các giao dịch chứng khoán được quyết định bởi phương thức giao dịch trên TTCK. Nếu phương thức giao dịch là đa phương (nhiều bên mua với nhiều bên bán), điển hình có thể thấy là đối với các giao dịch khớp lệnh cổ phiếu, thì phương thức bù trừ chứng khoán và tiền sẽ là bù trừ đa phương. Nếu phương thức giao dịch là song phương (một bên mua với một bên bán), điển hình có thể thấy là đối với các giao dịch thỏa thuận, thì phương thức bù trừ cũng sẽ là bù trừ song phương.
Thanh toán chứng khoán và tiền
Thanh toán chứng khoán và tiền cũng là dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch chứng khoán, là hoạt động cuối cùng để hoàn tất các giao dịch chứng khoán, theo đó các bên tham gia giao dịch sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình: bên phải trả chứng khoán thực hiện giao chứng khoán, bên phải trả tiền thực hiện việc chuyển tiền, lần lượt trên cơ sở kết quả bù trừ chứng khoán và tiền được đưa ra ở trên.
Để giảm rủi ro cho các đối tác tham gia giao dịch, việc thanh toán chứng khoán và tiền luôn phải đảm bảo nguyên tắc giao chứng khoán đồng thời với việc thanh toán tiền, hay còn gọi là nguyên tắc DVP (Delivery versus Payment). Thời hạn của việc thanh toán được quyết định bởi chu kỳ thanh toán.
Tùy thuộc vào điều kiện của từng nước mà chu kỳ thanh toán áp dụng có thể là T+1; T+2 hay T+3, trong đó T được hiểu là ngày giao dịch (ngày mà giao dịch được thực hiện) và 1; 2; 3 là số ngày giao dịch (không tính ngày nghỉ) tiếp theo kể từ ngày T. Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), của Tổ chức các ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSCO) cũng như của nhóm G30 (nhóm các quốc gia có TTCK phát triển), các nước nên áp dụng chu kỳ thanh toán tối đa là T+3.
Trong hoạt động thanh toán chứng khoán và tiền, phương thức thanh toán cũng là mối quan tâm của các bên tham gia giao dịch. Phương thức thanh toán được quyết định bởi phương thức bù trừ, do thanh toán luôn được thực hiện trên cơ sở của kết quả bù trừ. Chính vì vậy, nếu phương thức bù trừ là đa phương thì phương thức thanh toán cũng là thanh toán đa phương và tương tự, phương thức bù trừ là song phương thì phương thức thanh toán cũng sẽ là thanh toán song phương.
Bạn có thể tìm hiểu thêm các kiến thức cơ bản về chứng khoán tại đây.
Bạn muốn là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bạn vẫn chưa biết bắt đầu nghiên cứu về thị trường đang rất sôi động này từ đâu. Mời bạn gửi câu hỏi về tto@tuoitre.com.vn cho mục Tìm hiểu về đầu tư chứng khoán. Tuổi Trẻ Online sẽ kết hợp với các chuyên gia của trường ĐH Kinh tế TP.HCM giải đáp các thắc mắc cũng như cung cấp các kiến thức thường thức về chứng khoán. Chuyên mục cũng sẽ giới thiệu các bài báo về phân tích thị trường, tình hình biến động, gợi ý đầu tư, các bài viết về kinh nghiệm của các nhà đầu tư chứng khoán, kinh nghiệm chọn lựa cổ phiếu và dự đoán giá cả các cổ phiếu. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận