22/11/2017 16:44 GMT+7

Giao đất ở đặc khu 99 năm là quá dài?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Quy định giao đất với thời hạn tối đa tới 99 năm, cùng nhiều ưu đãi trong dự thảo luật về các đặc khu, khiến các đại biểu lo "khác nào cho không đất".

Giao đất ở đặc khu 99 năm là quá dài? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) chiều 22-11, các đại biểu đồng tình cao với việc ban hành luật, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vừa thể chế hoá chủ trương của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị".

Dự án casino 30 năm thất bại thì sao?

Ủng hộ thành lập đặc khu, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết các địa phương dự kiến có đặc khu đã chuẩn bị rất kỹ, như Quảng Ninh thành lập ban chỉ đạo, tiến hành rất bài bản để hướng đến lập đặc khu Vân Đồn.

"Tuy nhiên, địa bàn dự kiến thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do đó, luật cần làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia", ông Tuyết lưu ý.

Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), đặc biệt về thời hạn giao quyền sử dụng đất và quy định lựa chọn nhà đầu tư.

"Cấp đất tới 99 năm ở các địa bàn trọng yếu như vậy tôi rất băn khoăn, với điều kiện dễ dãi là đầu tư 44.000 tỉ đồng và đầu tư casino. Thử hỏi chúng ta có biết 50 năm nữa điều kiện thay đổi thế nào không? Người ta có đánh bạc, có dùng tiền như hiện nay không?", ông Nghĩa nêu vấn đề.

Đại biểu TP.HCM kiến nghị: "Nếu casino 30 năm thất bại thì có thu hồi đất không? Tôi đề nghị dự án thất bại thì phải thu hồi đất, nếu chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thì phải làm lại thủ tục đầu tư. Đề nghị quy định rõ những ngành không cho nước ngoài đầu tư, những ngành không cho chuyển nhượng cho nước ngoài".

Giao đất ở đặc khu 99 năm là quá dài? - Ảnh 2.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết còn phân tích: "Giao đất với thời hạn tối đa tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế".

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) bình luận: "Quy định giao đất thời gian dài như vậy, cộng với các điều kiện ưu đãi khác về dự án, khác nào chúng ta cho không đất".

"Được 2 còn hơn không được gì"

Nhận định nhiều quốc gia thất bại trong xây dựng đặc khu là vì cách làm chứ không phải do chủ trương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị: "Thứ nhất, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải chọn lọc, đặc biệt phải đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, đảm bảo tiêu chuẩn cùng có lợi. Chúng ta cứ nói cùng có lợi nhưng nhiều khi họ lợi 8, mình lợi có 2".

Ông Nghĩa cũng băn khoăn về việc đưa vào luật cả 3 địa danh dự kiến thành lập đặc khu.

"Tôi nghĩ đã đủ chín muồi để xây dựng một luật chung về đặc khu kinh tế, quy định những cơ chế, chính sách đặc thù chung đối với việc thành lập đặc khu. Còn với 3 đặc khu này thì chính sách cụ thể đưa vào các nghị quyết. Trên thế giới tỉ lệ thành công chỉ là 50/50, giả sử 3 đặc khu này có nơi không thành công, hoặc thí điểm thành công rồi muốn mở rộng, chẳng lẽ lại sửa luật?"

Giao đất ở đặc khu 99 năm là quá dài? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa - lập tức giơ bảng tranh luận. Ông Thân đồng tình quy định ưu đãi giao đất 99 năm đối với một số dự án lớn, thuộc diện ưu tiên đặc biệt bởi "phải tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, chứ nếu quy định bằng hoặc thấp hơn thì rất khó".

"Trong đầu tư kinh tế không nên nghĩ là người ta được 8, mình chỉ được 2. Nếu chúng ta không thu hút đầu tư thì nhiều khi 2 cũng không được. Vấn đề là chúng ta được lợi ích tổng hợp như thế nào, ví dụ cho phép đầu tư một casino thì người ta đến đó đánh bạc thì đồng thời đi du lịch, ở khách sạn 5 sao, sử dụng các dịch vụ khác…", ông Thân phân tích.

Đại biểu Thân cũng cho rằng cách tiếp cận của ban soạn thảo xây dựng dự án luật cho 3 đơn vị (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) là đúng, bởi Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nghị quyết của Đảng cũng nói xây dựng thử nghiệm một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo ra cực tăng trưởng.

Đồng ý với đại biểu Thân, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) lên tiếng: "Tôi không đồng thuận là có một bộ luật chung, bởi đây là vấn đề không mới với thế giới nhưng Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm. Nếu không quy định chặt sẽ sẽ dẫn đến tình trạng 'trăm hoa đua nở'".

Trưởng đặc khu do bầu hay bổ nhiệm?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đồng tình với phương án đặc khu không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đồng tình: "Chúng ta đã có một thời gian thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, do đó có đầy đủ cơ sở để lựa chọn mô hình chính quyền đặc khu không tổ chức HĐND, để đảm bảo mô hình mang tính vượt trội".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề nghị nghiên cứu phương án đột phá như bầu cử trực tiếp, tranh cử đối với chức danh trưởng đặc khu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên