Ngay sau loạt bài về việc giao đất rừng cho quan chức trồng cao su ở Bình Phước được đăng tải trên Tuổi Trẻ, ông Tuấn đã giao Cục Kiểm lâm và tỉnh Bình Phước kiểm tra vụ việc, báo cáo ngay về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
* Bạn đọc Tuổi Trẻ đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc
“Hiện chúng tôi chưa rõ về vị trí đất rừng bị đem trồng cao su, có hai tình huống xảy ra nếu rừng thông thường do tỉnh quản lý, rừng đặc dụng do bộ quản lý. Trong bài báo cũng có nói rừng này đã bị phá trồng cao su 5-6 năm nay thì càng phải xem xét kỹ vì nếu đúng như vậy thì sai sót đã bị để kéo dài” - ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Bình Phước mà từng xảy ra ở một số địa phương.
* Gần 100 ý kiến đã được bạn đọc phản hồi sau loạt bài “Ban phát đất rừng cho quan chức” ở tỉnh Bình Phước (Tuổi Trẻ ngày 29 và 30-10-2014). Đa số phản hồi này là ý kiến của người dân sống ở Bình Phước. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự cảm động sâu sắc với bài báo “Cho thuê đất theo tiêu chí nghĩa tình” (bài 1, đăng ngày 29-10).
Bạn đọc Nguyễn Giang viết: “Chuyện này nói chung là mỗi người dân đều biết nhưng không dám nói ra! Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đưa ra ánh sáng!”.
Bạn đọc Chan Ly cho rằng: “Đây là lời kêu cứu không chỉ từ những cánh rừng, từ những loài vi sinh vật, ký sinh sống quanh các khu rừng thiên nhiên vô giá mà còn là tiếng kêu cứu từ công lý, từ những con người nông dân kham khổ mất đất sản xuất, mất quyền lợi, tài sản, cơ nghiệp mà không biết kêu ai”.
Nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng việc chia đất cho cán bộ chính là một trong những nguyên nhân thực tế làm Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo nhưng quan chức địa phương không hề nghèo. Thương cho người nông dân Bình Phước ôm nỗi ấm ức quá lâu. Bạn đọc cũng đề nghị “làm rõ trách nhiệm của cả những người đã hạ cánh an toàn” vì chuyện này đã diễn ra trong thời gian quá dài.
Bạn đọc đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc một cách nghiêm túc. Sai phạm đến đâu phải kiên quyết xử lý. Nhiều bạn đọc cũng mong muốn Tuổi Trẻ hãy đăng tải toàn bộ danh sách quan chức, người nhà quan chức được nhận đất để mọi người đều rõ.
“Khi lòng tham lấn át lòng tự trọng thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Các cán bộ nhà nước nghĩ gì khi dân địa phương thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn mà mình lại đi tranh nhận đất trồng cao su như vậy. Buồn quá” - một bạn đọc tâm sự
Ngoài những đề nghị cấp trung ương vào cuộc “mổ xẻ khối ung nhọt lâu ngày” này, bạn đọc cũng đề nghị Tuổi Trẻ tiếp tục đồng hành với người dân, làm sâu hơn nữa vấn đề chia chác đất đai.
Tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều 29-10 do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì, phóng viên Tuổi Trẻ đã chuyển đến bộ trưởng thông tin trong bài báo về vụ việc phân chia đất rừng ở Bình Phước và đề nghị cho biết quan điểm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói:
- Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ trước đến giờ trong sử dụng tài nguyên nói chung, đất đai nói riêng là đảm bảo theo quy định của pháp luật, khi đặt ra chính sách phục vụ con người đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đặc biệt từng địa phương còn đất giải quyết cho người dân, cho đối tượng chính sách thì phải tính toán thứ tự ưu tiên, ví dụ đối tượng chính sách nghèo, nông dân nghèo, dân tộc, người có công... trong vùng dự án và mọi việc đều phải công khai minh bạch, tạo đồng thuận xã hội, thống nhất nội bộ, đảm bảo minh bạch, thực hiện tốt. Câu chuyện của Bình Phước thực hư thế nào chúng tôi sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước báo cáo. Việc báo chí phát hiện, đăng tải, phản ánh là cần thiết, tôi chỉ yêu cầu chúng ta nên tìm hiểu thêm, nắm thêm bản chất vấn đề, yêu cầu địa phương làm rõ, xử lý nếu có tiêu cực, nếu chủ trương chính sách chưa rõ phải hỗ trợ thông tin để thực hiện cho tốt. V.V.THÀNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận