22/12/2010 15:52 GMT+7

Giáo án điện tử - phương pháp giảng dạy mới?

NGUYỄN TRỌNG BÌNH
NGUYỄN TRỌNG BÌNH

TTO - Trong vài năm trở lại đây, vấn đề “đổi mới phương pháp dạy học” ở tất cả các cấp học đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của những người làm công tác giáo dục. Và một trong những vấn đề các nhà quản lý giáo dục quan tâm nhất hiện nay là việc yêu cầu giáo viên phải ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin nhằm cụ thể hóa chủ trương “đổi mới phương pháp” dạy học ấy.

Trao đổi về vấn đề “đổi mới nửa vời” trên báo Tuổi Trẻ:

Ồ ạt màn hình LCD trong lớp họcChạy đua với giáo án điện tử

PxMslEnD.jpgPhóng to
Một tiết tập đọc của học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động - Ảnh: N.HÙNG

Điều này được cụ thể qua việc khuyến khích (thậm chí có nơi bắt buộc) người dạy phải chuyển đổi từ việc soạn giáo án, bài giảng trên tập sang soạn trên máy vi tính với các phần mềm hỗ trợ mà chúng ta vẫn quen gọi là giáo án điện tử (GAĐT). Có thể nói đây là một yêu cầu tất yếu và cần thiết đối với những người làm công tác giảng dạy nói chung trong xu thế hiện nay.

Bởi nói gì thì nói, phải thừa nhận rằng GAĐT là một bước tiến mới trong quá trình dạy học nhằm góp phần cải tiến phương pháp dạy học, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Những ưu điểm của việc sử dụng GAĐT trong quá trình dạy học là rất rõ ràng không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu cho rằng giáo viên dạy học bằng GAĐT là đã “đổi mới phương pháp” dạy học thì cần phải nhìn nhận lại.

Trước hết, có thể thấy trên thực tế có không ít người suy nghĩ rất máy móc là dạy học bằng GAĐT cũng đồng nghĩa với việc đã áp dụng “phương pháp dạy học mới”. Rõ ràng quan niệm như thế là rất sai lầm. Thật ra dạy học thông qua máy vi tính, máy chiếu, màn hình LCD… chỉ có tính chất như một phương tiện hỗ trợ chứ không có nghĩa là một phương pháp và càng không thể xem đó là một phương pháp mới.

Ở đây chúng ta không phê phán việc soạn GAĐT để dạy học mà vấn đề đáng nói là việc dạy bằng GAĐT giáo viên cũng chẳng có gì đột phá về phương pháp giảng dạy. Hẳn chúng ta từng nghe không ít giáo viên có kinh nghiệm bảo rằng nếu trước đây có người lên lớp dạy bằng cách đọc cho sinh viên ghi từ bài soạn viết tay của mình thì khi có GAĐT lại chiếu lên màn hình cho sinh viên ghi. Về mặt phương pháp mà nói thì hai cách làm trên thật ra chẳng khác gì nhau.

Cụ thể hơn, một quan niệm sai lầm dễ thấy nhất của giáo viên khi sử dụng GAĐT trong dạy học hiện nay là ở trường hợp môn ngữ văn. Trên thực tế, có không ít giáo viên do tuyệt đối hóa ưu điểm của GAĐT nên đã vô tình quên đi tính đặc thù trong giảng dạy tác phẩm văn chương. Nhiều người quên rằng văn học không chỉ là khoa học mà quan trọng hơn nữa văn học còn là nghệ thuật - nghệ thuật ngôn từ.

Cái đích cuối cùng của việc dạy văn suy cho cùng chính là nhằm rèn luyện, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm trong sáng, lành mạnh cho tâm hồn học sinh… Để học sinh có thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp… trong một tác phẩm văn chương thì những hành vi như giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, cảm xúc của người dạy là rất quan trọng; có thể nói không có bất kỳ một phương tiện kỹ thuật nào có thể thay thế những hành vi ấy được.

Thế nhưng, trong thực tế có không ít giáo viên dạy văn bằng GAĐT chỉ ngồi một chỗ mắt nhìn vào màn hình vi tính, tay gõ bàn phím mà ít khi đối thoại, giảng dạy cho học sinh. Ngoài ra, thông qua GAĐT nhiều người đã lạm dụng những hình ảnh (tranh, hình vẽ…) để minh họa cho những ý thơ hay hình tượng nhân vật nào đó trong một truyện ngắn một cách sai lầm, cứng nhắc và thô thiển…

Có thể nói do không chú ý vấn đề này nên có không ít giáo viên dạy văn bằng GAĐT đã vô tình đánh mất đi không khí gần gũi, ấm áp, thân tình giữa thầy và trò - một yếu tố cực kỳ quan trọng trong dạy học văn, từ đó làm tiết dạy văn trở nên khô khan, nhàm chán.

Một sai lầm nữa trong việc sử dụng GAĐT để dạy học hiện nay là có không ít giáo viên vì triệt để khai thác ưu thế tiết kiệm thời gian của GAĐT nên không tuân thủ những nguyên tắc trình bày của một bài giảng trên GAĐT (mỗi slide 6 dòng, mỗi dòng 6 từ, mỗi từ cách nhau 6mm), từ đó đã chi phối rất nhiều đến việc tiếp nhận của người học. Học sinh có khi chỉ chú ý đến những hiệu ứng lạ mắt, vui nhộn mà không chú ý đến nội dung của bài học. Cũng có người lại lạm dụng những hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh, những kỹ năng trình diễn rất tùy tiện...

Cuối cùng, sử dụng GAĐT trong giảng dạy văn học có một hạn chế rất đáng để quan tâm, đó là khi không may xảy ra sự cố kỹ thuật như mất điện hay máy vi tính bị hư hỏng, người dạy sẽ rất bị động từ đó làm tiết dạy mất hứng thú vì thiếu sự chuẩn bị một phương án thay thế cần thiết.

Nguy hiểm hơn là có người vì quá lệ thuộc ở bộ nhớ của máy vi tính nên không chú ý rèn luyện bộ nhớ của chính mình, vì thế khi có sự cố xảy ra rất dễ rơi vào tình trạng nhớ trước quên sau. Do chủ quan nghĩ rằng mọi thứ đã có trong GAĐT và thói quen nhờ máy tính “nói” hộ, vì thế rất dễ đưa đến tình trạng ngôn từ diễn đạt bị thui chột, kiến thức bị bào mòn, mai một...

Từ những vấn đề đặt ra như vậy, chúng tôi thấy rằng việc sử dụng GAĐT trong giảng dạy học cần lưu ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, những ưu điểm của việc sử dụng GAĐT trong giảng dạy văn học nói chung hiện nay là rất rõ ràng không ai có thể phủ nhận. Sử dụng GAĐT trong giảng dạy học là một việc làm thể hiện tinh thần học hỏi, cầu tiến của những người dạy phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, cần phải nhận thức rằng GAĐT chỉ là một phương tiện hỗ trợ quá trình dạy học chứ GAĐT không phải là “một phương pháp mới” trong dạy học. Nếu không nhận thức đúng đắn vấn đề này chắc chắn việc sử dụng GAĐT không những không phát huy những ưu điểm của nó mà có khi không tạo ra một bước đột phá gì về mặt phương pháp dạy học theo yêu cầu đổi mới.

Thứ ba, phải thấy được tính đặc thù của bộ môn, từng bài giảng, từng tiết dạy… để từ đó điều chỉnh việc sử dụng GAĐT trong dạy học một cách “đúng nơi, đúng chỗ, đúng liều lượng”.

NGUYỄN TRỌNG BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên