05/10/2017 07:46 GMT+7

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng...

DANH ANH (thực hiện)
DANH ANH (thực hiện)

TTO - Đã hơn mười năm hát nhạc Trịnh Công Sơn nhưng Giang Trang không bao giờ nhận lời 'chạy sô' hay hát ở chính quán bar nhạc sống của mình.

Cúi xuống thật gần - Giang Trang

Nếu cảm nhận cuộc sống hàng ngày thật chi tiết, tôi thấy những câu chuyện trong đời sống thật đôi khi còn đẹp và đủ đầy hơn sự diễn tả đời sống bằng nghệ thuật.

Ca sĩ Giang Trang

Cô chỉ từ tốn làm album, thực hiện các chương trình theo "concept" riêng. Mới đây, Giang Trang xuất hiện và hát trong bộ phim tài tài liệu Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier vừa mắt tối 4-10. 

Và đêm nhạc vào 30-10 tại Nhật Bản tiếp tục là cách cô "chơi với âm nhạc".

Thẩm mỹ Trịnh Công Sơn gặp thẩm mỹ Nhật Bản

* Từng mang nhạc Trịnh Công Sơn đến Pháp, Đức và lần này là đến Nhật. Tại sao chị lại chọn dự án Hạ huyền 2 để giới thiệu thay vì Hạ huyền 1, Lênh đênh nhớ phố hay Nguyệt hạ?

-  Tôi thấy Hạ huyền 2 là không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn vừa vặn nhất với tinh thần Nhật Bản bởi nó khai thác cái đẹp truyền thống qua mắt nhìn hiện đại. 

Cụ thể ở đây là cuộc hành hương đi tìm cái đẹp qua lời tự sự, dẫn chuyện của người hát, của cây đàn tranh, đàn piano cùng cây đàn guitar acoustic chơi theo lối đi tìm vẻ đẹp hiện đại bằng những cách thức mới.

Ca khúc được chọn trong Hạ huyền 2 không nằm ngoài những đam mê và khổ nạn của con người qua ca từ Trịnh Công Sơn.

* Theo Giang Trang, có mối giao cảm nào giữa Trịnh Công Sơn và đất nước mặt trời mọc? 

- Tôi tin vào sự gặp gỡ trong quan niệm về "cái đẹp có hơi ấm của tâm hồn" giữa thẩm mỹ Trịnh Công Sơn và thẩm mỹ văn chương, nghệ thuật Nhật Bản.

Tôi tìm thấy một thế giới tranh tối tranh sáng giữa vui và buồn, xấu và đẹp, được và mất, hạnh phúc và khổ đau ở đó - một cõi đa tình và đa đoan mải miết đi tìm sự "duy mỹ" để che giấu bớt đi phần nào những đam mê và khổ nạn của con người...

Giang Trang ngẫu hứng Có một dòng sông đã qua đời

Những ngày tháng trọn vẹn với âm nhạc, tôi hay tự nói đùa là "được đi lạc". Đi lạc trong hân hoan, và hạnh phúc.

Ca sĩ Giang Trang

Giang Trang mang nhạc Trịnh Công Sơn tới Nhật Bản Giang Trang mang nhạc Trịnh Công Sơn tới Nhật Bản "Hãy đối xử tử tế với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!" 'Hãy đối xử tử tế với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!' Trịnh Công Sơn bị tình phụ, Bob Dylan là người phụ tình Trịnh Công Sơn bị tình phụ, Bob Dylan là người phụ tình

"Tôi chơi với âm nhạc"

* Trên con đường chơi nhạc, chị đã gặp nhiều người bạn đồng hành nhưng tuyệt nhiên không thấy chị gắn bó  cùng nghệ sĩ nào đi qua nhiều chặng dừng chân khác nhau. Chị lý giải điều này thế nào?

- Câu hỏi rất thú vị! Tôi quan niệm "âm nhạc Trịnh Công Sơn là một dòng nước chảy qua cõi đời này", thế nên mỗi không gian âm nhạc trong một concept sẽ phù hợp và cần đến tài năng, tạng tính riêng của từng người bạn nhạc.

Như mối duyên, tôi đi tìm những bức hoạ, những cảnh quan khác nhau trong ngôn từ Trịnh Công Sơn, tôi muốn vẽ những góc nhìn khác nhau về tâm hồn Trịnh Công Sơn bằng ngôn ngữ âm nhạc và thật tuyệt diệu, mỗi một góc nhìn đều có một nghệ sĩ rất tài năng tình cờ xuất hiện và vẽ cùng tôi những gì đã mường tượng trước đó.

* Vậy nếu có Hạ huyền 3, chị mong được hợp tác với ai?

- Tôi nghĩ cũng sẽ... tuỳ duyên, không biết trước được ai sẽ cùng tôi thực hiện, như các dự án âm nhạc vừa qua. 

Tôi có cảm giác, đây sẽ là tâm trạng của một người hành hương đến một chặng cuối, đứng trên một chiếu nghỉ ngắm nhìn tất cả vẻ đẹp duy mỹ trong nét vẽ của Trịnh Công Sơn trước khi lên đèo. 

* Chị có coi âm nhạc nói chung và nhạc Trịnh nói riêng là sự nghiệp của đời mình?

- Tôi chơi với âm nhạc. Chưa bao giờ tôi coi âm nhạc là sự nghiệp. Nhưng tôi luôn tìm tòi ý tưởng sáng tạo một cách nghiêm túc với cuộc chơi của mình. 

Vì tìm tòi nghiêm túc, luôn vô tư hết mình với cuộc chơi này, có lẽ thế, nên hay tình cờ gặp may được những người bạn nhạc vô cùng tài năng tới gánh vác trách nhiệm hiện thực hoá giúp tôi các ý tưởng.

* Chị từng học kinh tế, làm ngân hàng, chứng khoán, rồi bây giờ gắn bó với nghề kinh doanh quán bar. Công việc liên quan đến con số có khi nào làm khó cho việc vun đắp tâm hồn nghệ thuật và chơi nhạc, nhất lại là nhạc Trịnh?

- Tôi sống, làm, học hỏi, cảm nhận và mạnh dạn trải nghiệm các kiến thức mà đời sống tình cờ đưa đến. Tôi biết rằng dù bay bổng lãng mạn đến cỡ nào thì vẫn phải lao động một cách nghiêm túc để có thể tự nuôi sống bản thân mà không lệ thuộc.

Ngay trong nghệ thuật, tôi nghĩ rất cần một trí tuệ thực tế dẫn dắt. Đôi khi, tôi không hiểu tại sao chúng ta cứ cố tình mặc định rằng nghệ thuật là một cái gì đó ảo tưởng và xa rời đời sống thực tế?

* Có lúc nào chị đối mặt với bài toán tập trung đi hát chuyên nghiệp hay toàn tâm toàn ý làm giàu?

- Tôi chưa bao giờ đặt ra tình huống đó. Tôi mê âm nhạc, mê được làm nhạc, chứ chưa phải mê ca hát. 

Làm giàu tôi rất muốn, nhưng tôi chưa thấy mình thật sự có năng khiếu làm giàu. 

Chờ nhìn quê hương sáng chói - Giang Trang (đêm nhạc Hạ huyền 2)

Chữ yêu trong nhạc Trịnh Công Sơn là niềm tin nơi sức mạnh thiêng liêng của tình yêu giữa con người với con người, để chịu được những điều đau nhất, thả trôi đi những tị hiềm.

Ca sĩ Giang Trang


'Cháy vé' đêm nhạc Giang Trang "Cháy vé" đêm nhạc Giang Trang Giang Trang 'trong suốt hóa' nhạc Trịnh Giang Trang "trong suốt hóa" nhạc Trịnh Giang Trang trước giờ ra sàn diễn lớn Giang Trang trước giờ ra sàn diễn lớn

Chỗ bí hiểm trong chữ yêu của Trịnh Công Sơn là ở chỗ đau

* Tôi nghe chị hát trong không gian tĩnh lặng, ấm cúng thấy thấm, nhưng nghe chị kể chuyện về những mối duyên với nhạc Trịnh và diễn giải ca từ của Trịnh Công Sơn thì còn ngấm hơn. Với chị, những điều gì là tinh tuý trong ca từ của Trịnh?

- Tôi thích tinh thần duy mỹ, cái đẹp và lặng lẽ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi thích góc nhìn đắm đuối với kiếp nhân sinh của Trịnh Công Sơn. 

Và tôi cũng thích tinh thần Trịnh Công Sơn "cúi xuống thật gần" như để vượt khỏi mê hồn trận của những đam mê và khổ nạn con người.

* Về chữ "yêu" trong nhạc Trịnh, Giang Trang có thể nói gì qua hai ca khúc bất kỳ của ông mà chị đã hát?

- Một là "yêu" trong Tôi ơi đừng tuyệt vọng, với câu hỏi "tôi là ai mà yêu quá đời này?", một là "yêu" trong vô thường của "con tim mù loà" rồi "hồn mình như vá khâu", "buồn mình như lũng sâu"...

Chỗ bí hiểm trong chữ yêu của Trịnh Công Sơn là ở chỗ đau. Tôi chọn thám hiểm lời ca từ nửa tối để gạn lấy những bóng nắng hy vọng, về một nửa sáng.

* Chị nói nhạc của Trịnh Công Sơn có tính "xuyên không", có thể hiểu rõ hơn thế nào?

- Tôi nghĩ, ca từ và nét vẽ âm nhạc của Trịnh Công Sơn chạm đến tâm thức làm người. Ở thời đại nào, hoàn cảnh nào con người cũng đều có chung những trải nghiệm tâm thức như thế.

Ngôn ngữ âm nhạc Trịnh Công Sơn như một bằng cớ của thực tại. Từng từ ngữ rất dung dị. Các từ dung dị, dường như vô sắc ấy lại được sắp xếp một cách lạ lùng để gợi nhớ, để bâng quơ về một ấn tượng nội tâm nào đó.

Trịnh Công Sơn ít khi mô tả tham, hay mô tả quá cụ thể chi tiết về một hình ảnh hay một cảm nhận. Trịnh Công Sơn hay gợi chuyện, hay bỏ ngỏ những khoảng trống để những người đến với thế giới ca từ của ông có một khe cửa hẹp để hoà tâm mình vào.

Màu sắc của ca từ như vô sắc, nhưng lại toát lên bản chất thật của một sự vật mà không cần diễn đạt thêm nhiều lớp vỏ bọc màu mè tri thức của ngôn từ, hay những trừu tượng khô cứng. 

Những hình dung rất thực, rất con người đó theo cách sắp xếp của riêng Trịnh Công Sơn dẫn dắt chúng ta cùng bước vào khoảng không hoàn toàn tự nhiên, cho chúng ta hình dung như thấy chính chúng ta xuất hiện lại trong thế giới âm nhạc này, bằng những hình ảnh "mù mờ", "bâng quơ" của nhân thế muôn kiếp của chúng ta.

Thế nên, âm nhạc Trịnh Công Sơn rất khó bị lạc hậu.

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 9.

Ca sĩ Giang Trang - Ảnh: NVCC

Tôi hơi cực đoan một chút là dẫu biết rằng trong nghệ thuật chỉ cần tài năng là đủ - nhưng để thật sự yêu mến một tâm hồn mang danh tạo ra cái đẹp, tôi thích con người trong nghệ thuật và con người ở đời thường đều đẹp. Ngoài tài năng, vẫn cần sống đẹp. Và chân thành.

Ca sĩ Giang Trang

Trịnh Công Sơn là người dám tự do tuyệt đối

* Chị nói tranh của Trịnh Công Sơn còn khiến chị "nể" hơn nhạc. Vậy chị nhìn thấy gì ở Trịnh Công Sơn - hoạ sĩ? 

- Tôi đặc biệt thích tranh Trịnh Công Sơn! Khi xem tranh Trịnh Công Sơn vẽ, tôi thấy rõ hơn ảnh hưởng to lớn của màu sắc lên tâm thức con người. 

Ở tranh Trịnh Công Sơn, tôi thấy những thực tại được hoạ lại và thực chứng bằng màu sắc với nhiều mức độ khác nhau. Có một cảm nhận chung là những màu rực rỡ và rất thuần khiết như bằng cớ của trạng thái nội tâm thuộc về khoảnh khắc thực tại.

* Chị cũng nói Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ hiếm hoi mà chị mến yêu ở cả tác phẩm và con người. Vậy chị muốn chia sẻ với công chúng điều gì chị thấy, biết ở góc độ "con người" của nhạc sĩ Diễm xưa? 

- Tôi không có cơ hội biết về một Trịnh Công Sơn trong đời thường. Tôi chỉ may mắn được gặp những người thân trong gia đình Trịnh Công Sơn.

Tôi thích Trịnh Công Sơn ở góc nhìn là một người tự do tuyệt đối, dám tự do tuyệt đối. Ông là người, như tôi được nghe kể và đọc, là rất hay nói câu "thôi kệ!" trước những phản trắc của cuộc đời.

* Đối với Giang Trang, ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất?

- Tôi thích nghe chính Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi cũng thích nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn ở những bản thu trước 1975.

* Theo Giang Trang, nhạc Trịnh có thể phối với nhạc điện tử?

- Có chứ! Tôi hoàn toàn tin nhạc Trịnh Công Sơn có thể đẹp và vẫn rất Trịnh Công Sơn khi phối hợp với nhạc điện tử. Khi đó không gian sẽ mở rộng, và nói hộ nhiều thêm nữa những gì chúng ta đã làm với nhạc Trịnh Công Sơn…

Muốn làm được không gian nhạc điện tử đó, tôi nghĩ, người nhạc sĩ phối khí cần phải có chìa khoá để mở được kho tàng "thế giới nội tại" rất miên mật và thầm lặng trong ngôn từ Trịnh Công Sơn.

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 11.

Ca sĩ Giang Trang - Ảnh: NVCC

Giáo sư Cao Huy Thuần bàn về Trịnh Công Sơn qua đêm Hạ huyền 2 ở Paris (2015):

"Hát Trịnh Công Sơn thì phải "cúi xuống, cúi xuống thật gần". Gần cái gì? Gần trái tim. Để làm gì? Để "nghe tim rạng vỡ", nghe "đau thương trong tuổi nhỏ khóc òa". Nhạc Trịnh Công Sơn thường buồn như vậy, như nỗi lòng kể trong bóng tối. Kể nhỏ nhỏ, thầm thì.

Nhưng có một điều rất lạ, đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn: nghe giọng buồn mà ta không chìm xuống, ngược lại, vẫn thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, thinh không.

Nhạc và lời ca vừa bay lên vừa bay vào. Bay lên trong chỗ Đẹp, chỗ Cao Sang, chỗ Tha Thứ, chỗ Giải Thoát. Và đồng thời bay vào, vào chỗ tối trong tim các anh chị, chỗ hiu quạnh, chỗ ngây ngô. Chỗ đau.

Mong các anh chị thưởng thức được nét tuyệt diệu đó của bài hát "Trong nỗi đau tình cờ" qua giọng hát của Giang Trang và phối khí mê hoặc của anh Thanh Phương."

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 13.

Ca sĩ Giang Trang - Ảnh: NVCC

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 14.

Ca sĩ Giang Trang - Ảnh: NVCC

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 15.

Ca sĩ Giang Trang - Ảnh: NVCC

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 16.

Giang Trang làm "bà đỡ" cho đêm nhạc của ca sĩ Văn Ngân Hoàng - Ảnh: NVCC

Giang Trang: thám hiểm ca từ nửa tối để gạn những bóng nắng... - Ảnh 17.

Giang Trang trong đêm nhạc Hạ huyền 2 tại Munich (Đức) - Ảnh: NVCC

DANH ANH (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên