Ca sĩ Giang Trang trong đêm Nguyệt hạ - Ảnh: ĐỖ QUANG CƯỜNG |
Giọng hát Giang Trang không hay, không dở, nhưng rất vừa vặn với tinh thần nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là sự tối giản, là im lặng, là kể chuyện, không lên gân.
Trong buổi diễn gần đây nhất của Giang Trang - đêm Nguyệt Hạ (tại Trung tâm văn hóa Pháp - Hà Nội), điều đó một lần nữa được chứng minh, khi người nghe cảm nhận “nhịp” trong âm nhạc Trịnh hoàn toàn khít với “nhịp” của người hát.
Điều đó khiến giọng hát Giang Trang vì thế lạ, so với những âm sắc khác trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Luôn làm mới mình và miệt mài khám phá nhạc Trịnh ở những hình thức thể nghiệm khác nhau qua từng cuộc chơi nhạc, từ Lênh đênh nhớ phố, đến Hạ huyền và đêm Nguyệt hạ vừa rồi, Giang Trang chạm tới đẳng cấp chuyên nghiệp của một người hát.
Sự chuyên nghiệp đó, theo như định nghĩa của nhạc sỹ Dương Thụ, chính là người nghệ sĩ chỉ đau đáu câu chuyện cách tân hình thức thể hiện.
Đương nhiên, muốn tồn tại mỗi người phải tìm cho mình một con đường riêng. Dù chỉ là cái ngách vô cùng nhỏ bé, nhưng phải là riêng, là duy nhất.
Ca sĩ Giang Giang, nghệ sĩ guitar Lê Thu và nghệ sĩ flute Lê Thư Hương trong đêm nhạc - Ảnh: ĐỖ QUANG CƯỜNG |
Lần đầu tiên, trong đêm Nguyệt hạ, Giang Trang có ý thức về sân khấu, décor, ánh sáng khi chơi nhạc. Tôi nói thế vì quan sát và dõi theo tiếng hát này từ những ngày đầu - khi Giang Trang đến với âm nhạc với tâm thế là một người hát, không phải bằng tư duy biểu diễn.
Sân khấu là hiệu ứng về thị giác, thế nên khi tấm rèm mở, tất cả khán giả hoàn toàn bị thu hút bởi không gian sân khấu do Nguyễn Phi Phi Anh dàn dựng.
Cái hay của sân khấu tưởng là hoài cổ, nhưng thực ra không phải. Đâu đó đặt một chiếc đài cũ, quạt cũng cũ, đèn càng cũ nhưng rất may lại không bị hoài cổ bởi cách thức sắp đặt của tay đạo diễn.
Chúng ta thấy, một ý đồ khác khi những vật dụng đó được sử dụng như một phương tiện biểu đạt. Trong nghệ thuật, chúng tôi vẫn hay nói câu, cách sử dụng nguyên liệu còn quan trọng hơn nguyên liệu.
Trên sân khấu Nguyệt hạ, để tương phản với bóng trăng được thả trên cao, người đạo diễn rất tinh tế khi dùng tấm vải hoa phủ lên toàn bộ bàn, ghế, bục bệ.
Chính những đốm hoa ti ti, quê kiểng ấy cũng một lần tương phản với những đồ bày trên ấy, như những nụ cười, tươi mới, hài hước. Tưởng là cũ, nhưng lại rất đương đại.
Khung cảnh sân khấu qua sự sắp đặt của Nguyễn Phi Phi Anh - Ảnh: ĐỖ QUANG CƯỜNG |
Một điều cần ca ngợi, theo tôi, chính là việc đưa tiếng guitar cổ điển Lê Thu vào không gian Nguyệt hạ. Dẫu trong đêm đó Lê Thu không chơi nhạc cổ điển nhưng gốc gác “classic” của nghệ sĩ này đã nhuốm màu cổ điển vào giọng hát Giang Trang.
Hay, dở chưa bàn, nhưng rõ ràng hơi thở âm nhạc đã khác, khác hẳn tiếng guitar chúng ta từng nghe trong Hạ huyền 2.
Sự kết hợp đó, còn là câu chuyện về cuộc hạnh ngộ trong con đường nghệ thuật của họ.
Lê Thu chính là người giới thiệu Giang Trang hát trên sân khấu nhạc Tranh năm 1996, để sau 15 năm, lần đầu tiên họ lại được chơi nhạc cùng nhau trong đêm Nguyệt hạ.
Giang Trang chơi lại ba bài sử dụng lại bản phối cũ, còn lại là phối mới. Và có rất nhiều ca khúc đã được hát live và thu CD nhiều lần như một thứ “logo” của Giang Trang.
Nói như thế để thấy một điều rằng, cùng một bản nhạc nhưng Giang Trang và các cộng sự của cô xử lý mỗi lần một khác.
Chúng ta cần đề cao và tôn trọng câu chuyện về những nghệ sĩ thấy cái đau của nghệ thuật, đó là không ngừng sáng tạo, tìm tòi. Người nghệ sĩ phải luôn vận động, "cựa quậy", trăn trở để làm mới chính mình. Đó là câu chuyện khó nhất trong nghệ thuật.
Khi Giang Trang làm được điều đó cùng các cộng sự của mình trong cuộc chơi Nguyệt hạ thì vô hình chung gạt đi toàn bộ những điểm chưa hài lòng như chút trục trặc về âm thanh.
Còn ở lại là cái hay, sự truyền cảm của tiếng hát ở nơi phù hợp với nó là những không gian hẹp, có tính salon.
Trong nghệ thuật đương đại, câu chuyện quan trọng nhất chính là tìm ra "tạng tính" của chính mình.
>> Xem clip Giang Trang - Lê Thu và Lê Thư Hương trong bản Tình sầu của Trịnh Công Sơn:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận