11/04/2021 10:36 GMT+7

Giáng Sinh và tình yêu hoa giấy

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Nhẹ nhàng, điềm đạm là ấn tượng đầu tiên chị Phạm Thị Giáng Sinh mang đến cho người đối diện. Phía sau nụ cười hiền lành, bao câu chuyện về sự kiên cường và mạnh mẽ khi chị dám đương đầu với khó khăn, theo đuổi đam mê làm hoa giấy, hoa đất sét.

Giáng Sinh và tình yêu hoa giấy - Ảnh 1.

Chị Giáng Sinh bên những tác phẩm tranh hoa đất của mình - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ sẽ vẽ tranh được, giờ thành họa sĩ nghiệp dư rồi. Quan trọng nếu thật sự yêu thích, mình sẽ say mê tìm hiểu.

Phạm Thị Giáng Sinh

Mùa dịch COVID-19 vừa qua, dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng chị vẫn lạc quan sống, mở lớp dạy trực tuyến làm hoa giấy cho các học viên.

Đam mê không bao giờ muộn

Làm trong lĩnh vực tin học, sau đó chị Giáng Sinh (Q.9, TP Thủ Đức) cùng chồng thành lập công ty riêng.

Được vài năm, chị rẽ hướng sang học cắm hoa ở một cửa hàng bởi yêu thích vẻ đẹp thuần khiết của những loài hoa. Liền sau đó, chị mở tiệm hoa tươi. Niềm vui chưa bao lâu, chị phải ngưng công việc này vì lượng khách không ổn định.

"Lúc đó mình suy nghĩ dữ lắm, làm gì để vẫn giữ được đam mê? May mắn sao, có cô bé kia học làm hoa giấy rồi ghé chơi. Mình thấy hoa giấy dễ thương quá, giấy thì không tàn được, thấy thích liền!", chị Sinh nhớ lại. Thời điểm bấy giờ, con còn nhỏ nên chị gửi con để được tham gia lớp học làm hoa giấy ở Nhà văn hóa Phụ nữ.

Thời gian eo hẹp, được ba tháng thì chị nghỉ, ở nhà tự học. "Mình mở máy tính coi hình chụp những loài hoa yêu thích rồi quan sát kiểu dáng, màu sắc từ thân, lá, cành, nụ..., bắt chước làm theo. Hoa của mình làm tuy không đẹp lắm nhưng nhìn có hồn", chị kể cảm giác làm ra những bông hoa giấy đầu tiên.

Hằng ngày, người phụ nữ ấy cần mẫn thực hành để rèn tay nghề. Đến dịp lễ, chị vừa cắm hoa tươi vừa cắm hoa giấy rồi mang ra đường bán, liên tục 2-3 ngày mỗi đợt. "Lâu lâu mình mới bán nhưng vẫn có người tìm kiếm để mua. Hạnh phúc lắm đó", chị kể.

Có những đợt chị thức suốt đêm để cắm cả trăm lẵng hoa nhưng không thấy mệt mỏi. Được khách khen, chị càng thêm động lực làm việc.

Tích lũy kinh nghiệm và không ngừng sáng tạo, hoa giấy chị làm ngày càng tinh xảo và được nhiều người yêu thích. Một số người muốn được "truyền nghề", chị nhiệt tình mở các lớp dạy làm hoa giấy.

Nhà chưa có không gian, chị tổ chức học ở quán cà phê. Sau đó vì dịch COVID-19 nên chuyển sang dạy online, thu hút hàng nghìn học viên ở khắp tỉnh thành và có cả người nước ngoài đến lớp.

Sống tích cực

Nhìn vẻ ngoài lạc quan như vậy nhưng ít ai biết Giáng Sinh mang căn bệnh ung thư giai đoạn 3. Chị đón nhận tin dữ vào cuối năm 2019, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, vừa chống chọi đau đớn trong thời gian trị bệnh nhưng vẫn cố gắng lúc ổn là dạy online.

"Tuần lễ đầu khi biết bệnh, mình cũng khủng hoảng tâm lý. Sau đó mỗi ngày đi bệnh viện xét nghiệm, vô đó thấy nhiều trường hợp như mình, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, chưa kể có em bé chưa kịp trải đời, chưa từng hưởng thụ cuộc sống đã bệnh.

Mình thấy bản thân sống đủ rồi, sướng khổ vui buồn trải qua rồi nên bệnh thì chữa thôi" - lúc ấy chị nghĩ nhẹ nhàng như vậy.

Sinh vào ngày Giáng sinh nên chị nói cái tên đã giúp chị mang lại cảm giác vui vẻ. Có lẽ vì thế tính cách chị rất tích cực, không bi lụy.

Nếu như cả nhà đều khóc, buồn thì chị lại là người vực dậy tinh thần, truyền cảm hứng cho gia đình trước cú sốc người thân bị bệnh. "Mình nói thẳng ai buồn khóc thì đừng gặp mình, ai vui vẻ cười thì gặp. Mình nghĩ tinh thần tốt sẽ vượt qua được tất cả", chị Sinh nói.

Mỗi ngày trôi qua, chị sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và lạc quan điều trị. Chị Sinh tiếp tục theo đuổi đam mê khác là làm hoa đất. Trước đó, năm 2016, chị từng học một lớp làm hoa đất sét, cộng thêm sự hướng dẫn của người bạn, chị chuyển hẳn sang làm hoa đất, tạo ra nhiều tác phẩm đẹp mắt.

"Hoa đất có đặc điểm là cánh hoa mềm mại, màu sắc tự pha trộn theo sở thích của mình. Khi hoa đất lên tranh, bỏ vào khung kính có thể lưu giữ được tác phẩm hơn 10 năm", chị giải thích.

Làm tranh hoa đất cần kết hợp ba môn nghệ thuật, đó là phải biết vẽ tranh để gắn hoa, biết làm hoa từ đất sét và cách gắn hoa lên bức tranh cho hài hòa. Chị chỉ học một buổi vẽ tranh, còn lại tự lên YouTube mày mò nghiên cứu.

"Trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ sẽ vẽ tranh được, giờ thành họa sĩ nghiệp dư rồi. Quan trọng nếu thật sự yêu thích, mình sẽ say mê tìm hiểu. Tranh mình vẽ là tranh sơn dầu, vẽ xong đợi một tuần cho khô. Trong thời gian ấy thì mình tranh thủ làm hoa", chị kể.

Giúp người khuyết tật làm hoa giấy

Vì chuyên tâm theo con đường làm tranh từ hoa đất nên hiện nay chị Sinh không dạy online làm hoa giấy nữa. Tuy nhiên, lúc có thời gian chị vẫn học hỏi, cập nhật để quay video đăng tải lên kênh YouTube cho mọi người tham khảo.

Cùng đó, người phụ nữ này thường tặng các khóa học online làm hoa giấy cho thanh niên khuyết tật. "Mình biết nhiều bạn khuyết tật nhưng rất yêu đời, vẫn lao động để kiếm thu nhập, không phụ thuộc vào người khác nên mình tặng cho những bạn đó.

Mình nghĩ bản thân đã được giúp đỡ rồi, giờ đến lượt mình giúp đỡ các bạn khác", chị Giáng Sinh chia sẻ.

Bỏ lương 2.500 USD để ủ mưu Bỏ lương 2.500 USD để ủ mưu 'đài truyền hình thu nhỏ'

TTO - Bỏ mức lương 2.500 USD, Viễn khăn gói về lại quê tìm hướng đi mới. Nhảy việc sang môi trường báo chí, tiếp xúc nhiều với việc livestream nhưng anh nhận thấy công cụ có sẵn trên thị trường khá phức tạp, khó sử dụng.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên