Gian nan vận động trẻ ra lớp

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Năm học mới đã bắt đầu, nhưng đến thời điểm này nhiều xã ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) học sinh đến lớp vẫn còn thưa thớt.

Một lớp học thưa thớt học sinh ở Trường THCS Lịch Hội Thượng, Sóc Trăng - Ảnh: T.Trang
Một lớp học thưa thớt học sinh ở Trường THCS Lịch Hội Thượng, Sóc Trăng - Ảnh: T.Trang

Một số đã nghỉ học từ đợt hạn mặn vừa rồi, theo cha mẹ làm ăn xa xứ; số còn lại quá khó khăn không thể đến trường.

Năm nay, các trường đều phải huy động tất cả thầy cô phối hợp cùng chính quyền địa phương đến tận nhà vận động trẻ ra lớp, nhưng không mấy khả quan.

“Muốn cho tụi nó đi học lắm”

Ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng có đến hơn chục trẻ năm nay không đến trường nữa. Ghé nhà chị Trần Thị Phượng, chị có ba con, lại đang mang thai một đứa nữa, đang chờ con lớn 12 tuổi đi bắt cá về. Chị nói: “Muốn cho tụi nó đi học lắm chớ nhưng khả năng chỉ cho được một đứa đi thôi, tui thấy vậy nên cho ở nhà hết!”.

Còn ông bà Lý Cường nhà bên cạnh cũng có ba con, một người 16 tuổi đã đi theo hàng xóm lên Đồng Nai làm công nhân, hai con còn lại đang độ tuổi học trung học nhưng cũng nghỉ ở nhà đi làm thuê lặt vặt kiếm tiền phụ cha mẹ.

Em Lý Văn Mỹ, con ông Cường, tính toán: “Em nghỉ học tạm một thời gian cũng được. Giờ kiếm tiền trước đã, chứ nhà không có gạo ăn sao được, mai mốt đỡ hơn một chút rồi tính tiếp”.

Nhà bà Phượng, cô Quyên, ông Chức gần đó... cũng than từ tết đến giờ chưa làm gì có tiền nên cho con nghỉ học, ở nhà mò cua bắt ốc cũng đủ đắp đổi qua ngày.

Ông Trịnh Thành Mộng - hiệu trưởng Trường THCS Lịch Hội Thượng, xã Lịch Hội Thượng - cho biết chỉ tiêu năm nay của trường phải đạt 590 học sinh, nhưng đến nay chỉ có hơn 400 học sinh đến trường. Xảy ra đợt hạn mặn vừa rồi, cả trường có gần 70 học sinh nghỉ đồng loạt, đến nay vẫn chưa đến trường, đầu năm nay lại vắng thêm nhiều em cũng chưa thể thống kê được.

“Từ giữa tháng 7, tôi và tất cả thầy cô trong trường đến từng nhà học sinh vận động cha mẹ cho các em đến trường. Có người hứa, có người từ chối thẳng thừng, tụi tui cố gắng lắm cũng đến 2-3 lần nữa, nhưng phụ huynh không hợp tác nên cũng ngại lắm” - ông Mộng nói.

Trong khi đó ông Tạ Văn Long, phó chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, nói cứ đầu năm xã đều hỗ trợ gạo, tập, miễn giảm học phí cho những gia đình khó khăn để các em đến lớp, nhưng tình hình vẫn không có gì tiến triển.

“Nông dân ở đây nghèo lắm, họ cần cái ăn đủ hai bữa mỗi ngày, nên trẻ nào lớn chút đều cho đi kiếm tiền. Thậm chí chúng tôi hứa cứ mỗi trẻ đi học sẽ hỗ trợ 500.000 đồng nhưng vẫn không được” - ông Long cho hay.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Tương tự, ông Lưu Quốc Phong, chủ tịch UBND xã Liêu Tú, cho biết đến giờ xã cũng chưa thống kê được tỉ lệ học sinh ra lớp vì phần đông các em đã theo cha mẹ đi làm ăn ở xa. Mặc dù cán bộ xã đã đến tận nhà vận động, loa phát thanh đều phát hằng ngày nhưng người nhà cũng chỉ hứa sẽ nhắn con cháu trở về học, mà khả năng cũng không cao lắm.

“Đặc thù vùng này bà con thường mang theo con đi làm ở xa, đến khi nhập học mới rải rác trở về. Vì vậy thầy cô rất vất vả đi kêu gọi học sinh ra lớp cũng như phổ cập cho những em về nhập học muộn” - ông Phong nói.

Theo thầy Trịnh Minh Hiếu - phó hiệu trưởng Trường THCS Liêu Tú 2, xã Liêu Tú, trong hè đã có hai đợt các thầy cô giáo đi từng ngõ, gõ từng nhà học sinh, từ năn nỉ, kêu gọi đến cả ép buộc, nhưng sắp đến khai giảng các em cũng chỉ đến lưa thưa, không đủ chỉ tiêu do phòng giáo dục - đào tạo đưa ra.

“Sau khai giảng, thầy cô sẽ lại tổ chức một đợt kêu gọi trẻ ra lớp nữa. Nếu các em mải lo mưu sinh mà không đến trường thì chỉ còn cách phân công thầy cô dạy bổ túc buổi tối để xóa mù chữ cho các em” - thầy Hiếu chia sẻ.

Ông Dương Loan - bí thư ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú - cho biết vận động trẻ đến lớp đã khó, nhưng làm sao duy trì được mới là vấn đề. Vì nhiều trẻ đi học một thời gian, gia cảnh nghèo quá lại nản; cũng có một số không theo kịp bài học trên lớp sinh ra tự ti, mặc cảm rồi nghỉ luôn.

Ông Loan chia sẻ thêm: “Ngoài việc địa phương hỗ trợ tập sách, quần áo, lương thực thì nhà trường cũng phải kèm cặp, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ sẽ nghỉ học, kịp thời vận động, hỗ trợ gia đình để các em đến trường ngày nào thì tốt ngày đó”.

Bà Dương Thị Hương, trưởng Phòng giáo dục - đào tạo huyện Trần Đề, cho biết muốn thống kê đầy đủ trẻ đến lớp phải đợi đến sau khai giảng mới thống kê được, nhưng vẫn không chính xác vì có em lúc đầu vào học một thời gian, sau đó lại nghỉ, một số khác đã nghỉ rồi quay lại học.

“Chỉ tiêu đưa ra không năm nào huyện đạt. Khó khăn nhất là những trẻ đã nghỉ rồi quay lại học, thầy cô rất vất vả vừa bồi dưỡng cho các em theo kịp trên lớp, vừa khéo léo khuyên nhủ để các em không tiếp tục nghỉ nữa” - bà Hương nói.

Hơn 500 học sinh Nghệ An bỏ học đầu năm học mới

Thông tin từ Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết qua kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2016-2017 cho thấy: sau thời gian nghỉ hè, toàn tỉnh có 510 học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học ở bậc THCS là 305 em, bậc THPT là 205 em.

Thống kê nguyên nhân bỏ học có đến 387 em là do học kém. Ngoài ra, nhiều em bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi học xa...

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, cho hay những năm trước đây số học sinh bỏ học chỉ tập trung ở các huyện vùng sâu vùng xa thì nay xu hướng gia tăng ở vùng biển, khu vực đồng bằng và thành thị.

Ông Hoàn cho biết trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các nhà trường, địa phương cùng vào cuộc rà soát, nắm bắt học sinh có nguy cơ bỏ học, đẩy mạnh công tác giáo dục, hướng nghiệp, phân luồng học sinh; tổ chức kèm cặp phụ đạo học sinh yếu kém.

DOÃN HÒA

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên