Xe tải lớn lưu thông trên đường Ngô Quyền (Đà Nẵng) gây nhiều tai nạn nên TP Đà Nẵng phải tìm cách hạn chế - Ảnh: NGÔ QUANG
Với đường cao tốc, tốc độ tối đa cho phép khai thác không vượt quá 120km/h. Những điều chỉnh này được đưa ra trong dự thảo thông tư thay thế thông tư 91/2015 của Bộ GTVT.
Dự thảo này cũng đề xuất xe kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc hoặc kéo xe khác, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm 2 tầng, xe xitéc và xe trộn, bơm vữa bêtông, khi đi trên những đoạn đường có biển báo tốc độ tối đa cho phép lớn hơn 100km/h vẫn không được chạy quá 100km/h (hiện tại những xe này được phép chạy cùng một tốc độ tối đa như các loại xe khác trên đường cao tốc).
Không nên quy định tốc độ cố định
Dự thảo này đang được Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia, doanh nghiệp vận tải, lái xe có ý kiến khác nhau về nội dung trên.
Ông Nguyễn Văn Cẩn (Củ Chi, TP.HCM) - tài xế xe khách có thâm niên lái xe 30 năm - cho biết ông đồng tình với việc giảm tốc độ xe khách loại lớn, xe tải nặng qua khu đông dân cư và khống chế tốc độ không quá 100km/h trên đường cao tốc như đề xuất của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, ông Cẩn đề nghị không nên quy định khung tốc độ cố định mà với đường có tốc độ tối đa 50 - 60km/h, có thể cho chạy với tốc độ cao hơn trong thời gian từ 23h đến 4h sáng.
"Xe khách lớn, xe tải nặng thường chạy đêm, nhiều khi nửa đêm đường vắng mà vẫn phải lầm lũi bò tốc độ 60km/h là không hợp lý" - ông Cẩn nói.
Theo ông Cẩn, với đường cao tốc của Việt Nam, xe khách loại lớn, xe giường nằm, xe tải nặng chạy với tốc độ trên 100km/h rất nguy hiểm, vì vậy việc khống chế tốc độ 100km/h là hợp lý.
Còn ông Hà Xuân Quỳnh, giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất (Bắc Giang), góp ý: với đường qua khu đông dân cư có dải phân cách cứng, đường một chiều có 2 làn xe trở lên vẫn nên giữ tốc độ tối đa 60km/h như hiện nay.
"Quy định chạy tối đa 60 hay 80km/h thì tài xế tự khắc biết điều chỉnh tốc độ cho phù hợp với thực trạng giao thông, chứ không phải thấy đông cũng đạp ga với tốc độ tối đa. Điều cần làm là phạt xe chạy dưới tốc độ tối thiểu, chạy chậm nhưng chiếm làn đường sát dải phân cách giữa, không cho xe khác vượt lên làm cản trở giao thông, giảm năng lực lưu thông của đường" - ông Quỳnh đề nghị.
Lo địa phương lạm dụng quy định
Ông Lê Văn Tiến - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng - cho biết ngày 17-10 hiệp hội đã triển khai lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự thảo thông tư nói trên và cơ bản các ý kiến ủng hộ đề xuất của dự thảo.
Ông Tiến cho rằng các tuyến đường đi qua khu vực đông dân cư hiện nay có mật độ giao thông rất lớn, đan xen giữa xe con, xe tải, xe máy, xe đạp, người đi bộ nên giảm tốc độ nhóm xe có tải trọng, kích thước lớn qua khu vực này là cần thiết. Ông Tiến cũng nêu thực tế thời gian qua xảy ra nhiều tai nạn xe tải, xe khách với xe máy trong khu vực đông dân cư.
"Giảm tốc độ ít nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng lưu thông, nhưng tai nạn giao thông đang xảy ra nhiều và hậu quả lớn nên chúng tôi cũng ủng hộ việc giảm tốc độ qua khu đông dân cư" - ông Tiến cho biết.
Theo đại tá Trần Sơn - nguyên phó trưởng phòng hướng dẫn luật, điều tra xử lý tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện nay các tuyến đường được xây mới, nâng cấp sửa chữa tốt hơn và xe cộ được thiết kế với xu hướng tốc độ cao hơn.
Việc này đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nhưng thời gian qua ý thức của nhiều lái xe chưa cao dẫn đến tai nạn, sự cố nghiêm trọng trên đường cao tốc, đường có cấp thiết kế cao.
"Xu hướng chung là nâng tốc độ xe chạy lên, nhưng cần căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh tốc độ cho phù hợp với từng loại xe nhằm đảm bảo an toàn và thuận lợi trong lưu thông, chứ không phải quy định đồng đều tốc độ tối đa như nhau" - ông Sơn cho biết.
Việc dự thảo thông tư cho phép căn cứ vào tình hình thực tế của đoạn, tuyến đường để đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép có trị số lớn hơn hoặc nhỏ hơn quy định tại thông tư cũng gây nên lo ngại rằng nhiều địa phương vì muốn giảm tai nạn nên cắm biển tốc độ quá thấp (20 - 40km/h) như từng xảy ra.
Để ngăn ngừa điều này, ông Sơn cho rằng cần quy định việc cắm biển tốc độ quá thấp chỉ áp dụng với đường hư hỏng, có sự cố hoặc những vị trí có nguy cơ tai nạn cao do địa hình phức tạp, chứ không được lạm dụng trên những đoạn đường khác.
Đà Nẵng: cấm container chạy giờ cao điểm để giảm tai nạn
Quốc lộ 14B đoạn Ngô Quyền (Đà Nẵng) liên tục xảy ra tai nạn chết người. Cụ thể, chỉ trong 3 ngày từ 11 đến 13-9, trên tuyến đường này đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết. Các vụ tai nạn liên quan đến thực trạng giao thông hỗn loạn trên tuyến đường này do lưu lượng xe container, xe tải nặng chạy ra vào cảng Đà Nẵng. Theo đại tá Lê Ngọc - trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có 1.500 - 2.000 lượt xe container chạy trên đường Ngô Quyền.
Trước tình hình này, chiều tối 13-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã triệu tập cuộc họp khẩn với các ngành liên quan. Ông Thơ yêu cầu Sở GTVT Đà Nẵng và Công an TP Đà Nẵng nghiên cứu chuyển giờ chạy xe container để tránh giờ cao điểm; nghiên cứu cấm xe máy chạy trên làn đường chính để dồn vào đường gom hai bên đường; yêu cầu cảng Đà Nẵng không giao hàng vào giờ cao điểm...
Chiều 17-10, thiếu tá Hồ Thanh Hiền, đội trưởng đội tuần tra - dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết cơ quan chức năng đã lắp đặt biển báo tốc độ trên tuyến đường Ngô Quyền với tốc độ tối đa 40km/h. Đồng thời cấm xe container, xe tải từ 3,5 tấn trở lên chạy trên tuyến đường này từ 16h30 đến 20h hằng ngày.
Sau thời gian tuyên truyền, từ chiều tối 16-10, lực lượng CSGT bắt đầu xử lý các phương tiện vi phạm. Hai tổ công tác của CSGT đã lập biên bản xử phạt 3 trường hợp xe container vi phạm về tốc độ và chuyển làn đường. "Nhìn chung các tài xế xe container, xe tải đã chấp hành tốt giờ cấm, cũng như biển báo tốc độ trên tuyến đường Ngô Quyền" - thiếu tá Hiền cho biết thêm. (ĐOÀN CƯỜNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận