Giá xăng RON 95-V tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh chiều 21-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước bối cảnh giá lại lập kỷ lục, nhiều ý kiến đề nghị cần xem lại để điều chỉnh.
Xăng "cõng" khoảng 11.500 đồng tiền thuế phí
Kỳ điều hành ngày 21-6, liên bộ Công thương - Tài chính đã chính thức điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng thêm 185 đồng/lít, lên mức 31.302 đồng/lít; xăng RON95-III tăng thêm 498 đồng/lít, lên mức 32.873 đồng/lít. Như vậy, giá xăng duy trì mức tăng liên tiếp trong 7 kỳ điều hành vừa qua, tiếp tục thiết lập mức đỉnh trong lịch sử.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu tăng mạnh hơn: dầu diesel 0.05S tăng 999 đồng/lít, lên mức 30.019 đồng/lít; dầu hỏa tăng thêm 946 đồng/lít, lên mức 28.785 đồng/lít…
Theo Bộ Công thương, kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng, nhất là dầu diesel và dầu hỏa tăng cao.
Ông Trịnh Quang Khanh, tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu VN, giải thích hiện nay tổng số tiền thuế chiếm trên 30% một chút trong cơ cấu giá xăng RON95-III. Còn tính cộng thêm các khoản phí (gồm cả quỹ bình ổn giá, lợi nhuận, chi phí định mức...) thì tỉ lệ lên tới hơn 35% trong giá xăng dầu (khoảng 11.500 đồng/lít với giá RON95-III vừa điều chỉnh - PV).
Xăng dầu có chịu "thuế chồng thuế"
Việc giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua không những khiến người dân chịu gánh nặng chi tiêu lớn, mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng gặp không ít khó khăn. Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phân tích thêm: Cách tính thuế trên giá xăng dầu hiện nay là "thuế chồng thuế" rất bất cập, làm cho giá càng tăng cao.
Cụ thể, giá xăng dầu nhập vào bị đánh thuế nhập khẩu 8%. Thành tiền bao nhiêu lại tính thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 10%. Thuế giá trị gia tăng cũng được tính thêm 8 - 10% trên cơ sở tổng các loại thuế, phí của giá bán lẻ xăng dầu. Dẫn tới việc lẽ ra mức thuế trên mỗi lít xăng sẽ phải chịu khoảng 28%, thì với cách tính như trên, tỉ lệ thuế/giá xăng chiếm trên 30%.
Giá càng cao, thuế thu được càng nhiều
Trong cơ cấu tính giá xăng hiện đang có 4 loại thuế, trong đó thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá đầu vào. Vì vậy, chủ một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tính toán: "Với cách tính thuế trên tỉ lệ phần trăm giá xăng dầu nên giá càng tăng cao thì thuế thu được càng nhiều. Thực tế, thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm đã rất ấn tượng, tăng tới 18,7% so với cùng kỳ và thặng dư lớn, trong khi người dân thì khó khăn, nên cần phải có đánh giá, rà soát lại kỹ lưỡng về các sắc thuế được tính trên giá xăng dầu, cân đối cho phù hợp, tránh giảm sốc cho người dân, doanh nghiệp" - chủ doanh nghiệp này đề nghị.
Một doanh nghiệp có kinh doanh phân phối xăng dầu khác thì nhấn mạnh: Chi phí cố định vẫn là 990 đồng/lít, khiến cho mức chiết khấu tới đại lý phân phối ở mức thấp, chỉ 300 - 500 đồng/lít, nhiều đơn vị không bù nổi chi phí. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu trong nước hiện đang yêu cầu tăng thêm phụ phí là 200 - 300 đồng/lít, nên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu càng khó khăn.
"Có doanh nghiệp lọc dầu lãi tới chục nghìn tỉ trong 6 tháng đầu năm, chỉ mong họ chia sẻ với xã hội và người dân. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế mang ý nghĩa thiết thực hơn trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp" - vị này nói.
Theo ông Trịnh Quang Khanh, thuế nhập khẩu xăng dầu là theo hiệp định thương mại, nên mức thuế hiện nay thực hiện theo cam kết. Nên giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng để kéo giá xuống, chứ chỉ giảm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính đề xuất thì không được bao nhiêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cho rằng trong điều kiện đặc thù thì phải đánh đổi một chút. Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận giảm thuế là cần thiết.
Với thuế bảo vệ môi trường, theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được quyền quyết định giảm thêm 1.000 đồng/lít với xăng. Muốn hơn phải sửa luật, nên chỉ phát huy được phần nào vai trò bình ổn giá. Nên ông Lâm khuyến nghị với thuế nhập khẩu xăng dầu, việc giảm thuế này thuộc thẩm quyền Chính phủ nên có thể cân nhắc, tính toán trên cơ sở các hiệp định quốc tế và thực tế để sửa ở mức phù hợp.
Dự báo giá xăng dầu trong 6 tháng cuối năm có thể vẫn sẽ biến động, ông Lâm khuyến nghị cùng với biện pháp kiểm soát giá, cơ quan chức năng cần phân tích ngành hàng, mặt hàng, đối tượng nào đang chịu áp lực lớn từ giá xăng dầu cao để tiếp tục có chính sách hỗ trợ, nhằm giúp mặt hàng đó không tăng theo giá xăng dầu.
Nhiều nước tính giảm kịch khung thuế nhiên liệu
Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố gói các biện pháp khẩn cấp bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu, tăng tỉ lệ khấu trừ thuế thu nhập với việc sử dụng phương tiện công cộng… nhằm đối phó giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao.
Theo Hãng tin Yonhap, Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ mở rộng quy mô cắt giảm thuế nhiên liệu lên mức cao kỷ lục 37% (mức trần), có hiệu lực từ ngày 1-7 cho đến cuối năm 2022. Theo đó, thuế nhiên liệu sẽ giảm thêm 57 won (1.024 đồng)/lít.
Đây là lần thứ hai Chính phủ Hàn Quốc mở rộng quy mô giảm thuế nhiên liệu, sau khi họ nâng quy mô giảm thuế nhiên liệu từ 20% lên 30% có hiệu lực từ ngày 1-5.
Tại Mỹ, ngày 20-6 Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông đang xem xét tạm dừng áp thuế xăng liên bang trong bối cảnh nước này sắp bước vào kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ vào ngày 4-7, khi hàng chục triệu người Mỹ dự kiến sẽ đi nghỉ lễ.
Trong khi đó, Chính phủ Đức đã quyết định giảm thuế nhiên liệu trong 3 tháng (từ ngày 1-6 tới 31-8), với thuế xăng giảm 0,35 euro (hơn 8.500 đồng)/lít và thuế dầu diesel giảm 0,17 euro (hơn 4.000 đồng)/lít.
BÌNH AN
Chờ kiến nghị giảm thuế, có là xem xét ngay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn các sắc thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ông Cường nói hiện tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chờ đề xuất chính thức của Chính phủ. Chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bất kỳ khi nào Chính phủ trình đề xuất liên quan đến giảm giá xăng dầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến ngay, phục vụ yêu cầu bức xúc của người dân chứ không cần chờ đến kỳ họp hằng tháng.
Theo ông Cường, nếu Chính phủ thấy cần thiết phải giảm thuế khác để giúp giảm giá xăng dầu sẽ cần có tờ trình đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuẩn bị các thủ tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).
Trường hợp thấy ý kiến cử tri, nhân dân phản ánh cần phải giảm các sắc thuế khác để giảm giá xăng dầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo, làm căn cứ trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.
THÀNH CHUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận