22/04/2011 09:40 GMT+7

Giảm thuế, đừng ngập ngừng

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu lên 5 triệu đồng/tháng. Chính phủ cũng quyết định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 trong một năm. Một đề xuất giảm 50% số thuế được giãn này cũng đang được tính đến.

Các đề xuất trên với mục tiêu giảm thuế cho người lao động và doanh nghiệp, chia sẻ và giúp các đối tượng này vượt khó do giá tăng cao và Nhà nước thắt chặt chi tiêu, tín dụng... để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, người nộp thuế, chuyên gia kinh tế cho rằng các đề xuất này cần phải thể hiện tinh thần hỗ trợ, khoan sức dân một cách rõ ràng, quyết liệt hơn.

Với đề xuất của Bộ Tài chính tăng mức khởi điểm chịu thuế, số thuế phải nộp bớt đi chỉ có 50.000 đồng/người.Nhiều người hỏi tại sao chỉ tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế (từ 4 lên 5 triệu đồng) mà không thấy tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc (con, cha, mẹ già...) hiện là 1,6 triệu đồng/người. Cũng chẳng thấy điều chỉnh mức thu nhập để xác định người phụ thuộc (hiện người có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng mới được xem là người phụ thuộc).

Nếu so với những kiến nghị của UBND TP.HCM, các chuyên gia thì đề xuất của Bộ Tài chính về thuế thu nhập cá nhân còn chênh khá xa. UBND TP kiến nghị nên quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với chi phí sinh hoạt ở một số khu vực. Có nghĩa mức giảm trừ gia cảnh cho người sống tại khu vực đô thị phải khác người ở nông thôn, ở khu vực đồng bằng khác với miền núi.

Các chuyên gia thì cho rằng để giảm bớt bất hợp lý, không nên quy định cứng nhắc mức khởi điểm chịu thuế 4 hay 5 triệu đồng/người/tháng mà phải theo lương cơ bản, gấp 10 lần lương cơ bản (kỳ điều chỉnh này lên 830.000 đồng/người/tháng), tức 8,3 triệu đồng/người/tháng. Sửa theo hướng này người nộp thuế an tâm hơn bởi lương cơ bản được điều chỉnh theo biến động của giá cả, lương cơ bản tăng thì khởi điểm chịu thuế tăng...

Bộ Tài chính cũng đã thấy được sự cần thiết phải dùng chính sách thuế để khoan sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế có khó khăn. Thế nhưng, sự chia sẻ đó phải mang tính thực chất, kịp thời mới có thể phát huy được hiệu quả. Không chỉ người nộp thuế, ngay doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn có thế mạnh về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, cũng mong muốn người dân được giảm thuế thu nhập cá nhân để bán được hàng. Bởi thời gian qua do giá cả tăng, người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, sức mua giảm dần. Không bán được hàng, doanh nghiệp chịu tác động kép, giá thành tăng theo chi phí nhưng lại không tiêu thụ được hàng. Với đề xuất của Bộ Tài chính, 100.000 người nộp thuế mới bớt được 5 tỉ đồng tiền thuế phải nộp. Giả sử tất cả được dùng để mua sắm hàng thiết yếu thì doanh nghiệp cũng khó tìm thấy cơ hội tăng sức mua.

Giảm thuế cho người lao động, có thể một mũi tên sẽ trúng hai đích, đó là chia sẻ khó khăn cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở đây cần rạch ròi trong việc cắt giảm tổng cầu của nền kinh tế để kiểm soát lạm phát. Nhà nước đang muốn thắt chặt tín dụng, siết chi tiêu công để giảm bớt nhu cầu mua sắm của nền kinh tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải thắt chặt chi tiêu cả những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống. Tăng khởi điểm chịu thuế thực chất là giúp đại đa số người dân có thêm tiền để tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu, duy trì nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, qua đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ hưởng lợi.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên