Năm học mới 2011-2012: Tập trung giảm tảiNỗ lực giảm tảiNăm học mới: Cắt chương trình để giảm tải
Phóng to |
Một tiết học của học sinh lớp 3/1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM sáng 19-8 - Ảnh: Như Hùng |
* PGS.TS ĐỖ NGỌC THỐNG (trưởng tiểu ban điều chỉnh chương trình - SGK môn ngữ văn từ lớp 6-12):
Kế hoạch dạy học là phần mềm mại
Chương trình - SGK là phần cứng nhưng kế hoạch dạy học là phần mềm mại, linh hoạt. Vì vậy, hằng năm Bộ GD-ĐT phải có những đợt rà soát, đánh giá việc thực hiện chương trình - SGK, tôi cho đó là công việc hết sức bình thường. Sau khi chương trình - SGK được thực hiện đầu những năm 2000, Bộ GD-ĐT, Viện Khoa học giáo dục cũng tổ chức các cuộc nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện chương trình - SGK phổ thông. Ở đó, có nhiều ý kiến của các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục đã được tập hợp.
Chúng tôi dựa vào ý kiến đề xuất của nhóm giáo viên phổ thông trong việc giảm bớt các bài, phần kiến thức khó, không phù hợp với học sinh, không cần thiết, hoặc đề xuất tăng thời gian cho những bài, phần kiến thức quan trọng... Đồng thời dựa vào ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục trước đó đã góp ý, sau đó xem xét lại toàn bộ chương trình - SGK của từng lớp, phân tích, trao đổi về từng bài để quyết định xử lý thế nào.
Tuy nhiên, chúng tôi phải xử lý trên nguyên tắc vẫn đảm bảo tính hệ thống của chương trình - SGK, không gây xáo trộn, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng đã ban hành, chứ không phải cắt xén một cách cơ học bao nhiêu phần trăm bài dạy, kiến thức như nhiều người hiểu. Những phần được xem là “lược bớt”, không phải sẽ cắt bỏ khỏi chương trình - SGK mà có thể hiểu là phần đọc thêm, để tham khảo.
* GS VĂN NHƯ CƯƠNG (chủ biên SGK hình học lớp 10, 11, 12):
Môn toán phải giảm 1/3 kiến thức
Tôi ngạc nhiên và đang rất sốt ruột khi được biết Bộ GD-ĐT có chủ trương và đã thực hiện việc điều chỉnh nội dung chương trình - SGK nhằm giảm tải. Tôi là một trong số những người tha thiết đề nghị việc cắt giảm bớt chương trình - SGK phổ thông, vì qua thực tế giảng dạy thấy có nhiều bất cập, có những kiến thức yêu cầu cao quá hoặc không cần thiết đối với học sinh. Tôi ước chừng riêng môn toán THPT cần phải giảm bớt 1/3 lượng kiến thức thì mới bớt nặng nề, quá tải cho học sinh.
Tuy ủng hộ chủ trương điều chỉnh giảm tải, nhưng tôi thấy lo ngại về cách thực hiện việc này. Vì việc cắt xén, thêm bớt, thay đổi yêu cầu trong SGK phải hết sức thận trọng. Trước hết, việc cắt giảm sẽ không thể làm theo kiểu cơ học là lớp này hay lớp kia cắt bao nhiêu bài. Trong toán học, bài này có liên quan đến bài kia, nếu cắt phần kiến thức ở lớp 10 phải điều chỉnh cả ở lớp 11. Nên không thể không có sự tham gia, ý kiến của người chủ biên SGK từng môn học. Làm không thận trọng, có khi sẽ bỏ mất phần không thể thiếu được nhưng để lại phần chẳng cần thiết phải có.
* GS ĐOÀN QUỲNH (chủ tịch hội đồng bộ môn toán của Bộ GD-ĐT):
Chỉ điều chỉnh SGK viết cho chương trình chuẩn
Tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT rà soát và có những điều chỉnh chương trình - SGK phổ thông là cần thiết. Trong lần điều chỉnh này, Bộ GD-ĐT chỉ mời chủ yếu các tác giả, chủ biên sách viết cho chương trình chuẩn, việc điều chỉnh giảm tải cũng tập trung vào chương trình - SGK chuẩn chứ không phải nâng cao. Ở bộ môn toán THPT chủ yếu điều chỉnh theo hướng cắt giảm một số bài tập quá khó và không cần thiết. Thời gian các tiểu ban làm việc cũng chỉ có vài ngày. Tôi nghĩ nếu những người tham gia góp ý nhiều hơn cả số lượng và thành phần, có thời gian để nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn thì việc điều chỉnh sẽ chính xác, hợp lý hơn nữa.
* ThS ĐÀO THỊ VÂN ANH (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục):
Giảm tải vào thẳng chương, bài
Theo tôi, nếu giảm tải thì hãy cắt thẳng chương nào, bài nào cụ thể. Đến thời điểm này, khi học sinh đã tựu trường mới xin ý kiến về giảm tải thì hơi chậm. Nhưng không sao, vấn đề giảm bớt áp lực học hành cho học sinh thì ai cũng muốn. Lần này, Bộ GD-ĐT nên làm nhanh và quyết liệt hơn, cần lấy ý kiến của các giáo viên đứng lớp trước khi đưa ra quyết định chính thức. Lâu nay Bộ GD-ĐT ít coi trọng ý kiến của những người đứng lớp thì nay nên thay đổi, bởi chỉ có giáo viên giảng dạy mới thật sự sâu sát vấn đề chứ không phải các nhà nghiên cứu.
Năm nay có thể làm không kịp nhưng tôi kỳ vọng thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tính tới cả việc giảm môn học hoặc tích hợp các môn học lại với nhau. Bên cạnh đó, ở một số môn nên thay đổi cả nội dung thì rất tốt. Ví dụ như môn giáo dục công dân lớp 10: cần bỏ hẳn phần triết học, thay vào đó là những bài học về kỹ năng sống, bài học làm người được lấy từ chính thực tế cuộc sống...
* Một hiệu trưởng trường phổ thông ở Q.1, TP.HCM:
Cắt phải “trúng huyệt”
Việc giảm tải là cần thiết vì thật sự trong chương trình có những bài rất khó. Ví dụ: ở lớp 2 học sinh TP.HCM không thể biết được con niềng niễng, con sập sành... là con gì. Thậm chí ngay cả giáo viên cũng rất khổ sở khi dạy bài này vì lên mạng tìm hình ảnh cũng rất hiếm hoi. Việc cắt những bài mang nặng tính chất địa phương sẽ giảm bớt gánh nặng cho giáo viên và học sinh rất nhiều.
Mặc dù vậy tôi vẫn băn khoăn người đưa ra ý kiến cắt giảm chương trình có phải là giáo viên hay không. Bởi nếu là những nhà quản lý hoặc đối tượng khác thì tôi e là không “điểm trúng huyệt”. Thành ra, dù giảm tải nhưng chương trình vẫn cứ nặng. Tôi mong Bộ GD-ĐT hãy giao cho các địa phương tự cắt, giảm chương trình sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng là được. Song song đó, cần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới cách kiểm tra, đánh giá giáo viên và học sinh thì mới hiệu quả.
* Bà NGUYỄN THỊ THANH THỦY (chuyên viên Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Nghệ An): Không cần thiết giảm tải Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở hướng dẫn giáo viên dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Đạt tải hay quá tải phải đánh giá dựa vào chuẩn. Nếu chuẩn đạt yêu cầu thì việc giảm tải SGK là không cần thiết, dù giảm tải để phù hợp với chuẩn. SGK chỉ là một tài liệu, một kênh thông tin giúp giáo viên chuyển tải kiến thức tới học sinh. Nội dung SGK càng phong phú càng thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận môn học. Do đó vấn đề quan trọng là cần hướng dẫn giáo viên làm thế nào để dạy được theo chuẩn chứ không phải điều chỉnh nội dung SGK. Việc điều chỉnh nội dung SGK vừa phù hợp với chuẩn, vừa phù hợp với trình độ từng đối tượng học sinh là bản lĩnh của từng giáo viên. Theo tôi, việc giảm tải SGK là không cần thiết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận