06/10/2022 10:54 GMT+7

Giám sát quyền lực, mở rộng dân chủ

THÀNH CHUNG thực hiện
THÀNH CHUNG thực hiện

TTO - Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có kiểm soát. Quyền lực càng cao càng phải kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả. Nếu không được tổ chức tốt, quyền lực nhà nước sẽ bị lợi dụng, lạm quyền, lộng quyền như Tổng bí thư nêu.

Giám sát quyền lực, mở rộng dân chủ - Ảnh 1.

Trong điều kiện dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, vấn đề phát huy chủ quyền nhân dân trong kiểm soát quyền lực là rất quan trọng. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

GS Võ Khánh Vinh, nguyên phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã được trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận.

Giám sát quyền lực, mở rộng dân chủ - Ảnh 2.

GS Võ Khánh Vinh

* Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là phải kiểm soát quyền lực. Việc này được thể hiện như thế nào trong đề án?

- Như Tổng bí thư đã nói trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, kiểm soát quyền lực nhà nước là nội dung trọng tâm của đề án xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới. Vì sao lại nói đây là trọng tâm? Bởi nhà nước pháp quyền giải quyết mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và pháp luật, pháp quyền.

Quyền lực nhà nước, như Tổng bí thư nói, là vấn đề cốt tử của mọi cuộc cách mạng và của quá trình xây dựng, phát triển mỗi nhà nước. Quyền lực nhà nước được tổ chức, vận hành tốt sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mang tính chiến lược của chủ nghĩa xã hội. Nếu không được tổ chức tốt sẽ dễ dẫn đến bị lợi dụng, lạm quyền, lộng quyền như Tổng bí thư nêu. Do đó, ở đâu có quyền lực, ở đó phải có kiểm soát. Quyền lực càng cao càng phải kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.

Thực tế cho thấy việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta đã có những kết quả nhất định nhưng cũng có nhiều vấn đề hạn chế, khiếm khuyết cần được khắc phục. 

Do đó, đề án có nhiệm vụ rất quan trọng là góp phần khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đó. Việc tăng cường kiểm soát quyền lực cần được tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, để trên cơ sở đó có căn cứ tiến hành kiểm soát quyền lực nhà nước một cách đầy đủ, hiệu quả.

Việc hoàn thiện nên theo hướng hoàn thiện cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong từng cơ quan nhà nước; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của nhân dân, xã hội, phương tiện truyền thông đối với việc thực thi quyền lực nhà nước.

* Tổng bí thư đã nhiều lần nhắc tới việc phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật" để ràng buộc trách nhiệm, chống tham nhũng, tiêu cực. Đề án có hướng thế nào đến xây dựng cái "lồng" này?

- Để kiểm soát tốt và hiệu quả quyền lực nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống thể chế của Đảng, thể chế Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong Nhà nước. Bên cạnh thể chế, cần phải hoàn thiện hệ thống thiết chế - chính là các cơ quan giám sát, kiểm soát quyền lực và nâng cao năng lực, trách nhiệm của thiết chế trong kiểm soát quyền lực. 

Đồng thời, phải hoàn thiện hệ thống các phương thức kiểm soát quyền lực. Tất cả những điều đó tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát quyền lực và theo cách nói tổng quát của Tổng bí thư chính là "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật".

Đề án lần này cũng hướng đến việc khẳng định quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, xử lý nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Mọi loại, cấp độ, phạm vi, lĩnh vực quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước đều phải bị kiểm soát, không có ngoại lệ... 

Thực tế thời gian qua, Đảng đã hoàn thiện từng bước các thiết chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất hiệu quả và mới đây tiếp tục tái lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Thời gian tới, cần tăng cường hoàn thiện cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương có cơ chế để không cần tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Giám sát quyền lực, mở rộng dân chủ - Ảnh 3.

Cán bộ chính là nhân tố mang tính chất quyết định của quá trình tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ảnh: TTXVN

* Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thì cái gốc phải xây dựng cán bộ và phải thực hiện đúng phương châm cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, công dân làm những gì pháp luật không cấm?

- Cán bộ chính là nhân tố mang tính chất quyết định của quá trình tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bác Hồ đã nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém. Văn kiện đại hội Đảng cũng khẳng định một trong ba đột phá của phát triển đất nước là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý ở tầm chiến lược.

Đề án lần này xác định xây dựng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực pháp luật là một trong những vấn đề trọng tâm. Trong đó bao gồm nguồn nhân lực xây dựng pháp luật, nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước hay thực thi pháp luật; nguồn nhân lực trong hệ thống tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch... 

Tiếp đến, phải hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo nhưng cũng phải thay thế ngay những cán bộ không đảm bảo chất lượng, tham nhũng, tiêu cực.

Có một nguyên tắc vàng của nhà nước pháp quyền cần phải được thể hiện và thực hiện một cách đầy đủ, đó là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chỉ được phép thực hiện những điều pháp luật cho phép, người dân được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm. 

Muốn vậy, cần phải quy định rất rõ đối với cán bộ, công chức, viên chức những điều được làm, những điều không được làm để dựa vào đó thực thi công vụ, phụng sự nhân dân tốt nhất. Còn người dân được phát huy năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo của mình để phát triển đất nước nhưng không được vi phạm những điều pháp luật cấm.

* Trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của công dân và các tổ chức xã hội phải được đổi mới như thế nào?

- Trong điều kiện dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, vấn đề phát huy chủ quyền nhân dân trong kiểm soát quyền lực là rất quan trọng. Trong đó, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa chủ quyền nhân dân với quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước.

Phải xây dựng cơ chế, đặc biệt cơ chế pháp lý về địa vị pháp lý, quyền của cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia vào việc giám sát công việc quản lý nhà nước, công tác cán bộ. Cần tăng cường đối thoại với nhân dân dưới các hình thức phù hợp; thể chế hóa cơ chế đối thoại với nhân dân. Quy định trách nhiệm chính trị, pháp lý của cán bộ các cấp trong đối thoại với nhân dân.

Mở rộng các hình thức thực hành dân chủ trực tiếp; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; có cơ chế phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát quyền lực nhà nước...

Những điểm mới đáng chú ý trong đề án

Theo GS Võ Khánh Vinh, đề án sẽ đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, công dân; về tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế tổ chức, thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Đề án cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, khoa học; về tiếp tục hoàn thiện chế định chủ tịch nước; về tiếp tục đổi mới hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, đề án cũng đưa ra các giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về tăng cường tự chủ, hội nhập quốc tế đáp ứng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3 nguyên nhân dẫn đến cán bộ tham nhũng

Thực tế trong các vụ việc, vụ án tham nhũng vừa qua đã cho thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của cán bộ, công chức. Nhưng có ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, trong một số trường hợp pháp luật không rõ, không đầy đủ, toàn diện nên các cán bộ, công chức tham nhũng lợi dụng để vi phạm, trục lợi. Thứ hai, dù có pháp luật quy định rồi nhưng một số cán bộ có chức, có quyền lại lợi dụng, lạm dụng, lộng quyền để cố ý làm trái, trục lợi cho bản thân, gia đình.

Thứ ba, việc kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu ở một số nơi, đơn vị còn buông lỏng, chưa chặt chẽ, hiệu quả cho nên dẫn đến việc cán bộ tham nhũng, tiêu cực.

Phải giảm độ trễ từ luật đến cuộc sống

QD_ThuTucHanhChinh_VinhLocB_28 1(Read-Only)

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là một trong những vấn đề lớn và quan trọng được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Là người theo đuổi nhà nước pháp quyền ở Việt Nam từ 2001 tới nay, PGS.TS Võ Trí Hảo - hiệu trưởng Trường đại học Gia Định, trọng tài viên VIAC - chia sẻ mối quan hệ giữa dân chủ số đông và nhà nước pháp quyền đã được nhân loại đặt ra khá lâu, nhưng gần đây nó trở nên vô cùng quan trọng bởi dưới ảnh hưởng của công nghệ mới và mạng xã hội dường như vấn đề dân túy trở nên cấp bách hơn.

Nhà nước pháp quyền mới là công cụ kiểm soát dân túy. Một khác biệt vô cùng lớn của nhà nước pháp quyền đó là chất lượng pháp luật và hành xử thế nào nếu luật đó lạc hậu, bị thao túng, không phù hợp công lý, không công bằng.

Không để người dân "lạc lối giữa rừng luật"

Theo ông Hảo, có ba tâm điểm giải quyết khi xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, đó là giảm tác hại của dân túy.

Thứ hai, điểm khác biệt nhất giữa nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp trị là ở chất lượng luật. Điều này đòi hỏi chất lượng luật phải được nâng tầm mang tính đột phá và đổi mới tư duy giải thích, áp dụng pháp luật.

Thứ ba, nhà nước pháp quyền phải giảm được độ trễ từ luật đến cuộc sống; xử lý được các bức xúc của doanh nghiệp, công dân về điều kiện kinh doanh, bức xúc "lạc lối giữa rừng luật ứng xử theo luật rừng".

Cũng theo ông Hảo, khi dân túy, chính trị gia sẽ không phân tích lợi ích lâu dài của quốc gia, lợi ích bí mật về quốc phòng, đối ngoại mà chỉ nói những câu dễ nghe, dễ hiểu, dễ lấy lòng đám đông; làm cho số đông hiểu vấn đề một cách phiến diện và thiển cận.

Trong khi đó, đám đông thường cảm tính, ví dụ đơn giản, một người viết một bài báo khoa học dài ba trang với đầy đủ số liệu và được viết rất tâm huyết nhiều khi chỉ được vài chục lượt like, nhưng một bức ảnh ăn nhậu, video ngắn của chính người đó có thể có hàng nghìn lượt like. Khuynh hướng này càng đúng trong thời đại bội thực thông tin, người bình dân không thích đọc dài, không thích suy nghĩ sâu, chỉ cảm tính và đó là điều kiện béo bở cho dân túy.

Điều này cho thấy dân túy rất nguy hại trong mô hình dân chủ truyền thống, dân chủ cổ điển, dùng ý chí số đông để có thể bác bỏ những giá trị, những vấn đề được coi là chân lý; xem xét lại những giá trị mà nhân loại coi là vĩnh hằng, không thay đổi và dùng số đông để đưa ra những quyết nghị bóp nghẹt các quyền mang tính chất là quyền con người của thiểu số.

"Dân chủ hiện đại dựa trên hai ý tưởng chính, thứ nhất những vấn đề liên quan ngân sách và tiền bạc cứ giao cho nghị viện quyết định theo số đông; vấn đề khẩn cấp cứ giao cho hành pháp ứng phó. Thứ hai, nếu một chính trị gia dân túy đưa ra chính sách đi ngược lại giá trị và quyền cơ bản, đi ngược hiến pháp, trong luật sẽ có một thiết chế, tức là quy định đặc thù để phanh vị chính trị gia dân túy lại", ông Hảo nói.

Đừng để "cái gì không quản được thì cấm"

Cũng theo ông Hảo, trong nhà nước pháp quyền, pháp luật được coi là công cụ tiệm cận công lý, chứ không phải tự thân là công lý; là công cụ mang lại công bằng hạnh phúc cho nhân dân, chứ nó không có giá trị tự thân. Nếu chỉ dừng lại ở việc các cơ quan nhà nước đặt mình dưới luật thì chưa đủ. Bởi vậy, một khác biệt vô cùng lớn của nhà nước pháp quyền đó là chất lượng pháp luật và hành xử thế nào nếu luật đó không phù hợp công lý, không công bằng.

Tuy nhiên, để luật có chất lượng, trước hết phải có người chuyên nghiệp soạn thảo luật. Muốn vậy phải xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp đủ sức ban hành các luật chi tiết áp dụng được ngay giống như các sắc lệnh thời đại Hồ Chí Minh, không phải chờ nghị định, thông tư nữa.

Khi Quốc hội chuyên nghiệp, đại biểu, nghị sĩ sẽ xem đó là nghề duy nhất của mình gắn liền với sự thăng tiến chính trị của họ. Họ phải đọc, tìm hiểu để tham gia soạn thảo, trình và thông qua luật; họ sẽ không còn lợi ích chính trị nào ngoài hoạt động lập pháp; đó là điểm khởi đầu cho chất lượng luật.

Mặt khác, khi giải thích pháp luật không nên dựa vào ý chí của hành pháp, bởi hành pháp là một bên trong hoạt động quản lý nhà nước nên tâm lý của con người tất yếu sẽ muốn đẩy khó khăn cho bên kia.

Người ta hay nói cái gì không quản được thì cấm. Trong nhà nước pháp quyền, các nước thường trao cho tòa án quyền giải thích pháp luật, tạo ra các án lệ chứ không trao cho cơ quan ban hành được nói hai lời về cùng một vấn đề.

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG

Đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm

QD_KhuLienHiepTheThao_RachChiec_4 1(Read-Only)

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, TP Thủ Đức, TP.HCM bị bỏ hoang nhiều năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội thảo góp ý dự án Luật đất đai sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 5-10, nhiều đại biểu đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm hoặc điều chỉnh cách làm để linh hoạt hơn.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nêu một thực tế là tại TP.HCM không có bất kỳ đơn vị nào có thể thực hiện kế hoạch sử dụng đất từ đầu năm, không có dự án nào hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trong vòng 3 năm. Nhiều dự án ghi vốn đầu tư công trung hạn 2-3 năm, chưa bố trí được vốn đã phải đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

"Luật đất đai bỏ luôn kế hoạch sử dụng đất hằng năm hoặc nới lỏng thời gian hết hạn kế hoạch sử dụng đất để xử lý các dự án đầu tư công", ông Nguyễn đề xuất.

Theo các đại biểu, kế hoạch sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân cần mở hơn để dành sự linh động cho các địa phương chứ không lập kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất như hiện nay. Chỉ nên ước định diện tích chuyển mục đích sử dụng đất hằng năm cho địa phương chứ không đưa ra chính xác diện tích, số thửa đất, tên người sử dụng... trong kế hoạch.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng cho rằng việc lập kế hoạch sử dụng đất tới từng thửa đất là một khối lượng công việc khổng lồ, rất tốn kém thời gian và chi phí. Có thể khoanh vùng hay cách làm nào đơn giản hơn được không?

Các đại biểu cũng thảo luận về tình trạng các dự án tư nhân đã thương lượng bồi thường được 80 - 90% diện tích nhưng vẫn không triển khai được do những người sử dụng đất còn lại không đồng ý thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè dẫn chứng tình trạng dự án chỉ còn vài ngàn mét vuông đất chưa thương lượng được nhưng người sử dụng đất nhất quyết không nhượng quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư bất kể giá cao cỡ nào. "Hậu quả của việc này là dự án đình trệ, kinh tế địa phương không phát triển, chủ đầu tư, Nhà nước và cả người dân đều không được lợi ích gì từ dự án", ông Võ Phan Lê Nguyễn phân tích.

Theo TS Trần Du Lịch, thậm chí có người chủ động mua gom một diện tích đất trong phạm vi các dự án nhà ở để phá chủ đầu tư. Do đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội có cái nhìn trực diện vào vấn đề này để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Có thể để tòa án giải quyết tranh chấp và phán quyết về giá chuyển nhượng buộc người "bỏ bom" phải chấp nhận giá chuyển nhượng.

Đại diện quận Bình Tân cũng đề nghị Nhà nước cưỡng chế thu hồi đất đối với các dự án không dùng ngân sách đã được 90% người dân đồng thuận.

D.N.HÀ - CẨM NƯƠNG

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Chưa kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ'

TTO - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

THÀNH CHUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên