30/07/2016 08:59 GMT+7

Giám sát để không còn sự cố như Formosa

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường hôm qua (29-7), đại biểu Quốc hội của nhiều tỉnh lên tiếng về câu chuyện Formosa.

Như lời đại biểu Trần Công Thuật - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - thì cử tri đã nhờ các đại biểu hỏi Chính phủ:

“Khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản được và khi nào thì môi trường biển an toàn được? Chúng ta cần cá, cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không?”.

Cũng hôm qua, trên các trang báo lại có những câu hỏi khác về môi trường. Vụ cá chết ven Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) có liên quan hay không đến trục trặc của hệ thống máy bơm kiềm của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc)?

Rồi nữa, Bộ Công thương đang hoàn chỉnh văn bản để trình Thủ tướng với đề xuất xem xét dừng dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man ở Hậu Giang, với câu hỏi trong dư luận: Nhà máy này liệu có bức tử dòng sông Hậu như Formosa đã làm điêu đứng biển miền Trung?...

Những câu hỏi tương tự đang được cử tri chuyển đến đại biểu. Nhưng còn một câu hỏi khác: Sức mạnh quyền hạn của đại biểu, của một cơ quan dân cử nếu được sử dụng có trách nhiệm thì cử tri có phải gánh chịu hậu quả và phải chuyển những câu hỏi đắng lòng như vậy đến Quốc hội?

Bởi nếu có sự giám sát, phản biện đủ mạnh từ các đại biểu dân cử thì Formosa Hà Tĩnh có dễ dàng được quyền thuê đất 70 năm, có những ưu đãi đầu tư và có chùn tay trong hành vi gây ra sự cố nghiêm trọng về môi trường?

Câu hỏi đó tất nhiên không chỉ dành cho mỗi Formosa Hà Tĩnh, mà còn cho tất cả những “Formosa” khác đang ẩn mình.

Đặt câu hỏi ấy là có cơ sở vì chỉ cách đó ba ngày, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - nêu thực trạng nhiều báo cáo giám sát chỉ thấy chê ít, khen nhiều và không tập trung vào những vấn đề mà cử tri bức xúc.

Thậm chí có đoàn báo cáo số liệu sai số đến 10 lần so với thực tế. Tương tự, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng ta thán nhiều đoàn giám sát lèo tèo 2 - 3 đại biểu, đề cương giám sát rất sơ sài.

“Thà rằng ở trên này gọi điện xuống chúc mừng nhau và khen nhau còn tốt hơn” - ông Bùi Sĩ Lợi nói thẳng.

Không rõ sự cố môi trường ở Formosa, những nguy cơ về môi trường ở Lee & Man, ở alumin Nhân Cơ hay cá chết ở thượng nguồn sông Sài Gòn, ở sông Bưởi (Thanh Hóa) gần đây từng có liên quan gì đến những điều mà ông Bùi Sĩ Lợi và ông Ngô Văn Minh nói. Nhưng khi quyền hạn giám sát của những đại biểu, cơ quan dân cử không được sử dụng như đã trao thì e rằng vẫn còn những câu hỏi như vậy nối dài.

Sự cố môi trường Formosa như một ung nhọt đã vỡ. Nhưng còn bao nhiêu ung nhọt khác về môi trường đang nhởn nhơ ngoài vòng kiềm tỏa?

Đó không chỉ là một câu hỏi, mà còn phải là một lời tự vấn của những người được cử tri trao quyền.

Chuyển được tâm tư của dân với những vụ việc như Formosa là điều phải làm. Nhưng điều cần hơn là sử dụng quyền lực mà cử tri đã trao, ngăn chặn những mầm mống nguy hại cho môi trường đang chực chờ mọc lên để cử tri không còn phải chuyển những câu hỏi nhức nhối như ở nghị trường hôm nay.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên