17/07/2018 08:45 GMT+7

Giảm cân cho trẻ béo phì ra sao?

H.PHƯƠNG - M.HUỲNH
H.PHƯƠNG - M.HUỲNH

TTO - Bé N.L.T.A. 11 tuổi nhưng đã nặng hơn 80kg. Bác sĩ chẩn đoán bé bị béo phì. Hằng ngày bé ăn 3 bữa chính, ngoài ra còn thường ăn những món ăn phụ như bánh su kem, trà sữa…

Giảm cân cho trẻ béo phì ra sao? - Ảnh 1.

Trẻ cần chế độ vận động hợp lý để hạn chế việc tăng cân - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Bé cho biết bản thân không thể kiềm chế được việc ăn uống, nên cơ thể cứ tăng cân liên tục.

Chị B.T.C.L. (47 tuổi, ngụ Vĩnh Long), có con gái 15 tuổi, cho biết chị từng ép con thực hiện chế độ giảm cân bằng cách cấm đoán bé trong việc ăn uống. Tuy nhiên khó khăn vô cùng, nhiều lúc bắt gặp bé ôm xúc xích và sữa trốn trong một góc cửa để ăn uống.

Ảnh hưởng thể chất, tinh thần trẻ

Gia đình bé T.A. cho biết do thân hình bé quá khổ so với bạn bè nên bé thường bị các bạn trêu chọc. Bé làm việc gì cũng ì ạch, hoạt động một tí là rất mệt, ít khi tham gia các hoạt động vui chơi cùng các bạn. Thế nên bé thường cảm thấy tự ti, thu mình vào vì không ai chơi. Ngoài ra, sau những lần đi khám, bé còn được bác sĩ cảnh báo có thể mắc các bệnh liên quan đến mỡ máu, mỡ gan và cả huyết áp nếu vẫn còn tiếp tục tăng cân không kiểm soát trong thời gian tới.

Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tình trạng thừa cân béo phì (TCBP) dẫn đến nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe thể chất, tình cảm, giao tiếp xã hội của trẻ. Trẻ bị TCBP có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như hen, khó thở khi ngủ, các vấn đề xương khớp, đái tháo đường type 2, nguy cơ bệnh tim... Về dài hạn, trẻ TCBP có nguy cơ cao béo phì khi trở thành người lớn, đồng thời với đó là tăng nguy cơ bệnh tim, hội chứng chuyển hóa, ung thư.

Bên cạnh các nguy cơ về sức khỏe, những trẻ có thân hình quá khổ dễ bị trêu chọc, quấy phá từ các bạn đồng lứa hơn các trẻ bình thường, dễ bị cô lập về xã hội, trầm cảm, kém tự tin.

Không giảm cân tùy tiện

TS.BS Lâm Vĩnh Niên cho biết các yếu tố góp phần vào tình trạng béo phì ở trẻ gồm: di truyền, chuyển hóa, môi trường xung quanh, thời gian ngủ ít, thói quen ăn uống và hoạt động thể lực.

ThS.BS Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng của Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood, nhấn mạnh việc điều trị TCBP là một quá trình khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng của bản thân trẻ cộng với sự hỗ trợ sát sao từ gia đình (động viên, tạo điều kiện, tránh la rầy, cấm đoán...).

"Do cơ thể trẻ đang phát triển nên cha mẹ lưu ý không giảm cân tùy tiện cho con, mà chỉ nên giúp trẻ giảm bớt tốc độ tăng cân hay giữ không tăng thêm cân mà vẫn tiếp tục tăng chiều cao tốt theo tuổi. Chỉ can thiệp giảm cân khi trẻ từ 2 tuổi trở lên thừa cân quá nhiều, có chỉ định của bác sĩ" - ThS.BS Hồng Loan chia sẻ.

Tùy theo lứa tuổi và nhận thức của trẻ, hãy nói cho con biết hậu quả của TCBP, sau đó chỉ dẫn cho trẻ những thức ăn có lợi, tránh xa những thức ăn làm tăng cân. Phụ huynh hãy làm gương cho trẻ trong việc ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên.

Hạn chế dùng thực phẩm giàu năng lượng

Để hạn chế tăng cân cho trẻ TCBP, các bậc phụ huynh cần lưu ý không cắt giảm đột ngột việc ăn uống của trẻ, mà nên giảm cung cấp các thực phẩm có năng lượng rỗng, nghèo dinh dưỡng.

Theo ThS.BS Hồng Loan, phụ huynh cần lưu ý chọn những thức ăn có lợi cho sức khỏe của trẻ và có chế độ ăn uống hợp lý. Nên cho trẻ ăn cá nhiều hơn ăn thịt, nếu ăn thịt thì chọn thịt nạc và ăn cả hai loại chất đạm từ nguồn động vật, thực vật mỗi ngày. Cần cho trẻ ăn đầy đủ chất xơ và các vitamin, khoáng chất cần thiết trong bữa ăn chính như: các loại rau xanh, rau cải, khoai củ, trái cây ít ngọt... rất có lợi cho trẻ TCBP. "Trẻ cần được cung cấp sữa và sản phẩm từ sữa. Có thể đổi qua loại sữa dành cho trẻ TCBP, thấp năng lượng, giàu canxi và các chất dinh dưỡng quý hay sữa tách béo không đường để giúp trẻ nhận đủ canxi, giúp tăng chiều cao tốt" - ThS.BS Hồng Loan nói.

Chế biến thức ăn phù hợp

- Nên chế biến dưới dạng kho, hấp, luộc, nướng hay các món nước (canh rau, mì nước, bún nước, nui nước...), thay vì chiên xào nhiều dầu mỡ. Cần hạn chế các món xốt béo, ngọt.

- Cho trẻ ăn đủ bữa, ngày 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ, tuyệt đối không được cho trẻ TCBP nhịn đói, nếu trẻ đã ăn đủ bữa mà còn đói thì hãy cho bé ăn thêm các loại thức ăn ít năng lượng như củ sắn, trái cây ít ngọt. Không cho trẻ ăn sau 20h.

Phụ huynh nên vận động cùng trẻ

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM - cho biết thông thường trẻ em nên hoạt động tối thiểu 1-2 tiếng mỗi ngày. Vận động hết sức quan trọng giúp tiêu mỡ và phát triển cơ xương khớp, chiều cao. Mục tiêu giảm cân tùy theo độ tuổi, mức độ béo, tuy nhiên phải đảm bảo cho trẻ vận động.

Trẻ thừa cân béo phì nên tham gia các trò chơi vận động với cường độ thay đổi từ trung bình đến cao như đá banh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, nhảy dây góp phần tiêu mỡ hạn chế tăng cân. Lưu ý, phụ huynh nên cho trẻ vận động bằng cách chơi cùng trẻ thì vận động sẽ hiệu quả hơn.

H.PHƯƠNG - M.HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên