Người dân, doanh nghiệp giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Yên Bái - Ảnh: CTV
Bà khẳng định đến thời điểm này, tuy mới hơn nửa năm thực hiện các nghị quyết 18, 19 của Hội nghị trung ương 6 (về sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; đổi mới hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập), với Yên Bái thì đã cơ bản hoàn thành.
Lý do là tỉnh đã sớm chỉ đạo thực hiện thí điểm nhiều vấn đề theo tinh thần nghị quyết 39 (năm 2015) của Bộ Chính trị.
Như một cuộc cách mạng
"Nếu nói về khó khăn ban đầu thì giống như một cuộc cách mạng" - bà Trà nói. Tỉnh đã hợp nhất văn phòng huyện ủy, UBND và HĐND ở tất cả các đơn vị cấp huyện; cơ quan tham mưu giúp việc chung cho khối Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp huyện cũng đã được kiện toàn.
Việc hợp nhất cơ quan kiểm tra (của Đảng) với cơ quan thanh tra (Nhà nước) đã được 6/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành. Nếu tính theo tỉ lệ chung, Yên Bái đã giảm 12-13% tổng số cơ quan, đơn vị sau khi hợp nhất, tổng biên chế so với năm 2015 đã giảm được hơn 13%.
Các con số này đều cao hơn mục tiêu của nghị quyết trung ương. Tới đây, khi Yên Bái tiếp tục nhất thể hóa các chức danh ở cấp xã, thôn, tiến hành sáp nhập các thôn đúng tiêu chí, quy mô theo nghị quyết của trung ương thì chắc chắn số biên chế còn giảm mạnh.
Sáng 8-6, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái chính thức được đưa vào hoạt động tại thành phố Yên Bái - Ảnh: ĐINH THÙY
Có "tâm tư" nhưng...
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy là cán bộ trẻ, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, được tăng cường cho Yên Bái sau vụ thảm án.
Mặt ông Duy phờ phạc sau mấy ngày trực tiếp ở địa bàn chỉ huy công tác cứu hộ, khắc phục hậu qủa nặng nề của vụ lở đất vì mưa lũ tại xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn.
Được hỏi về việc tinh giản biên chế, ông Duy nói: "Tôi thấy sau khi tinh giản thì hiệu lực, hiệu quả được nâng lên, chỉ đạo công việc cũng rõ đầu mối, rõ người. Bản thân cán bộ, công chức cũng nhận thấy rõ trách nhiệm của họ và có động lực hơn".
Nói đoạn ông cười cười: "Muốn lắng nghe những việc làm cụ thể, xin mời các bạn về các sở, ngành, địa phương để nghe họ nói".
Vị trưởng ngành chúng tôi tìm gặp đầu tiên là giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thế Hùng. Ông Hùng nói đặc thù quản lý đa ngành của lĩnh vực nông nghiệp do lịch sử để lại, trước đây có rất nhiều đầu mối: kiểm lâm, lâm nghiệp, thủy lợi, giống cây trồng... nên bộ máy rất nặng nề.
Đặc biệt là khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang tự chủ, không tinh giản được bộ máy thì rất khó.
Ông Hùng nói tiếp: "Nếu nói rằng khi tinh giản mà anh em không có tâm tư gì, thì không đúng. Có người từ trưởng xuống phó, phó thì không còn chức vụ, công chức đang còn tuổi làm việc thì được động viên về hưu sớm. Danh dự nhiều khi quan trọng hơn cả công ăn việc làm, thế nên chỉ khi tư tưởng thông suốt thì người ta mới thoải mái.
Một khi tư tưởng đã thông rồi, mọi người đều coi đó là việc đúng, buộc phải làm thì mình thực hiện. Cứ làm dân chủ, lấy phiếu tín nhiệm tại chỗ, anh nào được tín nhiệm nhất thì làm lãnh đạo".
Vào Sở Y tế, chúng tôi gặp giám đốc Nguyễn Văn Tuyến, ông cho biết trong giai đoạn 2016-2018 ngành của ông quản lý đã giảm từ 43 đầu mối còn 21 đầu mối. Đặc biệt, bộ máy bên trong các đơn vị sau khi sáp nhập không tăng lên mà còn giảm được 39 khoa, phòng.
Rời trung tâm tỉnh lỵ, chúng tôi ghé Trấn Yên gặp bí thư Huyện ủy Nguyễn Thế Phước, ông nói thật lòng: "Ở đời khó nhất là đưa người ta xuống chức".
Trấn Yên được đánh giá là huyện thực hiện tinh giản bộ máy, tổ chức một cách bài bản, hiệu quả đi đầu trong việc sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố.
Trấn Yên đã thực hiện sáp nhập văn phòng huyện ủy với văn phòng HĐND và UBND, để thuận lợi cho công tác tham mưu, phục vụ, huyện này đã bố trí nơi làm việc của lãnh đạo huyện ủy, HĐND và UBND gần nhau.
Đẩy mạnh xây dựng "hành chính phục vụ"
Bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định cùng với quá trình tinh giản, công tác thu hút nhân tài, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ vẫn được chú trọng, đồng thời với nhiệm vụ phải cải cách hành chính, giảm thiểu nhũng nhiễu và giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch của người dân, doanh nghiệp.
Bà Trà cho biết hiện nay cả 9 đầu mối cấp huyện và 180 đầu mối cấp xã đang khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh bộ phận phục vụ hành chính công, dự kiến từ 1-1-2019 sẽ hoạt động, liên thông từ tỉnh đến xã.
Tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng
Chúng tôi hỏi bí thư tỉnh ủy: Vậy cái được lớn nhất là gì? Bà Thanh Trà nói: "Nhiều người cũng hỏi sau tinh giản thì giảm được bao nhiêu tiền? Giai đoạn 2016-2018, chúng tôi tiết kiệm được hơn 900 tỉ, riêng năm 2018 tiết kiệm 415 tỉ.
Đây là số tiền tiết kiệm được do không phải chi lương, chi cho hoạt động bộ máy, chi đầu tư như dự kiến ban đầu...".
Ngoài ra, tỉnh cũng đã bước đầu thực hiện cơ chế khoán chi, với những đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao thì số tiền lương tiết kiệm đó chăm sóc người lao động. Ở khối giáo dục, số tiền đầu tư trở lại rất có ý nghĩa, giúp các đơn vị trường học tăng cường cơ sở vật chất.
Nhưng cái được lớn hơn là hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành được nâng lên rất rõ. Các cơ quan, đơn vị trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ sau khi sáp nhập thì rõ chức năng, nhiệm vụ.
Việc tăng cường cơ sở vật chất, khoán chi và tăng phụ cấp cũng khiến cán bộ có động lực lao động, cống hiến tốt hơn.
Còn ở cơ sở, ông Nguyễn Thế Phước nêu ví dụ trước đây quy mô thôn, bản đã nhỏ, lại có nhiều chức danh phải trả phụ cấp hằng tháng nhưng sau khi sắp xếp lại không những số lượng thôn, bản giảm nhiều mà còn vận động cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều chức danh.
"Các xã cũng vậy, chúng tôi khuyến khích tìm người đủ năng lực để kiêm nhiệm hai chức danh, ví dụ bí thư kiêm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND kiêm nhiệm chủ tịch MTTQ VN xã. Vậy mà công việc vẫn trôi chảy, cán bộ có thêm thu nhập khi phụ cấp tăng lên.
Nhờ sáp nhập, tinh giản mà hiện nay đa số công chức cấp xã của chúng tôi có trình độ đại học chính quy" - ông Phước hồ hởi.
Nhìn lại công việc đã làm, bà Thanh Trà cho rằng so với các nghị quyết khác thì việc triển khai thực hiện các nghị quyết 39 (năm 2015) và mới đây là 18, 19 của trung ương có thuận lợi cơ bản là nhân dân ủng hộ rất cao.
Bởi tinh giản biên chế, bộ máy cũng giúp giảm nhũng nhiễu và tạo điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, để thực sự có một nền hành chính phục vụ nhân dân.
Người dân, doanh nghiệp giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Yên Bái - Ảnh: CTV
Các nghị quyết 18, 19 được triển khai với "tốc độ cao"
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về kết quả thực hiện các nghị quyết nêu trên, lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương cho biết do các nghị quyết mới được ban hành và triển khai hơn nửa năm nên chưa tiến hành sơ kết, tổng kết để có thể đánh giá toàn diện.
Nhưng qua quan sát, theo dõi và nghe báo cáo bước đầu thì thấy nhân dân rất đồng tình, nhiều địa phương đang triển khai thực hiện với "tốc độ cao".
Một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ nhận xét: những vướng mắc lãnh đạo Yên Bái nêu trên là đúng, vì các nghị quyết của trung ương đang được triển khai nhanh, trên tinh thần thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong khi công tác sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy chính quyền lại đòi hỏi phải có thời gian, qua các thủ tục lập pháp, lập quy cần thiết, nên có độ trễ so với mong đợi.
Ví dụ, việc tỉnh Lào Cai tiến hành sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định thay thế nghị định số 24 năm 2014 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là thiếu cơ sở pháp lý.
Thời gian vừa qua, đích thân Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã dẫn đầu các đoàn công tác về nhiều địa phương để tìm hiểu tình hình, lắng nghe và trao đổi các giải pháp thực hiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định của pháp luật có liên quan.
Lào Cai sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng
Tỉnh Lào Cai vừa quyết định sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng, bởi khi rà soát Sở GTVT có 22 nhiệm vụ thì chỉ có 6 nhiệm vụ chuyên biệt, Sở Xây dựng có 19 nhiệm vụ thì chỉ có 4 nhiệm vụ chuyên biệt, còn lại các nhiệm vụ của hai sở này có tính chất tương đồng, khá trùng nhau.
Ngày 23-7, Sở GTVT - xây dựng đã chính thức ra mắt với 1 giám đốc và số lượng phòng ban chỉ 11 (giảm 3 phòng). Hiện vẫn giữ nguyên 5 phó giám đốc của 2 sở cũ ở sở mới, nhưng lộ trình trong 3 năm sẽ chỉ còn đúng 3 giám đốc như quy định.
Về những khó khăn, việc sáp nhập có động đến vị trí việc làm, động đến tâm tư của mọi người, kể cả cán bộ lãnh đạo, nên ngay từ đầu Lào Cai đã rất cẩn trọng trong việc này.
Bình Phước: sẽ tinh giản hơn 2.300 công chức, viên chức
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ giảm 2.340 công chức, viên chức so với số lượng được giao năm 2017.
Cụ thể, đối với công chức hành chính, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% (172 biên chế). Đối với viên chức, mỗi năm giảm 10% (2.166 biên chế). Ngoài ra, từ nay trở đi mỗi năm sẽ giảm ít nhất 30 - 35% chỉ tiêu hợp đồng lao động.
Theo đó, bước đầu cấp tỉnh và cấp huyện giảm 57 cơ quan hành chính, 107 đơn vị sự nghiệp, 180 cấp trưởng, 280 cấp phó, 150 trưởng phòng và 250 phó phòng của các cơ quan cấp tỉnh.
Ước mỗi năm tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỉ đồng chi thường xuyên cho bộ máy.
Cán bộ cấp phòng, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường của UBND TP Vũng Tàu thi sát hạch vào tháng 7-2017 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Bà Rịa - Vũng Tàu: những người quá yếu, không thể đào tạo lại sẽ bị loại
Theo kế hoạch đến năm 2021, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tinh giản 11,23% số cán bộ, công chức khối hành chính - sự nghiệp. Đến nay đã tinh giản được gần 5% và giảm được hơn 30 đầu mối cấp phòng. Khối các cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội cũng theo lộ trình từ nay đến năm 2021 sẽ giảm hơn 11%. Theo đó, đến năm 2021 khối này phải giảm khoảng 120 người.
Theo ghi nhận, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ tạo ra áp lực về công việc cho một số ngành như tài nguyên - môi trường, quản lý đô thị và giáo dục, y tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỉnh này thực hiện nhiều biện pháp giảm số lượng nhưng tăng về chất như tổ chức sát hạch cấp phó phòng của các sở có khối lượng công việc nhiều, thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp vào cuối năm 2017.
Đầu năm 2017, Thành ủy TP Vũng Tàu cũng đã tổ chức sát hạch cấp phó phòng, chủ tịch, phó chủ tịch các phường, xã. Những người quá yếu, không thể đào tạo lại sẽ phải bị tinh giản.
Bình Dương: nhiều chức danh kiêm nhiệm để tinh giản bộ máy
Trong năm 2018, thị xã Thuận An sẽ là đơn vị hành chính đầu tiên áp dụng thí điểm sáp nhập.
Ở cấp xã, phường, thị trấn, Bình Dương sẽ sáp nhập các xã không đảm bảo tiêu chí; sẽ chọn một số xã, phường để thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã.
Ở cấp tỉnh, Bình Dương cũng sẽ thực hiện kiêm nhiệm nhiều chức danh để giảm bộ máy.
Trong năm 2018, Tỉnh ủy Bình Dương có kế hoạch sáp nhập báo Bình Dương vào Đài phát thanh - truyền hình tỉnh; trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy kiêm giám đốc Sở Nội vụ; chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy kiêm chánh Thanh tra tỉnh; trưởng Ban tuyên giáo kiêm giám đốc Sở Thông tin - truyền thông...
Đồng thời với việc kiêm nhiệm chức danh, một số cơ quan cũng sẽ được sáp nhập hoặc giải thể. Cụ thể như văn phòng của các ban xây dựng Đảng cấp tỉnh sẽ được giải thể, sáp nhập vào Văn phòng Tỉnh ủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận