Phóng to |
Thường xuyên tập thể dục để tránh béo phì (ảnh chụp ở công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T. |
Bệnh nhân đầu tiên ở VN điều trị kỹ thuật này là một nam thanh niên 24 tuổi, cao 1,73m nhưng nặng tới 115 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) lên đến 38,4, trong khi người bình thường BMI tối đa là 25.
Thêm một lựa chọn
Theo ông Trần Bình Giang, trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trước khi điều trị cho bệnh nhân béo phì bằng biện pháp kể trên, Bệnh viện Việt Đức đã áp dụng nội soi đặt đai vào dạ dày nhằm mục đích giảm lượng ăn vào của người béo phì, thông qua đó giảm trọng lượng cơ thể bệnh nhân. Tính từ năm 2007 khi bắt đầu thực hiện kỹ thuật này đến nay, có trên 70 người béo phì, người nặng nhất là 162 kg, được đặt đai, kết quả là bệnh nhân trở về trọng lượng mong muốn sau hai năm. Chỉ có hai bệnh nhân phải tháo đai vì không thuận lợi trong đời sống.
Tuy nhiên theo ông Giang, điểm bất tiện của kỹ thuật đặt đai giảm béo là hay gây nôn cho bệnh nhân trong trường hợp bệnh nhân ăn nhanh, uống nhanh. Sau khi đặt đai dạ dày, bệnh nhân chỉ có thể ăn từng chút nên với nam giới cần phải giao tế, sau khi đặt đai dạ dày sẽ rất khó khăn khi đi uống với đối tác vài chai bia, nhất là nhiều bệnh nhân đặt đai giảm béo tại Bệnh viện Việt Đức còn trẻ (khoảng 16-53 tuổi). “Chính vì vậy chúng tôi đưa thêm kỹ thuật nội soi dạ dày ống đứng để thêm lựa chọn cho bệnh nhân”- ông Giang cho hay.
Theo bác sĩ Bùi Thanh Phúc (Bệnh viện Việt Đức), thành viên kíp phẫu thuật nội soi dạ dày ống đứng để giảm béo, nguyên tắc của kỹ thuật này là cắt bớt một phần dạ dày bệnh nhân thông qua nội soi. Phần dạ dày còn lại sẽ như một “ống đứng” thay vì có phần phình ra và lượng thức ăn nạp vào sẽ buộc phải giảm đi. So với đặt đai dạ dày giảm béo, trọng lượng bệnh nhân sau nội soi dạ dày ống đứng cũng giảm mức độ tương tự, tức khoảng 10 kg/tháng trong thời gian đầu và trọng lượng cơ thể sẽ về mức độ phù hợp (giảm 15-50% trọng lượng) sau 1,5-2 năm.
Song do phải cắt đi một phần dạ dày nên nội soi dạ dày ống đứng phù hợp với bệnh nhân nam hơn. Với nữ giới, tuy các trung tâm từng điều trị kỹ thuật này ở nước ngoài cũng thực hiện trên nhiều bệnh nhân là nữ, song bác sĩ Giang cho rằng trường hợp phụ nữ mang thai sẽ cần một số vi chất hấp thụ qua men ở phần hang vị dạ dày, nhưng với kỹ thuật nội soi dạ dày ống đứng lại cắt bớt phần hang vị nên sẽ phải bổ sung vitamin.
Tiết kiệm hơn
Bác sĩ Giang cho biết mặc dù trọng lượng ở bệnh nhân béo phì giảm khá mạnh sau điều trị, nhưng cả hai kỹ thuật trên đều có nguy cơ, ví dụ như bệnh nhân đã nội soi cắt dạ dày ống đứng sau này có thể gặp bệnh lý gì khác ở dạ dày và tiếp tục phải cắt dạ dày sẽ phải xử lý như thế nào? Tuy nhiên, bác sĩ Giang cho rằng với những người béo phì ở mức độ trầm trọng, cần điều trị bằng phẫu thuật dạ dày thì tác hại của béo phì còn nguy hiểm hơn, nhất là trong điều kiện tỉ lệ mỡ ở bệnh nhân châu Á cao hơn hẳn so với người châu Âu, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như tim mạch, huyết áp, xương khớp… cao hơn.
Bệnh viện Việt Đức đang tính toán về chi phí cho kỹ thuật nội soi dạ dày ống đứng, theo hướng rẻ hơn kỹ thuật đặt đai dạ dày, khoảng 40-50 triệu đồng/bệnh nhân. Ông Giang cho biết ở châu Âu, bệnh nhân có BMI trên 35 được khuyên nên phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng trầm trọng của béo phì, nhưng ở châu Á BMI trên 27,5 đã rất nên được điều trị do lượng mỡ cao và các nguy cơ đến nhanh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận