23/07/2011 12:05 GMT+7

Giải thoát khỏi nỗi lo bệnh tật

BS TRẦN HOÀI NHÂN
BS TRẦN HOÀI NHÂN

TTCT - Chẳng ai ngoại lệ với ốm đau, bệnh tật. Vấn đề là làm sao để nó ít ảnh hưởng nhất đến chất lượng cuộc sống.

WqwwW2Yu.jpgPhóng to
Lo lắng thái quá làm trầm trọng thêm sự suy giảm sức khỏe trong lúc đang bệnh - Ảnh: albanianet.com

Không có gì phải bàn luận về vai trò sự bình an trong tư tưởng, suy nghĩ đến sức khỏe và chất lượng của cuộc sống. Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa sức khỏe là sự thoải mái về thể xác và tinh thần, chứ không phải là không có bệnh tật đơn thuần.

Lũ chồng lũ

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa sức khỏe là sự thoải mái về thể xác và tinh thần, chứ không phải là không có bệnh tật đơn thuần

Khi bị bệnh, sự bình an này bị xáo trộn bởi nhiều nỗi lo. Bên cạnh đó, khát khao muốn thoát khỏi tình trạng hiện tại để trở về với “ngày xưa thân ái” càng làm người bị bệnh cảm giác hiện trạng của họ nặng nề thêm.

Những nỗi lo, cảm xúc kiểu như trên không giúp gì cho việc chữa trị và hồi phục bệnh tật hiện tại của bạn cả, mà ngược lại dẫn tâm trí bạn đi từ nỗi sợ hãi này đến nỗi sợ hãi khác. Chúng như những con sóng dữ vùi dập con thuyền tâm trí và thân xác bạn. Đôi khi tinh thần bất an đẩy những người bệnh nặng, bệnh nan y đến với cái chết trước khi bệnh tật đánh gục họ.

Rõ ràng giữ tinh thần cân bằng trong khi bệnh là cần thiết để không làm trầm trọng thêm tổn thương thực thể do bệnh tật. Vấn đề là làm thế nào không quá lo âu, sợ hãi khi chúng ta bị bệnh. Vô lo không có nghĩa phớt lờ bệnh tật. Bệnh phải được chẩn đoán và điều trị bởi thầy thuốc. Người bệnh thay vì suy nghĩ lan man, hoài nghi, sợ hãi, thì nên tuân thủ theo chế độ điều trị và nghỉ ngơi chờ đợi cơ thể phục hồi. Vô lo theo nghĩa như vậy.

Những cách thức giảm lo âu

Thiền định là biện pháp tốt nhất giúp hành giả thoát khỏi nỗi sợ hãi bệnh tật, nhưng đây là phương pháp không có tính phổ quát cao. Sau đây là những gợi ý để làm giảm lo lắng, sợ hãi khi bị bệnh.

Về lý thuyết, bạn nên nằm lòng hai điều. Thứ nhất, cơ thể bạn được lập trình để khỏe mạnh chứ không phải để ốm yếu. Như người làm vườn chăm sóc mảnh vườn của mình, gieo hạt giống, tưới nước và chờ đợi hạt giống nảy mầm, khi cơ thể bị bệnh bạn cẩn trọng “tưới nước, bón phân” cho nó bằng các y lệnh của thầy thuốc và bình tĩnh chờ thời gian hồi phục.

Thứ hai, vẫn biết bệnh tật và sinh tử là chuyện lớn ở đời, vấn đề là cho dù bạn có lo lắng đến mòn mỏi thì cũng không tránh khỏi chúng, mà lo lắng thái quá sẽ ảnh hưởng đến sự bình an của mình, làm trầm trọng thêm sự suy giảm sức khỏe trong lúc đang bệnh. Càng tin tưởng hai điều cơ bản trên bao nhiêu, bạn càng dễ kiểm soát được tâm trí trước những lo lắng, sợ hãi bấy nhiêu.

Về phương diện thực hành, bạn cần lắng nghe và ghi nhận những gì xảy ra cho cơ thể. Khi sốt cần biết là mình đang sốt, khi muốn ói cần ý thức là mình muốn ói. Bạn chỉ ghi nhận một cách đơn giản như bản chất vốn có của chúng, đừng suy diễn và giải mã chúng thành nỗi lo, sự hoang mang.

Khi trong đầu xuất hiện sợ hãi, nghi ngờ, bạn hãy hít thật sâu và nói thầm “tôi đang sợ hãi”, hoặc “tôi đang nghi ngờ”. Nhờ đó bạn sẽ làm chủ được tâm trí. Làm ngơ trước chúng chẳng khác nào để những đốm lửa nhỏ bùng lên thành ngọn lửa thiêu cháy ngôi nhà của chính bạn. Và cũng đừng đè nén, chối bỏ cảm giác sợ hãi, càng đè nén chúng càng bùng phát mạnh mẽ. Bạn có bao giờ bị mất ngủ chưa? Càng cố ngủ sẽ càng tỉnh!

Cảm giác đến rồi đi, cảm giác nối tiếp cảm giác, không có cảm giác nào tồn tại vĩnh viễn. Cảm giác lạc quan của ta có được nhờ có cảm giác bi quan, cảm giác bình an có được nhờ có cảm giác bất an… Do vậy, đừng quá kỳ thị những cảm giác tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, bi quan… Chúng là chất liệu để làm nên trạng thái phấn chấn, tích cực.

BS TRẦN HOÀI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên