Ngành thể thao dồn kinh phí cho các VĐV như: Ánh Viên (ảnh), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường... tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho SEA Games 30, vòng loại Olympic 2020 - Ảnh: NAM KHÁNH
Đây không phải lần đầu tiên các đội tuyển trẻ quốc gia - niềm hi vọng trong tương lai của thể thao Việt Nam - phải đối mặt với tình cảnh này.
Dang dở quá trình huấn luyện
Ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh - cho biết theo quyết định của Tổng cục TDTT thì đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia sẽ được giải tán, cắt chế độ từ ngày 15-6 đến 1-9.
Điền kinh là một trong những môn thể thao trọng điểm Olympic, các VĐV trẻ quốc gia được tập luyện rải rác ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trên cả nước với khoảng 50-60 VĐV.
Thực hiện theo quyết định của Tổng cục TDTT, trong thời điểm này các VĐV sẽ được trả về địa phương tập huấn, thực hiện chế độ tiền ăn, tiền công ở địa phương và do HLV địa phương đảm trách. Rất may trong thời điểm này điền kinh không phải đi thi đấu giải trẻ quốc tế nào nên các VĐV có thể yên tâm về địa phương tập luyện.
Trong khi đó, ông Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn bóng bàn - cho biết đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia hiện đang tập huấn tại Trường ĐH TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh cùng chuyên gia Dư Chí Quốc (Trung Quốc). Cũng như các môn khác, đội tuyển bóng bàn có quyết định triệu tập lên đội trẻ quốc gia từ ngày 1-1 đến 31-7 và từ 1-8 đến 31-12.
Tuy nhiên Tổng cục TDTT có quyết định giải tán trong thời điểm 15-6 đến 1-9 thì bộ môn sẽ cho các VĐV về địa phương.
Việc đưa các VĐV đang có quyết định triệu tập đội trẻ quốc gia về địa phương là việc không ai muốn. Một HLV đội trẻ quốc gia nói: "Việc các VĐV trẻ xuất sắc được Tổng cục TDTT đưa lên đội trẻ quốc gia sẽ giúp các em có được HLV tốt để tập luyện, được ăn uống đầy đủ, hưởng tiền công cao hơn.
Nhiều môn lên tuyển còn có HLV nước ngoài tập luyện, trang thiết bị, sân bãi tốt hơn địa phương. Trong khi đó, nhiều VĐV ở địa phương hưởng chế độ tiền ăn chưa đến 100.000 đồng/ngày, còn chưa đủ no thì nói gì đến đủ chất mà tập luyện.
Giờ Tổng cục TDTT cũng khó khăn nên VĐV phải về lại địa phương, dù biết sẽ ảnh hưởng đến chu trình tập luyện mà các em đang theo nhưng cũng không biết phải làm sao".
Tập trung nguồn lực cho SEA Games 30
Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết một trong những nguyên nhân là do vấn đề kinh phí. Ông Phấn cho biết năm 2019 Tổng cục TDTT đang dốc sức chuẩn bị cho SEA Games 30 tại Philippines, nguồn lực chính phải tập trung cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự đại hội.
Ông Phấn nói: "Việc giải tán các đội trẻ quốc gia nằm trong kế hoạch rà soát lại toàn bộ kế hoạch của các đội tuyển để chuẩn bị cho chu kỳ mới là SEA Games 2021, Asiad 2022. Một số môn VĐV đang chuẩn bị tham dự các giải quốc tế trong thời điểm này thì vẫn có thể ở lại tập huấn và thi đấu, các môn còn lại sẽ cho về địa phương và sau ngày 1-9 sẽ tập trung trở lại.
Trong điều kiện kinh phí hạn chế, năm 2019 lại có SEA Games nên ngành thể thao phải tập trung nguồn lực để các đội tuyển quốc gia dự SEA Games trước đã".
Ông Nguyễn Văn Bình - vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục TDTT - cho biết ngân sách nhà nước cấp cho sự nghiệp thể thao trong năm 2019 là 540 tỉ đồng. Đa phần số tiền này được dùng để chi cho việc trả tiền công, tiền ăn cho hàng ngàn VĐV. Ngành thể thao những năm qua thậm chí còn không đủ điều kiện tài chính để mua sắm mới trang thiết bị tập luyện, tu sửa cơ sở vật chất của thể thao.
Ông Bình nói: "Năm 2019, nghị định 152 của Chính phủ về việc tăng tiền công cho VĐV, HLV thể thao có hiệu lực. Vậy nhưng ngân sách cấp bổ sung để thực hiện nghị định thì chưa có, trong khi từ đầu năm 2019 đến nay VĐV, HLV vẫn được tăng tiền công. Vì vậy tạm thời phải cắt giảm việc tập trung một số đội tuyển trẻ quốc gia.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát lại lực lượng của từng môn sẽ cho ra con số VĐV cụ thể ở các đội tuyển, trên cơ sở đó Tổng cục TDTT tính toán chi phí, đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư trình Chính phủ bổ sung ngân sách cho thể thao để thực hiện nghị định 152".
Phương Trâm xô ngã kỷ lục trẻ của Ánh Viên
Tại Giải bơi vô địch các nhóm tuổi quốc gia 2019 vừa kết thúc ngày 21-5, kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm đã xuất sắc xô ngã kỷ lục nội dung 100m tự do nữ lứa tuổi từ 16-18 của Nguyễn Thị Ánh Viên thiết lập năm 2013 với thành tích 58,02 giây, hơn kỷ lục cũ của Ánh Viên 0,24 giây. (T.P.)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận