09/04/2008 11:20 GMT+7

"Giải mã" Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1: Sự lợi hại của tiếng Anh

Theo Hoàng Hải Vân - Thanh Niên
Theo Hoàng Hải Vân - Thanh Niên

Cố vấn Mỹ George Melvin đập bàn nói: "Tao tiếc rằng mày chỉ có cấp bậc thượng sĩ, chứ mày mà là sĩ quan thì tao đã đề nghị với Trần Trung Dung cho mày làm Trưởng phòng quân huấn ngay!".

WkTAZUSF.jpgPhóng to
Phạm Xuân Ẩn - (Ảnh do gia đình cung cấp)
Cố vấn Mỹ George Melvin đập bàn nói: "Tao tiếc rằng mày chỉ có cấp bậc thượng sĩ, chứ mày mà là sĩ quan thì tao đã đề nghị với Trần Trung Dung cho mày làm Trưởng phòng quân huấn ngay!".

Chuyện ông Ẩn bắt đầu làm tình báo như thế nào chúng tôi đã từng đề cập. Từ nhân viên của Hãng xăng Caltex, chuyển sang làm việc cho Hải quan Pháp ở Cảng Sài Gòn, ông đã "chép được hầu hết các tài liệu về chuyên chở tiếp tế, vũ khí trang bị của quân đội Pháp gửi về trên" và học được nhiều kinh nghiệm bước đầu của công tác tình báo.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp sắp kết thúc, ông được chỉ thị "chuyển vào mục tiêu mới, nhưng không bỏ mục tiêu cũ". Mục tiêu nhắm tới là quân sự. Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của ông là thời điểm "chuyển giao" giữa Pháp và Mỹ ở Việt Nam. Trước khi ký Hiệp định Genève, cấp trên của ông - ông Phạm Ngọc Thạch chỉ dặn: "Cố gắng không để bị bắt lính, nếu bị bắt lính thì ít nhất phải làm đến chức tiểu đoàn trưởng".

Ông Ẩn có người anh họ là đại úy Phạm Xuân Giai, lúc đó là Trưởng phòng 5 Bộ Tổng tham mưu "quân đội quốc gia Việt Nam" (do Pháp dựng lên). Đại úy Giai là người quen thân với tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng và thiếu tá Trần Đình Lan, Trưởng phòng 6 (phản gián), nên đây là cơ hội thuận lợi. Ông nhờ đại úy Giai và được ông Giai xin vào làm việc tại Phòng 5. Trước khi vào làm việc ở đây, ông đã chọn được một người "bạn tốt", là ông Tư An, thay thế ông tại Hải quan. Ông Tư An đã cung cấp đầy đủ tin tức như ông Ẩn đã làm, cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết.

Phòng 5 của Bộ Tổng tham mưu là phòng phụ trách huấn luyện và chiến tranh tâm lý, nên còn gọi là Phòng quân huấn. Tháng 4.1954, ông Ẩn được tướng Hinh ký quyết định vào làm việc tại phòng này với quân hàm thượng sĩ đồng hóa. Ông được bố trí làm bí thư cho ông Giai thay cho người bí thư cũ.

Khi người Mỹ bắt đầu can thiệp để hỗ trợ cho quân Pháp, họ thâm nhập vào quốc phòng và tất nhiên là thâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu. Hầu hết các sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu đều biết tiếng Pháp, ít người biết tiếng Anh, trừ đại úy Giai có thời gian đi tu nghiệp tại Mỹ (học chiến tranh tâm lý tại trường Ford Bragg, California). Bởi vậy, khi còn làm Tổng tham mưu trưởng, tướng Hinh giao cho ông Giai trực tiếp liên lạc làm việc với đại tá Mỹ Edward Lansdale, một nhân vật khét tiếng từng đóng vai trò chính trong việc dựng lên và củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ông Ẩn là người thạo tiếng Anh nên được đại úy Giai giao nhiệm vụ giao dịch với các sĩ quan cấp dưới của Lansdale như đại úy Rufus Philips, đại úy Roderick, đại úy Sharp... Ban đầu Phạm Xuân Ẩn chưa tạo được quan hệ với Lansdale, nhưng đã làm quen với nhiều sĩ quan Mỹ và biết làm theo cách của Mỹ.

Sau Hiệp định Genève, Pháp và Mỹ thỏa thuận trao lại "quyền tự trị hoàn toàn" cho "quân đội quốc gia" vào tháng 5.1955 để Mỹ huấn luyện và xây dựng lại theo phương hướng của Mỹ. Phái bộ huấn luyện quân sự hỗn hợp Pháp-Mỹ (TRIM) lập ra trước đây được chuyển thành Phái bộ huấn luyện tác chiến lục quân (CATO) và nằm trong MAGG (Phái bộ cố vấn và viện trợ quân sự). Tháng 10.1955, Mỹ đề ra cho Ngô Đình Diệm cải tổ quân đội, tập hợp các tiểu đoàn bộ binh và khinh quân để lập ra 6 sư đoàn khinh quân và bắt đầu huấn luyện theo chương trình của Mỹ tại trường Võ bị Thủ Đức.

Phạm Xuân Ẩn trở thành một hạ sĩ quan duy nhất đi với các sĩ quan "quân đội quốc gia" đến trường Võ bị Thủ Đức làm phiên dịch cho cố vấn Mỹ. Và từ một thông dịch viên, nhưng do "biết cách làm việc với Mỹ", ông được giao làm nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc giữa Phòng 5 với CATO, thay cho viên sĩ quan liên lạc cũ không được người Mỹ chấp nhận, vì anh ta "quá nặng ảnh hưởng của Pháp".

Tuy cấp bậc thấp, nhưng làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc với CATO, lại thông minh, nhạy bén, nên ông Ẩn được thảo luận với các sĩ quan Mỹ về mọi chương trình, kế hoạch huấn luyện, tuyển chọn người đi học ở Mỹ hoặc các nước khác. Thời điểm này, CATO đưa ra kế hoạch huấn luyện biệt kích để đưa ra phá hoại miền Bắc. Tất nhiên ông chép ngay kế hoạch này để báo về cấp trên.

Vấn đề rắc rối xảy ra là các sĩ quan ở Phòng quân huấn hầu hết do Pháp đào tạo và làm việc theo kiểu Pháp. Họ chưa chấp nhận kế hoạch này cũng như chưa chấp nhận kiểu huấn luyện của Mỹ. Trong tình thế đó, Phạm Xuân Ẩn tự xác định mình là người "đứng giữa", vừa phải làm hài lòng Phòng quân huấn, vừa phải làm hài lòng các sĩ quan Mỹ, dứt khoát không thể để phía nào chê trách. Nếu làm mất lòng một trong hai bên, ông sẽ bị loại ngay.

Trưởng nhóm cố vấn Mỹ, trung tá George Melvin hỏi ông: "Anh thấy kế hoạch này thế nào?". Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Kế hoạch hay lắm, rất mới mẻ. Nhưng tôi sợ các sĩ quan ở Bộ Tổng tham mưu khó chấp nhận, vì họ cho rằng đã đình chiến rồi mà còn thả biệt kích ra miền Bắc thì khác gì làm chuyện không đâu". Melvin đập bàn nói: "Tao tiếc rằng mày chỉ có cấp bậc thượng sĩ, chứ mày mà là sĩ quan thì tao đã đề nghị với Trần Trung Dung (Tổng trưởng quốc phòng) cho mày làm Trưởng phòng quân huấn ngay!". Ông Ẩn nói: "Chết chết, đừng nói thế. Nói thế nhỡ cấp trên tôi nghe được tưởng tôi muốn làm to, chắc tôi bị đày ra Bến Hải mất. Để tôi cố thuyết phục coi". Melvin vui vẻ: "Anh mà làm được, tôi sẽ chiêu đãi anh".

Ông Ẩn xin gặp trực tiếp Trần Văn Đôn, lúc này là Tổng tham mưu trưởng. Ông nói với tướng Đôn: "Thưa thiếu tướng, kế hoạch huấn luyện biệt kích Phòng quân huấn bác bỏ, nhưng tôi thấy làm như thế không những mất mặt cho George Melvin mà mất mặt luôn cả tướng Williams nữa. Thiếu tướng nên cho phép chấp thuận kế hoạch trên nguyên tắc để giữ thể diện cho họ, sau đó mình sẽ có cách hoãn không thi hành thì có sao đâu. Đến lúc đó thì họ đã đổi người khác rồi". Trần Văn Đôn thấy có lý, liền tán thành và ra lệnh cho Phòng quân huấn chấp thuận (đúng như ông Ẩn nói, kế hoạch này được trì hoãn kéo dài cho tới năm 1960 mới bắt đầu tổ chức triển khai ở Dục Mỹ).

Phạm Xuân Ẩn gọi điện cho Melvin: "Trung tá chuẩn bị tiền chúng mình đi ăn đi". Melvin biết đã thành công. Thay vì dẫn ra tiệm ăn, ông ta mời Phạm Xuân Ẩn về nhà. Một bữa tiệc long trọng diễn ra để đón tiếp Phạm Xuân Ẩn, có Lansdale, Philips, tướng Williams, đại tá Phi Luật Tân Benson... cùng dự. Mối thân tình và sự tin cậy của một nhân vật đầy thế lực là Lansdale dành cho Phạm Xuân Ẩn bắt đầu từ đó...

Theo Hoàng Hải Vân - Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên