Nếu có ai nói như vậy, những chiếc lông nhím sẽ ngay lập tức xù lên để bảo vệ quan điểm “tớ không nghiện gì cả!”.
Phóng to |
Thiếu niên chơi game online tại một tiệm Internet - Ảnh: TTO |
Nhưng việc bị một chiếc túi xách mới, một chiếc áo nào đó “ám ảnh” đến nỗi nếu không mua đươc thì sẽ “ăn không ngon, ngủ không yên”. Hay hiện tượng “điên cuồng” mua hàng sale mà có những món chả bao giờ được đụng đến thì chắc chắn các ấy sẽ phải đọc tiếp xuống phía dưới để tìm hiểu cơ chế gây nên những cơn nghiện này nhé!
Cơ chế gây nghiện từ trong cơ thể
Năm 1975, giáo sư Hans Kosterlitz và cộng sự John Hugles (Trung tâm Nghiên cứu thuốc gây nghiện, Anh) tìm ra một acid amin ở não đặt tên là enkephalin, chất này có tác dụng giống như morphin gắn vào các thụ thể (receptor, tức nơi trong cơ thể thuốc gắn vào thì mới phát huy hiệu quả) opioid (bắt nguồn từ opium, là thuốc phiện).
Hai hợp chất này đã mở đầu cho việc tìm kiếm các chất trong cơ thể, có tác dụng như morphin, gọi là endorphin (morphin nội sinh).
Như vậy, cơ thể người cũng có ma túy do tự sản xuất ra, không quá thừa và giúp cuộc sống chúng ta thoải mái hơn, nếu không, ngưỡng đau sẽ rất thấp, đáng lý đau chút ít sẽ thành đau rất nhiều.
Phóng to |
Cơn nghiện mua sắm có thể khiến nhiều bạn trẻ lao đao, nhất là khi "thu không bù chi" - Ảnh minh họa: từ Internet |
Phát hiện này giải thích vì sao người ta nghiện: Khi dùng nhiều lần, các chất gây nghiện gắn vào các thụ thể, làm thay đổi một số chất sinh học đóng vai trò điều hoà sinh lý. Cơ thể phải tự điều chỉnh để quen dần sự hiện diện của chất gây nghiện.
Các endorphin mà cơ thể sẵn có cũng sẽ tự ức chế tiết ra, ít dần và sau cùng không tiết nữa. Khi người nghiện mất khả năng sản xuất endorphin, sẽ phải sống lệ thuộc vào chất gây nghiện.
Hình ảnh, cảm xúc… cũng gây nghiện!
Vậy chơi game online, mua sắm, hoạt động tình dục…, đâu sử dụng bất kỳ loại chất gì nhưng sao vẫn nghiện?
Các nhà khoa học đưa ra lý thuyết “thưởng, phạt” để giải thích hiện tượng một số teen “dại dột” tiếp tục thực hiện những hoạt động như hoạt động tình dục để đạt khoái cảm, chơi game để được hưởng cảm giác “anh hùng”, mua sắm để được hưởng cảm giác được “ngưỡng mộ”,…
Những điều này được gọi là “hiệu ứng thưởng”, xảy ra ở giai đoạn đầu của sự nghiện và gây nên sự “lệ thuộc tâm lý”, khiến bạn trẻ tin rằng, chỉ có chơi game mới được “tỏa sáng”, phải mua sắm mới được nể trọng,…
Còn “hiệu ứng phạt” thường xảy ra với việc dùng chất gây nghiện, điển hình ma túy, bởi con người sẽ phải tiếp tục dùng chất gây nghiện để tránh “hiệu ứng phạt”, là những đau đớn khi cai thuốc.
Phóng to |
Quay lại việc bị nghiện bởi những thứ không phải là thuốc, khoái cảm của những cơn nghiện trên liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamin. “Hiệu ứng thưởng” làm thay đổi hoạt động của dopamin, dẫn đến việc cơ thể tự điều chỉnh để đáp ứng. Sự tự điều chỉnh chủ yếu xảy ra ở hệ thần kinh, còn gọi là “thích ứng thần kinh”, thể hiện sự giảm bớt các thụ thể của chất gây nghiện, giải thích cho hiện tượng “lờn thuốc” (tức thuốc dùng theo liều trước đây, bây giờ do thụ thể gắn với nó ít, dẫn đến giảm tác dụng nên phải tăng liều).
Trường hợp nghiện game online, mua sắm, tình dục… cũng có thể gặp hiện tượng “lờn” tương tự, khiến người nghiện cứ muốn thực hiện ngày càng nhiều hơn để có khoái cảm mới.
Nếu đột ngột ngưng cung cấp chất gây nghiện đó, cơ thể người nghiện sẽ hụt hẫng, thích ứng thần kinh ban đầu không còn phù hợp, cơ thể thấy khó chịu, luôn ám ảnh phải tiếp tục thực hiện hành vi đó, bất chấp sự tự chủ của bản thân.
Điều này lý giải việc có những teen đã “đập đầu vào gối” thề cách ly game, “không bỏ một xu mua sắm nữa” nhưng 30 phút sau đã thấy “hì hục” cày game hay lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay!
Làm sao cắt cơn?
Việc bị gây nghiện với mỗi người là không giống nhau, vì có những người rất dễ bị nghiện và nhanh chóng bị lệ thuộc khi tiếp xúc với chất gây nghiện cụ thể và cả chất cảm xúc, hình ảnh... Song cũng có những người lại miễn dịch khá tốt với những chất này. Điều này tuy liên quan đến cấu trúc di truyền nhưng phần lớn lại bị tác động bởi môi trường sống.
Thế nên, cách tốt nhất để cắt những cơn nghiện là… đừng để bản thân dính vào. Teen đừng tạo điều kiện cho chất gây nghiện vào cơ thể để gắn vào thụ thể của nó và cũng như đừng để sự gắn kết này tiếp diễn nhiều lần, hãy xây dựng cho mình “bộ lọc cá nhân” vững chắc bằng việc lựa chọn lối sống lành mạnh, an toàn.
Teen cũng không nên “mở cửa” chào đón vào tâm hồn mình những “độc chất” như bạo lực, khiêu dâm, lối sống đua đòi, cờ bạc… bởi “vào thì dễ, ra thì khó”. “Phòng bệnh” bao giờ cũng tốt hơn và đỡ tốn kém hơn việc phải “chữa bệnh”!
Mời bạn gửi email cộng tác, góp ý, đóng góp ý tưởng đến mục Nói với teen qua địa chỉ teen@tuoitre.com.vn. Bài viết không quá 1.200 chữ, để chính xác nội dung xin gõ font chữ có dấu tiếng Việt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận