Cả 3 khu vực đều tăng cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,66% có sự đóng góp của cả ba khu vực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng khá cao khoảng 2,98% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng rất cao của nông nghiệp.
Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng khá tốt khoảng 6,28%, trong khu vực này chỉ có ngành khai khoáng giảm, còn công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đạt 6,98%, xây dựng tăng 6,83%. Hai ngành này kéo tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp và xây dựng.
Khu vực dịch vụ cũng tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính theo phương pháp sản xuất cả 3 khu vực đều tăng cao như vậy nên mức tăng GDP 5,66% là phù hợp.
Cùng quan điểm này, TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng cho rằng dù bối cảnh kinh tế chung còn khó khăn nhưng không thể phủ định tốc độ tăng trưởng cao của quý 1 năm nay.
Cần nhìn nhận rằng kinh tế quý 1 năm nay có những dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu tốt hơn (tăng 17%), công nghiệp tốt hơn, xây dựng tốt hơn, đầu tư công vẫn giải ngân tốt, đầu tư nước ngoài tích cực, tốc độ tăng tiêu dùng thấp hơn, chỉ có đầu tư tư nhân chững lại, ông Thành nhấn mạnh.
Doanh nghiệp rút lui nhiều trong ngành dịch vụ
Lý giải về vấn đề doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh nhiều trong quý 1 năm nay, ông Lâm cho rằng cần nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh phần lớn thuộc nhóm doanh nghiệp dịch vụ, ăn uống, vui chơi, giải trí. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 phần lớn cũng thuộc nhóm này.
Theo ông Lâm, hiện khoảng 1/3 doanh nghiệp trong nền kinh tế hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ăn uống, vui chơi, giải trí, nên khi nhu cầu ăn uống, giải trí bên ngoài giảm thì khu vực doanh nghiệp này giải thể nhiều, còn những doanh nghiệp sản xuất không rơi vào tình trạng này.
Các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường phần lớn nằm trong khu vực dịch vụ cũng được phản ánh trong mức tăng của khu vực dịch vụ năm nay chỉ khoảng 6,12%, thấp hơn mức tăng 6,8% của năm ngoái.
Còn theo ông Thành, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ là một chỉ số cần quan tâm. Nhưng cũng cần nhìn vào quy mô của doanh nghiệp rời bỏ thị trường, nếu 3 doanh nghiệp quy mô nhỏ rời bỏ thị trường nhưng 1 doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng thì tăng trưởng chung vẫn tăng.
Chưa vội lạc quan
Bàn về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% năm nay, ông Lâm khẳng định: Lúc này bàn đến tăng trưởng cả năm có đạt được mục tiêu hay không là quá sớm, quý 1-2024 tăng cao một phần nhờ so với nền tăng trưởng thấp của quý 1-2023.
Chẳng hạn năm nay khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28% là so với mức tăng trưởng âm của khu vực này trong quý 1-2023. Nên có thể thấy mức tăng trưởng GDP quý 1 cao không phản ánh nền kinh tế đã hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng tốt, ông Lâm cho hay.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng quý 1 nhiều ngành tăng trưởng tốt, ví dụ như xuất khẩu dệt, da, may mặc tốt nhưng các doanh nghiệp lại chỉ có đơn hàng đến tháng 6 thôi, nửa cuối năm chưa có đơn hàng.
Mặt khác, trên nền tăng trưởng cao của quý 3, quý 4 năm 2023 thì chưa chắc tăng trưởng GDP của quý 3, quý 4 năm nay tiếp tục cao. Chu kỳ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước chưa chắc đã lặp lại trong năm 2024.
Các động lực tăng trưởng như tổng vốn đầu tư công năm nay 657.000 tỉ đồng, thấp hơn tổng vốn đầu tư công năm 2023 (khoảng 711.000 tỉ đồng), nên nếu năm nay có giải ngân hết vốn đầu tư công thì vẫn thấp hơn.
Trong khi xuất nhập khẩu năm nay dự báo vẫn ảnh hưởng từ sự trì trệ của thương mại toàn cầu, vì thế nhiều chuyên gia cho rằng lúc này không thể lạc quan tếu về bức tranh kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận