Kết phiên tuần qua, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.154,15 điểm, đánh dấu phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Dòng tiền rút ở tất cả các ngành chủ chốt, bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép, hóa chất...
Một cổ phiếu thép nằm sàn 5 phiên liên tiếp, lãnh đạo giải trình
Cổ phiếu TKG của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Tùng Khánh giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 21 đến 27-9.
Giải trình Ủy ban Chứng khoán, lãnh đạo công ty này cho rằng thị trường có nhiều biến động với nhiều phiên giảm điểm đã ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông công ty.
Ngoài ra theo TKG, hoạt động kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ cũng là lý do khiến giá cổ phiếu giảm sâu.
Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ đạt 184 triệu đồng, giảm gần 88% so với cùng kỳ.
Đóng cửa ngày 29-9, cổ phiếu TKG có giá 6.000 đồng, giảm mạnh từ vùng đỉnh lịch sử 16.000 đồng/CP được thiết lập ngày 19-7-2023.
Thời điểm giá cao, nhiều cổ đông lớn của TKG liên tục thoái vốn. Trong đó, ông Nguyễn Văn Nam không còn là cổ đông lớn từ 31-7 khi bán ra 339.700 cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu từ 5,39% về 0,01%.
Một cổ đông lớn khác trước đó là ông Nguyễn Hữu Toản cũng bán 399.000 cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu về sát 0% với 100 cổ phiếu.
Tại công ty này, bà Bùi Thị Yến - chủ tịch HĐQT kiêm phó giám đốc - không nắm giữ cổ phần nào. Chồng bà Yến - ông Phạm Văn Hiếu cũng chỉ sở hữu 0,02%.
Ông Phạm Tùng Linh - con trai bà Yến - là người vừa thôi giữ chức giám đốc TKG từ 18-9-2023 cũng không sở hữu cổ phần nào.
Tuần qua, nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu thép cũng chứng kiến đà giảm ở hầu hết các mã. Trong đó HPG của Hòa Phát giảm 3,66%; POM của Thép Pomina giảm gần 10%; HSG của Hoa Sen Group - 7,2%; TVN của Vnsteel - 12%...
Cổ phiếu bất động sản ra sao?
Với nhóm bất động sản, một số cổ phiếu tuần qua có đà giảm mạnh là DXS của Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Đất Xanh, mã TCH của Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy.
Trong đó, DXS của Đất Xanh giảm 13,8% sau 1 tuần và gần 33% sau một năm. Kết phiên ngày 29-9, DXS có giá 8.900 đồng/CP. Mức giá đóng cửa cao nhất được thiết lập từ tháng 10-2022, khi ấy DXS có giá hơn 14.500 đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 9, Đất Xanh liên tiếp bị công ty chứng khoán bán giải chấp DXS sau khi cổ phiếu này rơi vào danh sách không đủ điều kiện để cho vay ký quỹ của HoSE.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét bán niên 2023, DXS đạt doanh thu thuần hơn 991 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 61 tỉ đồng, cùng kỳ vẫn lãi lớn 474 tỉ đồng.
Cổ phiếu TCH của Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy cũng giảm hơn 14% tuần qua.
Kết phiên ngày 29-9, giá TCH ở mức 11.600 đồng/CP. Nếu tính theo tháng, cổ phiếu này đã giảm gần 13%, nhưng tính sau 1 năm, TCH đã tăng hơn 22%. Vùng giá thấp nhất được ghi nhận là 4.700 đồng ngày 15-11-2022.
Sau đợt tăng mạnh lên đỉnh trong vòng 1 năm ở mức 14.500 đồng (21-9-2023), cổ phiếu TCH đã giảm liên tiếp với 3 phiên nằm sàn.
Tuần qua, hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản cùng cảnh "rớt" giá, như NVL của Novaland giảm 10,34%, VHM của Vinhomes (-5,21%), NLG của Nam Long (-3,4%), VRE của Vincom Retail (-4,74%)…
Theo VCBS, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu hóa chất và bất động sản là hai nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất với mức giảm lần lượt là 6,54% và 4,63%.
Sang tuần mới, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn để quản trị rủi ro. Các nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỉ trọng từ 10 - 30% tài khoản cổ phiếu cho chiến lược giao dịch lướt sóng ngắn hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận