Với ba đêm công diễn lần này (20g ngày 17, 18 và 19-8 tại Nhà hát TP.HCM), bước chuyển ấy có thể nhận ra khi nhìn vào kịch mục và danh sách nghệ sĩ.
Phóng to |
Cho Hae Ryong (vai nàng Dido - trái) và Phạm Trang (Aeneas) cùng đoàn hợp xướng HBSO trong vở nhạc kịch Dido và Aeneas - Ảnh: Gia Tiến |
Bất ngờ xuất hiện năm 2005, Giai điệu mùa thu (do Sở VH-TT&DL phối hợp với Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO tổ chức) nhanh chóng thành “điểm sáng văn hóa” bởi là nơi hội tụ của những tài năng hàn lâm từ nước ngoài về giao lưu, trình diễn các tác phẩm xuất sắc của VN và thế giới.
Đã có những mùa hội ngộ mà các tài năng về biểu diễn vượt qua con số 10. Có mùa, số đêm trình diễn lên đến bốn với một đêm diễn hoàn toàn miễn phí dành cho đối tượng học sinh - sinh viên tại Nhà văn hóa Thanh niên. Có mùa, ban tổ chức còn mơ đến một chuyến du diễn tận Singapore. Nhưng cũng có những mùa các đêm diễn bị thu hẹp lại còn hai và số nghệ sĩ trở về chỉ 3-4 người...
Nhưng chưa bao giờ chương trình lại chỉ thu hút được có hai nghệ sĩ về nước như mùa này.
Tự thân vận động
Hai người trở về là nhạc trưởng Lê Phi Phi (đang sống và làm việc tại Macedonia) và nghệ sĩ violon Hoàng Linh Chi (đang sống và làm việc tại Tây Ban Nha). Còn lại là các nghệ sĩ thuộc biên chế của HBSO và bốn nghệ sĩ nước ngoài cùng tham gia trình diễn.
“Ngoài lý do chi phí có hạn, số nghệ sĩ trở về biểu diễn tại Giai điệu mùa thu ngày một ít hơn một phần vì họ không thu xếp được công việc, một phần vì đã về biểu diễn ở những mùa trước. Đó là chưa kể một số nghệ sĩ cũng không nằm trong độ tuổi “trẻ” nữa. Thêm vào đó, có không ít nghệ sĩ đã về VN sống và làm việc luôn như tôi, Trần Nhật Minh, Nguyễn Phúc Hùng, Vũ Việt Anh, Nguyễn Anh Sơn, Bùi Công Duy...” - nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, phó phòng tổ chức biểu diễn HBSO, chia sẻ.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì kinh phí cho các nghệ sĩ về biểu diễn vẫn là lý do chính và nan giải nhất. Nếu ở những năm đầu tiên, Giai điệu mùa thu nhận được sự tài trợ vé máy bay từ Vietnam Airlines và từ một số nhà tài trợ khác thì từ năm 2008 đến nay sự ủng hộ từ đơn vị vận chuyển hàng không này đã không còn. Các mạnh thường quân cũng ngày một rơi rụng và kinh phí cho Giai điệu mùa thu trong ba năm trở lại đây vẫn chủ yếu lấy từ một phần ngân sách của Sở VH-TT&DL và HBSO.
Có những mùa diễn mà chính các nghệ sĩ VN lẫn nước ngoài phải “tiếp lửa” cho chương trình bằng cách tự bỏ tiền mua vé về VN để tham gia. Như mùa diễn này, Hoàng Linh Chi cùng chồng là nghệ sĩ kèn oboe Pau Rodriguez cũng tự túc chi phí đi lại, ăn ở, chỉ nhận tượng trưng thù lao tập và diễn từ HBSO. Phía HBSO cũng cho biết đến thời điểm này, nhà hát vẫn đang tự thân vận động để tổ chức chương trình. Tạm thời, toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở của ba nghệ sĩ Na Uy và nhạc trưởng Lê Phi Phi tham gia chương trình đều do HBSO gánh vác. Vậy nên dù muốn chiêu mộ thêm nhiều anh tài về dự cuộc vui, nhà hát cũng buộc phải cân nhắc.
Hay, nhưng không mới
Năm ngoái, Giai điệu mùa thu cũng gặp khủng hoảng trong việc mời gọi các nghệ sĩ VN về tham gia chương trình nhưng đã có một hướng đi mới, hợp lý và tươi tắn hơn khi quyết khai thác bằng hết yếu tố “nội lực”: trao quyền làm chủ các chương trình, tiết mục từ dàn dựng, sáng tác đến biểu diễn vào những tài năng trẻ từng học tập và làm việc tại nước ngoài nay trở về đầu quân cho HBSO. Năm nay, Giai điệu mùa thu cũng chỉ biết dựa vào “nội lực” về tài chính lẫn con người như thế. Chỉ khác là những tiết mục trình diễn của năm ngoái tươi mới hơn, là những tiết mục lần đầu được giới thiệu đến công chúng.
Còn năm nay, những tiết mục dù rất hay nhưng không còn mới nữa. Nhạc kịch Dido và Aeneas mở màn cho Giai điệu mùa thu 2012 đã được công diễn lần đầu vào tháng 5 năm nay. Vở ballet Carmen hay vở múa đương đại Những mảnh ghép của giấc mơ cũng đã được giới thiệu trong các chương trình của HBSO vài lần trước đó.
Phía tổ chức nhận định đây là những chương trình, tiết mục nhận được phản hồi tốt từ khán giả trong thời gian qua, cho thấy sức mạnh hiện tại của HBSO với lực lượng nghệ sĩ nòng cốt từng du học hoặc tu nghiệp tại nước ngoài trở về, nên nhân cơ hội này công diễn lại. Nhưng HBSO đã có đêm diễn định kỳ (ngày 9 hằng tháng) tại Nhà hát TP cùng một đêm diễn dành cho học sinh - sinh viên tại những điểm diễn lưu động vào ngày 29 mỗi tháng nên việc diễn lại những chương trình thành công cũng không quá khó.
Tận dụng các đêm diễn của Giai điệu mùa thu - vốn là nơi giới thiệu và hội tụ những tài năng hàn lâm xa xứ - để giới thiệu lại các tiết mục hay của HBSO dù vì lý do gì cũng là làm nhạt đi một tên gọi: Giai điệu mùa thu - một “thương hiệu” đẹp đã được thành phố gìn giữ từ năm 2005. Nuôi dưỡng thương hiệu ấy cần sự nỗ lực không chỉ của HBSO.
* Ngày 17-8: nhạc kịch Dido và Aeneas của nhà soạn nhạc người Anh thế kỷ 17 Henry Purcell do các nghệ sĩ của HBSO biểu diễn, với sự tham gia và dàn dựng của các nghệ sĩ Na Uy như: nhạc trưởng Lars Notto Birkeland, nghệ sĩ đàn harp Christian Kjos và nghệ sĩ cello Jaroslav Havel. * Ngày 18-8: múa ballet Carmen và múa đương đại Những mảnh ghép của giấc mơ do đoàn vũ kịch của HBSO biểu diễn. * Ngày 19-8: hòa nhạc giao hưởng với tác phẩm quen thuộc Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương), tác phẩm Lạc trong mơ (Nguyễn Mạnh Duy Linh) cho vibraphone và dàn nhạc dây, Concerto cho violin, oboe và dàn nhạc dây của GS-NSND Hoàng Cương viết riêng cho con gái Hoàng Linh Chi và con rể Pau Rodriguez. Phần hai nhiều “kịch tính” với các trích đoạn nhạc phim nổi tiếng thế giới: Bố già, Blue tango, Bản năng gốc, James Bond, Titanic... qua phần chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Giá vé: 500.000, 300.000, 250.000 và 100.000 đồng (học sinh - sinh viên). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận