Diễn viên Hoàng Yến Chibi (phải) nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc và diễn viên Kiều Trinh nhận thay Liên Bỉnh Phát giải Nam diễn viên xuất sắc hạng mục phim truyện điện ảnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cánh diều là giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, nên chủ trương đề cao sáng tạo trong nghệ thuật làm phim. Về lý thuyết, phim nào có tay nghề cao sẽ giành Cánh diều vàng, Cánh diều bạc. Nhưng thực tế thì muôn vẻ.
Song Lang trượt giải vàng trong tiếc nuối
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Chàng vợ của em và Song Lang - hai ứng viên sáng giá cho giải Cánh diều vàng Phim xuất sắc - đã khiến ban giám khảo tranh luận rất nhiều. Ban đầu Song Lang có số lượng người ủng hộ cao hơn, nhưng sau khi phân tích, ban giám khảo đã thống nhất trao Cánh diều vàng cho Chàng vợ của em.
Không thể phủ nhận kịch bản Chàng vợ của em rất tốt, dẫu chuyển thể từ tiểu thuyết nước ngoài vẫn có chút sáng tạo riêng. Tay nghề của đạo diễn Charlie Nguyễn trong phim này thực sự nổi trội. Còn Song Lang đã kể câu chuyện đầy cảm xúc về thân phận con người, số phận của bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương bằng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính thẩm mỹ. Chỉ mới ra mắt một phim truyện dài, Leon Quang Lê đã chứng tỏ anh là một đạo diễn đáng nể và đáng được chờ đợi.
Nếu để so sánh, kịch bản Chàng vợ của em vẫn dựa trên nền tảng của nước ngoài, việc trao Cánh diều vàng cho phim là hơi "hào phóng". Trong khi đó, Song Lang với kịch bản gốc do tác giả Việt viết, là bộ phim hiếm hoi dung hòa được cả yếu tố giải trí - nghệ thuật lại chỉ được xếp giải bạc.
Nhiều giám khảo tiếc cho Song Lang đã đề nghị nếu trao giải bạc thì tuyệt đối không cho phim nào khác được đồng giải bạc nữa, để bày tỏ sự trọng thị với công sức nghề nghiệp của đạo diễn trẻ.
Nhưng dẫu sao, kết quả nói trên còn tạm chấp nhận được. Tới giải Bằng khen của ban giám khảo, Cánh diều lộ rõ sự dễ dãi. Giải này được trao liền một lúc cho 4 phim, trong đó có Siêu sao siêu ngố - một bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhưng chỉ đậm chất giải trí, và 11 niềm hi vọng - một bộ phim thể thao từng bị báo chí gọi là "11 niềm thất vọng".
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, 11 niềm hi vọng sở dĩ được trao giải vì đã chọn đề tài khơi dậy niềm tự hào về thể thao, niềm tự hào dân tộc?! Vấn đề là bộ phim hoàn toàn thất bại trong việc khơi dậy niềm tự hào đó. Khi phóng viên hỏi, một giám khảo Cánh diều ngán ngẩm: "Ừ thì đấy, 9 giám khảo là 9 niềm hi vọng khác nhau, khó nói lắm".
Khó hiểu hơn nữa khi kịch bản Siêu sao siêu ngố đã đem về cho đạo diễn Đức Thịnh giải Biên kịch xuất sắc. Trong khi đó, một kịch bản tốt như Song Lang thì trắng tay. Cánh diều luôn luôn có những lựa chọn khó hiểu như vậy!
Phim truyền hình "nóng" đến phút chót
Với giải Cánh diều lần này, ban giám khảo hạng mục phim truyền hình vất vả hơn nhiều so với ban giám khảo hạng mục phim điện ảnh. Vào sáng 12-4, trước giờ trao giải, họ vẫn bị triệu tập họp để bàn thảo nên chọn Quỳnh búp bê (do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam sản xuất) hay Bên kia sông (Hãng phim truyền hình TP.HCM) cho giải Cánh diều vàng.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Quỳnh búp bê nhỉnh hơn Bên kia sông chưa tới một điểm, theo quy chế sẽ đoạt Cánh diều vàng. Sau đó, ban giám khảo liên tục nhận sức ép phải chấm lại. Thậm chí bên gây sức ép còn lấy lý do Quỳnh búp bê có đề tài nhạy cảm nên hạ xuống Cánh diều bạc, để Bên kia sông đoạt Cánh diều vàng.
Tuy nhiên, ban giám khảo vẫn giữ vững quan điểm bộ phim được phép phát sóng tức là một bộ phim hợp pháp. Ngoài ra, Cánh diều là giải thưởng về nghề nghiệp, ban giám khảo chấm Quỳnh búp bê cao hơn vì nhận thấy tay nghề đạo diễn của bộ phim cao hơn Bên kia sông, chứ không phải vì lý do nào khác.
Trong buổi họp sáng 12-4, 100% thành viên ban giám khảo hạng mục phim truyền hình quyết định bảo vệ ý kiến của họ, không đồng ý hạ bộ phim này xuống Cánh diều bạc.
Kết quả Cánh diều vàng Phim truyền hình xuất sắc đã được chia đôi cho Quỳnh búp bê và Bên kia sông. Cách đồng giải kiểu vàng 24k ngang giá với vàng 18k này không còn hiếm ở Cánh diều.
Cánh diều là giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam luôn giương cao khẩu hiệu đề cao tính nghề nghiệp. Nhưng nhiều năm nay Cánh diều thường xuyên không chắc chắn về tiêu chí giải thưởng của mình.
Chỉ riêng việc ban tổ chức tuyên bố dù chất lượng phim có thế nào cũng phải có Cánh diều vàng để động viên anh em hội viên, hay không nên so sánh giải vàng của năm nay với giải vàng năm ngoái đã cho thấy sự thiếu xác tín của ban tổ chức với chất lượng giải thưởng.
Điều những người làm nghề điện ảnh chân chính cần là một giải thưởng minh bạch, đánh giá đúng giá trị tác phẩm, trao đúng cho tài năng, chứ không phải những giải thưởng khiến nhiều người vui nhưng sau rốt không có nhiều giá trị về mặt nghề nghiệp.
Và nếu đáp ứng được điều đó, những giải thưởng của hội làm nghề mới chạm đến sự quan tâm của khán giả - dù không phải lúc nào sự chọn lựa của ban giám khảo cũng tương đồng sự chọn lựa của số đông người xem...
Diễn viên Phương Anh Đào trong phim Chàng vợ của em - Ảnh đoàn phim cung cấp
Tối 12-4, lễ trao giải Cánh diều vàng 2019 - giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam - đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội, TP.HCM. Có vẻ như giải Cánh diều năm nay ít được nghệ sĩ quan tâm nên khán phòng vẫn còn một số ghế trống. Lễ trao giải diễn ra khá đơn giản và nghệ sĩ đoạt giải cũng chỉ đủ thời gian để gửi lời cảm ơn chứ không chia sẻ được nhiều.
Một số giải thưởng:
- Phim truyện điện ảnh: Cánh diều vàng: Chàng vợ của em. Cánh diều bạc: Song Lang. Bằng khen: 100 ngày bên em, Siêu sao siêu ngố, Nơi ta không thuộc về, 11 niềm hi vọng. Đạo diễn xuất sắc: Charlie Nguyễn (Chàng vợ của em). Biên kịch xuất sắc: Đức Thịnh (Siêu sao siêu ngố). Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc: Hoàng Yến Chibi (Tháng năm rực rỡ) và Liên Bỉnh Phát (Song Lang). Nam và Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Hoàng Phi (11 niềm hi vọng) và Thanh Trúc (Chàng vợ của em).
- Phim truyện truyền hình: Cánh diều vàng: Quỳnh búp bê, Bên kia sông. Cánh diều bạc: Tình khúc Bạch Dương. Bằng khen: Mộng phù hoa, Bản hùng ca bên sông, Dưới bầu trời xa cách. Đạo diễn xuất sắc: Khải Anh (Ngày ấy mình đã yêu). Biên kịch xuất sắc: Minh Diệu, Ngô Hoàng Giang (Bên kia sông). Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc: Nhan Phúc Vinh (Ngày ấy mình đã yêu) và Kim Tuyến (Mộng phù hoa). Nam và Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Bình An (Tình khúc Bạch Dương) và Phương Hằng (Gạo nếp gạo tẻ).
H.LÊ - N.DIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận