06/11/2012 00:50 GMT+7

Giải bài toán tăng lương

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Cuối cùng vụ việc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) “quên” nộp ngân sách hơn 21.000 tỉ đồng liên quan đến khoản tiền lãi của nước chủ nhà đã ngã ngũ sau khi Thủ tướng Chính phủ buộc tập đoàn này phải nộp lại 50% số tiền trên vào ngân sách.

Nếu cộng với khoản tiền phạt về hành vi trên (khoảng 500 tỉ đồng) thì ngân sách đã có thêm xấp xỉ 12.000 tỉ đồng, một con số không nhỏ trong bối cảnh nguồn thu năm nay đang bị teo tóp do tình hình kinh tế khó khăn. Từ vụ việc này, câu hỏi đặt ra là ngoài PVN, liệu còn bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng “quên” nộp ngân sách, “quên” nộp thuế tương tự như vậy?

Trả lời báo chí tại buổi họp vào đầu tháng 7-2012, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang nắm giữ khoảng 653.000 tỉ đồng vốn nhà nước. Trong đó có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đang khai thác, kinh doanh ở những lĩnh vực cho siêu lợi nhuận hoặc độc quyền như dầu khí, khoáng sản, viễn thông, điện, xăng dầu... Thế nhưng lâu nay việc sử dụng nguồn vốn khổng lồ này hiệu quả đến đâu? Lợi nhuận hằng năm mang lại cho đơn vị chủ sở hữu là Nhà nước (nộp ngân sách) như thế nào không hề rõ ràng, minh bạch... Cũng tại buổi họp báo, vị lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận cơ chế quản lý tài chính, quản lý kinh doanh đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua là “chưa thống nhất, thiếu hiệu quả”.

Sự thiếu chặt chẽ này không chỉ dẫn đến nguy cơ thất thoát vốn, tài sản nhà nước mà còn gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đơn cử nếu khoản 21.000 tỉ đồng của PVN không bị Bộ Tài chính phát hiện và Thủ tướng Chính phủ buộc phải nộp vào ngân sách 50% thì chỉ cần vài năm nữa khoản tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” sẽ cho ra con số “khủng” hơn nữa. Trong khi đó với các doanh nghiệp tư nhân, hiện để có một khoản vốn đầu tư sản xuất vài tỉ đồng, chắc chắn phải chạy ngược xuôi mới tìm được ngân hàng gật đầu và lãi suất cũng không dưới 14-15%/năm. Đây chính là điều bất hợp lý làm triệt tiêu áp lực cạnh tranh, đổi mới sản xuất tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vì tư tưởng “đâu cần làm vẫn có ăn”, thậm chí “ăn đậm”...

Do vậy, trong khi chờ đẩy nhanh việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh việc thanh tra, kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng cường rà soát nhiều hơn nữa về việc quản lý tài chính tại các đơn vị này. Đặt ra câu chuyện của PVN để cho thấy chỉ qua hai đợt rà soát của Bộ Tài chính và các cơ quan trực thuộc đã lòi ra con số như vậy, nếu cơ quan này quyết liệt làm thường xuyên hơn nữa ở các đơn vị khác, có lẽ nguồn thu ngân sách không chỉ dừng lại ở mức tăng bổ sung 12.000 tỉ đồng từ PVN. Và nếu làm tốt, đây chính là một nguồn bổ sung không nhỏ cho vấn đề thu ngân sách, góp phần giải quyết bài toán không tăng lương tối thiểu trong năm 2013 do “không bố trí được nguồn”.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên