![]() |
Đó là Phan Bảo Ngọc, 32 tuổi, giảng viên khoa vật lý Đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Paris (Pháp), anh hiện đang nghiên cứu tại Viện Thiên văn và thiên văn vật lý ở Đài Bắc (Đài Loan). Giữa tháng 12-2007, Hiệp hội Thiên văn Mỹ đã trao giải thưởng nghiên cứu quốc tế Chretien năm 2007 cho nghiên cứu quan sát các ngôi sao lùn nâu của anh.
Phan Bảo Ngọc sinh ra tại Nam Định, khi lên 8 tuổi thì được bố mẹ đưa vào Huế. Yêu thích khám phá những điều mới mẻ trong khoa học, anh học chuyên lý từ thời phổ thông. Rất thích ra Hà Nội hoặc vào TP.HCM học đại học, nhưng do gia đình nghèo, anh ở lại Huế và theo học khoa vật lý của Trường đại học Sư phạm Huế.
Đam mê quan trọng hơn tiền bạc
![]() |
Hình minh họa một ngôi sao lùn nâu |
Bước ngoặt của cuộc đời Phan Bảo Ngọc diễn ra khi anh được gặp giáo sư Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn nổi tiếng người Pháp gốc Việt, khi ông về VN giảng dạy. Đôi mắt xanh của vị giáo sư kỳ cựu nhanh chóng nhận ra khát vọng và khả năng tiềm ẩn trong con người Phan Bảo Ngọc. Ông khuyến khích anh dấn thân vào con đường thiên văn học. Được sự hỗ trợ của giáo sư Riệu, anh khăn gói sang Paris học ngành thiên văn. Đến năm 2002, anh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ trước một hội đồng gồm toàn các chuyên gia tầm cỡ về sao lùn nâu đến từ Mỹ, Pháp, Đức.
Săn lùng những ngôi sao tối
![]() |
Thành công từ việc “vạch mặt” các ngôi sao lùn nâu đã đem lại cho tiến sĩ Phan Bảo Ngọc giải thưởng nghiên cứu quốc tế Chretien năm 2007 trị giá 20.000 USD. Năm 1992, nhà khoa học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng là giáo sư Trịnh Xuân Thuận cũng đã giành được giải thưởng này. Ngoài giải Chretien, năm 2006-2007, nhóm nghiên cứu của Phan Bảo Ngọc còn được hai đại học Mỹ là University of Florida và Central Florida hỗ trợ 170.000 USD. |
Ánh sáng phát ra từ những ngôi sao này rất yếu ớt, do đó các kính thiên văn rất khó quan sát được chúng. Khám phá và xác định mật độ không gian của sao lùn nâu trong dải Ngân hà một cách có hệ thống lại càng khó khăn gấp bội, bởi hầu như không thể phân biệt được chúng với hàng tỉ vật thể thiên văn khác.
Đầu năm 2006, Phan Bảo Ngọc cùng các cộng sự sử dụng một phương pháp quan sát mới có tên “Chuyển động riêng rút gọn cực đại” (Maximum Reduced Proper Motion) còn rất mới mẻ để truy lùng những ngôi sao giấu mặt đó. Cho đến nay, anh và các cộng sự đã khám phá thêm 80% số lượng sao lùn nâu trong dải Ngân hà. Nhờ khám phá này, lần đầu tiên các nhà khoa học có thể xác định chính xác mật độ không gian của sao lùn nâu.
Hiện tại, Phan Bảo Ngọc đang theo đuổi nhiều dự án thiên văn lớn. Anh chủ trì dự án đo và nghiên cứu hình dạng từ trường của các ngôi sao lùn đỏ, sử dụng máy đo phổ phân cực mạnh nhất thế giới. Anh cũng đang cộng tác với giáo sư nổi tiếng Eduardo Martin trong dự án tìm kiếm các hành tinh xoay quanh các ngôi sao lùn đỏ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Từng nghiên cứu tại Đại học Central Florida (Mỹ) vào năm 2006 và hoàn toàn có cơ hội ở lại Mỹ, nhưng Phan Bảo Ngọc lại quyết định chọn Đài Bắc để tiếp tục sự nghiệp. Nguyên nhân đơn giản là “vì Đài Bắc gần VN hơn nhiều so với Florida”. Nhờ ở gần nên anh vẫn thường xuyên về VN, để được thăm gia đình, trò chuyện với bạn bè thân hữu, được đi dạo trên những con đường quen thuộc ở Huế. “Ở Mỹ thì điều kiện nghiên cứu tốt hơn nhiều, nhưng công việc cũng chỉ là một phần, quê hương và gia đình quan trọng hơn tất cả” - anh tâm sự. Phan Bảo Ngọc hiện đã lập gia đình và có một cô con gái nhỏ, vợ anh đang làm giảng viên dạy tiếng Hàn ở Trường đại học Hồng Bàng
(TP.HCM). Do đặc thù công việc của anh nên thời gian vợ chồng ở xa nhau nhiều hơn là gần. Tuy vậy, chị cũng rất hiểu và thông cảm với đam mê nghề nghiệp và những giấc mơ trẻ thơ của anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận