Giấc mơ Harvard và thách thức với sinh viên Việt

NGUYỄN NAM (TS Harvard, giảng viên Trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG TP.HCM)
NGUYỄN NAM (TS Harvard, giảng viên Trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG TP.HCM)

TTO - Trả lời câu hỏi của sinh viên Việt Nam, GS. Drew G. Faust hiệu trưởng Đại học Harvard, khẳng định sinh viên Việt Nam nhập học ở Harvard sẽ được xem xét bình đẳng với sinh viên Mỹ về cơ hội hỗ trợ tài chính.

Sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chào đón giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng trường đại học Harvard tới nói chuyện tại trường - Ảnh: THUẬN THẮNG
Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM chào đón Giáo sư Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng ĐH Harvard đến nói chuyện tại trường ngày 23-3 - Ảnh: THUẬN THẮNG

Một trong những câu hỏi mà GS Faust nhận được khi đến nói chuyện ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG TP.HCM là: “Liệu chuyến thăm này có mở ra cơ hội cho sinh viên Việt Nam về học bổng vào ĐH Harvard không?”

Câu hỏi này thể hiện khát vọng vươn đến tầm cao tri thức của những người trẻ tuổi ở một đất nước đang phát triển với khó khăn nhiều bề, bao gồm cả kinh tế - xã hội.  

Harvard và chuyện “đầu tiên”

Đây là một băn khoăn chính đáng bởi lẽ học phí và chi phí sinh hoạt một năm ở đại học tư hàng đầu thế giới này ước tính khoảng từ $66,900 - $72,100 (năm học 2016-2017). 

Mức phí này cao hơn nhiều so với mức bình quân khoảng $45,370 mà sinh viên phải trả khi theo học ở một đại học tư, phi lợi nhuận ở Mỹ. 

Các chương trình sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) tại Harvard có mức phí khoảng dưới $60,000/năm.  So với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng hơn $2,200 trong năm 2016, những mức phí của Harvard thật quá xa tầm tay của đại đa số người Việt. 

Do vậy, kỳ vọng vào học bổng là một giải pháp thực tiễn tất yếu.        

Trả lời câu hỏi này, hiệu trưởng Faust cho biết bà mong muốn sinh viên Việt Nam nghĩ đến Harvard khi muốn du học cả ở cấp đại học và sau đại học. 

Theo Gs. Faust, “sinh viên Việt Nam nhập học ở Harvard sẽ được xem xét bình đẳng với sinh viên Mỹ về cơ hội hỗ trợ tài chính, không phân biệt sinh viên nước ngoài hay sinh viên Mỹ”.

Để hiểu rõ hơn về lời đáp này, cần biết thêm về chính sách hỗ trợ tài chính của Harvard. 

Chính sách hỗ trợ tài chính của nhà trường nêu rõ: "Do chúng tôi tìm kiếm những sinh viên xuất sắc nhất mà không quan tâm đến khả năng chi trả của họ, chúng tôi cam kết đáp ứng 100% nhu cầu tài chính đã được chứng minh trong bốn năm. Sinh viên quốc tế nhận được chính xác khoản hỗ trợ tài chính như sinh viên Mỹ.”

Trên cơ sở này, dựa trên năng lực và thành tích học tập, nếu được xét tuyển, 20% phụ huynh của sinh viên đại học có thu nhập hàng năm dưới $65,000 nhờ vào hỗ trợ tài chính sẽ không phải trả một khoản phí nào.

Với nghiên cứu sinh của các chương trình tiến sĩ, Harvard có học bổng toàn phần cho 5 năm; học viên cao học có thể nhận được một phần hỗ trợ tài chính, và sẽ phải tự chi trả phần còn lại từ ngân sách cá nhân hay các nguồn học bổng khác. 

Như vậy, tài chính không thực sự là vấn đề với những sinh viên ưu tú muốn được vào học tại ngôi trường hàng đầu này.         

Năng lực và thực học

Câu hỏi về cơ hội học bổng liên quan mật thiết đến thực học của sinh viên.  Nói đến thực học tức là nói đến khoa học. Khoa học phải hướng đến khách quan, và học thuật là bình đẳng. Nói cách khác, không có ưu đãi hay ưu tiên nào trong khoa học, mà chỉ có bình đẳng học thuật. 

Câu trả lời của GS Faust là sự đề cao vị trí của sinh viên của một nước đang phát triển như Việt Nam khi đặt họ ngang hàng với sinh viên của một nước phát triển hàng đầu như Mỹ. 

Lời đáp của GS. Faust cũng là lời động viên không chỉ cho sinh viên mà cho các thầy cô đại học Việt Nam. 

Là nguồn cảm hứng, đào tạo chuyên môn, góp phần định hướng khoa học cho sinh viên, người thầy đại học phải liên tục làm mới bản thân qua nghiên cứu và cập nhật kiến thức để có thể giúp sinh viên nhanh chóng nắm bắt tri thức mới, rút ngắn khoảng cách giữa mình và thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 

Chỉ với những cố gắng của cả thầy lẫn trò và cả hệ thống giáo dục mới có thể đưa được giấc mơ Harvard đến gần tầm tay hơn.   

Việt Nam là chặng đến thứ hai của của GS. Faust trong chuyến công du châu Á nhằm thúc đẩy ảnh hưởng toàn cầu của Harvard. 

Ở chặng đầu tiên trong chuyến công du, GS Faust đã đến Đại học Quốc gia Singapore và có buổi tiếp xúc với khoảng 400 cựu sinh viên Harvard.  Trong chuyến thăm Việt Nam, bà cho biết hiện nay có 16 sinh viên Việt đang học tại đây. 

Không phải học sinh, sinh viên Mỹ nào cũng mạnh dạn ghi tên Harvard trong hồ sơ xin học của họ. Harvard là giấc mơ đỉnh cao với không ít thách thức đòi hỏi những nỗ lực lớn. 

Số lượng sinh viên Việt Nam ở Harvard tuy còn ít, nhưng đó là bằng chứng của những cố gắng vượt bực để biến ước mơ thành hiện thực. 

Chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có số cựu sinh viên Harvard ngang bằng con số của Singapore hiện nay. 

Nhưng để làm được điều ấy, cần nhận thấy được chúng ta đang ở đâu và phải cố gắng như thế nào để nuôi dưỡng và thực hiện hy vọng đó.

NGUYỄN NAM (TS Harvard, giảng viên Trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên