Nhiều người mua vàng hôm nay (ảnh chụp tại Công ty SJC) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
So với mức đáy sáng nay, giá vàng thế giới đã tăng 34 USD/ounce (khoảng 942.000 đồng/lượng). Giá bán vàng miếng tại Công ty SJC cũng từ mức đáy 67,3 triệu đồng/lượng bật tăng 2,3 triệu đồng/lượng, lên 69,6 triệu đồng/lượng. Giá mua vào vàng miếng SJC cũng tăng lên 67,8 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty PNJ, giá mua vàng miếng thấp hơn, ở mức 67,6 triệu đồng/lượng.
Tại các tiệm vàng, "gió cũng đổi chiều" khi giá bán vàng miếng được nâng lên ngang bằng với giá bán tại Công ty SJC nhưng giá mua vào vọt lên đến 68,3 triệu đồng/lượng, cao hơn đến nửa triệu đồng/lượng so với giá mua tại Công ty SJC.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, sở dĩ có hiện tượng trên là do hôm nay trên thị trường xuất hiện lực mua của một số người đã chốt lời được vàng với mức giá đỉnh hôm 8-3. Do vậy các tiệm vàng nâng giá mua vào, thu hẹp chênh lệch giá mua - bán chỉ còn 1,3 triệu đồng/lượng, trong khi những ngày trước luôn giữ chênh lệch ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến của giá vàng trong nước hôm nay, nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc liệu giá vàng có giảm về ngưỡng 62 - 65 triệu đồng/lượng hay sẽ tăng trở lại mức đỉnh cũ. Liệu có nên mua bắt đáy lúc này?
Một số người mạo hiểm bắt đáy vàng khi giá giảm mạnh so với mức đỉnh - Video: NGỌC PHƯỢNG
Theo các chuyên gia, căng thẳng Nga - Ukraine còn diễn tiến thế nào là điều không ai có thể dự báo được vì nó không nằm trong yếu tố kinh tế. Trong khi đó việc tăng giảm của vàng lại phụ thuộc hoàn toàn vào bất ổn Nga - Ukraine nên giá vàng có thể đi lên nhưng cũng có thể lao dốc ngay ngày mai khi hai bên đạt được thỏa thuận.
Ngoài rủi ro không thể đoán định, người mua vàng trong nước còn chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, lên đến gần 14 triệu đồng/lượng và khoảng cách quá xa giữa giá mua - bán. Do vậy người mua vàng nên cân nhắc xem mình có thể chịu được rủi ro không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận