Giá vàng thế giới cũng vọt lên mức cao nhất: 1.715 USD/ounce.
Phóng to |
Sáng 8-8, Hà Nội mưa rất to, nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua vàng (ảnh chụp tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu) - Ảnh: HẢI HỒ |
Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng tăng đột biến là do ảnh hưởng giá thế giới, đồng thời nguồn cầu trong nước lớn hơn cung đã buộc các công ty vàng phải nâng giá lên để giữ quỹ vàng.
Thay giá liên tục
30 Đó là số lần điều chỉnh giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trong ngày 8-8 tính đến 15g. |
Thời điểm mở cửa, giá vàng trong nước bán ra 42,8 triệu đồng/lượng nhưng chỉ mười phút sau, qua hai lần điều chỉnh, giá vàng đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng. Đến 9g09 giá vàng cán mức 44,2 triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới hầu như không biến động so với thời điểm mở cửa. So với giá vàng thế giới cùng thời điểm này, giá vàng trong nước cao hơn gần 2 triệu đồng/lượng. Đến 10g, giá vàng giảm 1 triệu đồng/lượng, trở về xuất phát điểm đầu ngày là 42,8 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên ngay sau đó giá vàng trong nước lại bắt đầu đợt sốt thứ hai khi giá vàng thế giới phi thẳng qua mốc 1.700 USD/ounce và đạt đỉnh 1.715 USD/ounce lúc 14g. Đến 15g, giá vàng bán ra còn 43,9 triệu đồng/lượng.
Phóng to |
Diễn biến giá vàng trong nước và thế giới ngày 8-8 - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Vét vàng ra bán
Hà Nội: khách mua nhiều hơn bán Theo ông Hoàng Hữu Định - phụ trách kinh doanh của Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, lượng khách đến giao dịch ngày 8-8 tăng hơn so với những ngày trước đó, trong đó 80-85% là khách đến mua. Dù giá tăng cao nhưng xu hướng mua vẫn chiếm ưu thế do nhiều khách hàng kỳ vọng giá còn lên tiếp. Anh Đỗ Ngọc Tú (Định Công, Hà Nội) - một khách hàng mua vàng ở cửa hàng Phú Quý - nói: “Thời điểm giá ở mức 37-38 triệu đồng/lượng, tôi đã định mua nhưng vì lúc đó chưa rút được tiền trong ngân hàng nên phải lùi thời gian mua vàng tới thời điểm này”. |
Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh vàng Công ty SJC, cho biết lực mua tập trung vào đầu giờ sáng sau khi giá vàng vượt qua mốc 43 triệu đồng/lượng. Nhiều người dân sau một thời gian án binh bất động đã quyết định mua vào, tùy theo khả năng có người mua một vài lượng, có người mua 5-10 lượng hoặc vài chục lượng.
“Trong buổi sáng, SJC phải vét kho bán ra 3.500 lượng trong khi số mua vào chỉ 500 lượng. Biết rằng bán ra là lỗ vì không thể mua cân đối nhưng không thể không bán ra” - ông Tường nói. Không chỉ các đại lý tại TP.HCM mà ở các tỉnh, các đại lý cũng liên tục điện thoại về.
Tuy nhiên mua mạnh nhất là các ngân hàng nhằm xử lý các khoản đã cho vay trước đây. Lý do: khi vay, số tài sản thế chấp của khách hàng chỉ đủ đảm bảo cho khoản vay theo giá vàng hơn 35 triệu đồng, nay đã tăng lên trên 44 triệu đồng. Một số ngân hàng linh hoạt quy đổi khoản vay từ vàng sang VND cho khách hàng do giá vàng đã ở vào mức quá rủi ro. Không ít khách hàng buộc phải chấp nhận chuyển khoản vay vàng sang VND khi khoản vay lớn lên từng phút.
Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho biết do nguồn cung vàng hạn chế nên công ty chỉ dành để bán lẻ cho khách hàng. Trong buổi sáng 8-8, hệ thống Công ty PNJ đã bán ra khoảng 1.100 lượng, trong đó hơn một nửa bán ra tại thị trường Hà Nội.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau ít giờ mua bán sôi động vào buổi sáng, từ 11g trưa giao dịch trên thị trường nguội dần. Tại nhiều tiệm vàng trên đường Nguyễn An Ninh, Lê Thánh Tôn (quận 1) hầu như không thấy người mua. Chủ một tiệm vàng cho biết nhiều trường hợp chỉ đến hỏi giá rồi về.
Chủ tiệm vàng này cho biết giao dịch chỉ sôi động vào buổi sáng khi giá vàng ở mức 43-44 triệu đồng/lượng. Cũng có trường hợp hối hận vì đã mua vàng giá cao. Bà Dung, khách hàng tại một tiệm vàng trên đường Nguyễn An Ninh (quận 1),cho biết đã mua 1 lượng vàng khi giá ở 44 triệu đồng/lượng, trong ngày dù giá vàng lên đến 44,4 triệu đồng/lượng nhưng bà vẫn chưa thể thu hồi vốn do chênh lệch giữa giá mua - bán quá lớn.
Vàng có bị làm giá?
Giải thích nguyên nhân giá vàng nóng lạnh của thị trường vàng trong ngày 8-8, ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng có nguyên nhân từ việc giá vàng thế giới tăng ngoài dự kiến. Trong khi đó do các doanh nghiệp trong nước đã tập trung xuất khẩu từ tháng 5 đến tháng 7 nên cầu lớn hơn cung buộc các công ty vàng phải nâng giá lên để giữ quỹ vàng. “Nguyên tắc của giới kinh doanh là phải cân đối số bán ra, tuy nhiên trong ngày 8-8 doanh nghiệp chỉ bán ra mà không thể mua vào với giá đã bán ra buộc phải nâng giá lên” - ông nói.
Trong khi đó theo giám đốc một công ty vàng, ngoài yếu tố khan hàng, giá vàng còn bị đẩy lên do yếu tố tâm lý. Theo vị giám đốc này, giá vàng hiện nay chỉ là giá ảo vì khi giá vàng tại các công ty lớn bị đẩy lên, các doanh nghiệp khác cũng phải tăng theo để đảm bảo an toàn hệ thống. Giá vàng biến động mạnh trong ngày 8-8 phần nhiều do các ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng còn các khoản cho vay cũ chưa đáo hạn, có khoản vay đến mười mấy nghìn lượng. Với đà tăng của giá vàng trong nước như sáng 8-8, nếu không kịp bổ sung tài sản đảm bảo đều bị “cháy” tài khoản.
Ông Vũ Huy Nhân, phó giám đốc khối kinh doanh tiền tệ và thanh toán quốc tế Ngân hàng Đại Tín, cho biết việc giá vàng bị đẩy lên cao là do cộng hưởng nhiều yếu tố: giá vàng thế giới lên cao, người vay phải chấp nhận mua bằng mọi giá để tất toán khoản vay cho ngân hàng, nguồn cung vàng khan hiếm và tỉ giá tăng.
Trong ngày 8-8, tỉ giá niêm yết tại Eximbank đã tăng từ mức 20.750 đồng/USD thời điểm mở cửa lên 20.810 đồng/USD vào cuối ngày. Giá USD bán ra tại thị trường tự do đã tiệm cận 20.900 đồng/USD - mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Theo các chuyên gia, chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới quá hấp dẫn cho hoạt động nhập lậu. Từ cuối tuần đến nay giới kinh doanh đang tăng cường gom USD để nhập vàng, kéo giá USD trong nước tăng gần 300 đồng/USD.
Thạc sĩ Đinh Thế Hiển (giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng): Không ảnh hưởng nhiều trong dài hạn Những biến động của tình hình kinh tế thế giới trong những ngày gần đây, đặc biệt là tác động của tình trạng nợ công ở Mỹ, châu Âu... không ảnh hưởng nhiều đến VN cả về kinh tế xuất nhập khẩu, tài chính... trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ bị tác động lên yếu tố tâm lý. Khủng hoảng tài chính tại Mỹ khiến giới đầu tư chuyển sang vàng, đẩy giá vàng thế giới lên cao, ngày 8-8 đã lên trên 1.700 USD/ounce. Giá vàng VN chắc chắn sẽ biến động theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, cộng hưởng với nguyên nhân trong tháng 6, tháng 7 vừa qua chúng ta đã xuất khẩu nhiều vàng nên mới có tình trạng khan vàng cục bộ. Hơn nữa, tâm lý lo ngại kinh tế bất ổn đã đẩy giá vàng trong nước tăng cao hơn giá thế giới, có thời điểm giá trong nước cao hơn giá thế giới gần 2 triệu đồng/lượng. Trong thời điểm này, nếu có thể mạnh dạn nhập vàng về, nguồn bán cho dân dồi dào thì tâm lý cần mua vàng, dồn vốn vào kênh này sẽ giảm bớt. Thế giới đổ xô vào vàng Thị trường thế giới điên đảo sau cơn chấn động từ Mỹ. Giá vàng tăng kỷ lục trong khi giá đồng USD, dầu mỏ và chứng khoán châu Á tiếp tục tuột dốc không phanh. Theo Reuters, giá vàng thế giới hôm qua 8-8 đã lập kỷ lục mới, đạt mức 1.715 USD/ounce. “Việc Standard & Poor’s hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ càng khiến giới đầu tư không dám ôm đồng USD mà đổ xô vào vàng để tìm kiếm sự an toàn” - một nhà phân tích Ngân hàng American Merrill Lynch cho biết. Trong tháng 7-2011, giới đầu tư mua vàng nhiều hơn tổng cộng sáu tháng trước cộng lại và giá vàng đã tăng đến 20% kể từ đầu năm đến nay. Tại hai thị trường vàng lớn của thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, làn sóng mua vàng đẩy giá tăng 2,2-3,7% lên mức cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ vàng, giới đầu tư cũng gửi gắm sự an toàn của mình vào trái phiếu, đồng franc Thụy Sĩ hay yen Nhật. Hãng Bloomberg dự đoán cơn sốt vàng cũng sẽ sớm tràn ngập thị trường Mỹ và châu Âu trong thời gian tới. Các chuyên gia dự báo giá vàng có thể tiếp tục tăng lên tới 1.800 USD, thậm chí 2.000 USD/ounce nếu giới đầu tư không an tâm với cam kết của nhóm G-7 và các chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. “Chúng tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011 bởi tỉ lệ lãi suất rất thấp ở Mỹ hiện nay” - Ngân hàng Goldman Sachs nhận định. Dầu thô, chứng khoán tuột dốc. VN-Index còn 396 điểm Theo Reuters, dầu giao tháng 9 trên thị trường New York sáng 8-8 giảm 3,27 USD xuống chỉ còn 83,6 USD/thùng. Tại London (Anh), dầu Brent giảm 2,46 USD xuống còn 106,9 USD/thùng. Truyền thông Mỹ dự báo giá xăng trung bình 3,75 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) sẽ giảm 35 cent trong những ngày tới. Bất chấp cam kết của lãnh đạo những nền kinh tế G-7, thị trường chứng khoán châu Á mở cửa hôm 8-8 tràn ngập màu đỏ. AFP cho biết chỉ số châu Á - Thái Bình Dương MSCI Asia Pacific mất 2,9% giá trị trên sàn Tokyo, Nhật lúc 15g21 chiều 8-8 (giờ địa phương). Các chỉ số chứng khoán như Nikkei (Nhật), Hang Seng (Hong Kong), Kospi (Hàn Quốc) đồng loạt rớt từ 2,2 -4%. Tại hai rốn khủng hoảng là Mỹ và châu Âu dường như không có gì kềm được làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Sàn New York (Mỹ) chứng kiến sự rớt giá từ 2,5-2,7% của hàng loạt cổ phiếu, trong đó Standard & Poor’s 500 mất 2,5%. * Chứng khoán VN ngày 8-8 hòa cùng xu hướng đi xuống của các thị trường chứng khoán châu Á đã giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index mất 4,47 điểm (tương đương 1,12%), đóng cửa ở mức 396,41 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục ảm đạm với tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt chưa tới 20 triệu chứng khoán và giá trị giao dịch đạt hơn 338 tỉ đồng. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index phiên này cũng giảm 1,22 điểm (tương đương 1,78%), đóng cửa ở mức 67,23 điểm. Sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng Đó là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước trong thông cáo phát đi tối 8-8. Ngân hàng Nhà nước cho biết diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước ngày 8-8 có yếu tố đầu cơ, làm giá, gây tâm lý bất ổn. Việc mua vàng trong thời gian này chứa đựng nhiều rủi ro cho những người nắm giữ vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định theo dõi sát tình hình và sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường, chống đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân. Chính sách nhất quán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ổn định giá trị đồng Việt Nam. Kinh tế thế giới: đối mặt với suy thoái mới Sau khi Hãng Standard & Poor’s (S&P) hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ, giới chuyên gia tài chính lo ngại cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ - châu Âu và tình trạng tăng trưởng yếu có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới. Trên báo Financial Times, nhà kinh tế Nouriel Roubini - người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - chỉ trích việc S&P hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ trong thời điểm thị trường đang biến động mạnh đã làm tăng nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái. Ông Roubini dự báo có hơn 50% khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Summers cũng ra cảnh báo tương tự. Nền kinh tế Mỹ hiện đang trong tình trạng suy yếu trầm trọng: tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2011 dưới 1%, tỉ lệ thất nghiệp 9,1%, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng cao. Việc hạ định mức tín nhiệm nợ càng khiến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ suy giảm mạnh. Các chuyên gia Mỹ cho biết một cuộc suy thoái mới có thể còn gây ra nhiều tổn thất hơn so với cuộc suy thoái tháng 12-2007. Nguyên nhân là do mọi yếu tố kinh tế chủ chốt của Mỹ, từ thị trường lao động, thu nhập trung bình, sản xuất công nghiệp... đều yếu kém hơn rất nhiều so với thời kỳ trước tháng 12-2007. “Sẽ là một thảm họa nếu chúng ta rơi vào suy thoái trong thời điểm này, bởi chúng ta vẫn chưa phục hồi sau cuộc suy thoái cũ” - báo New York Times dẫn lời nhà kinh tế Conrad DeQadros thuộc Hãng RDQ Economics. Một cuộc suy thoái mới ở Mỹ trong bối cảnh châu Âu đang chìm trong khủng hoảng nợ công sẽ làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế châu Á dựa chủ yếu vào xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. “Chúng ta vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu từ Mỹ và châu Âu - BBC dẫn lời chuyên gia Arjuna Mahendran thuộc Ngân hàng HSBC - Hai nền kinh tế này suy thoái sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, làm đổ cột trụ chống đỡ cho tăng trưởng của khu vực châu Á”. S&P cũng cảnh báo một cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ gây ảnh hưởng nặng nề hơn đối với châu Á so với lần trước. Theo S&P, nhìn chung các nền kinh tế châu Á vẫn mạnh khỏe nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước mạnh, khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nguồn vốn dồi dào... Tuy nhiên có một số nền kinh tế ngoại lệ là New Zealand, Nhật, Việt Nam và quần đảo Cook. Theo Reuters, mới đây các nước G-7 và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra cam kết đảm bảo ổn định thị trường tài chính nhằm hạn chế tác động của việc S&P hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ đối với thị trường quốc tế. ECB tuyên bố sẽ mua trái phiếu chính phủ các nền kinh tế thuộc khu vực sử dụng đồng euro. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường (giá cổ phiếu, giá dầu, giá đồng USD sụt giảm, giá vàng tăng cao) cho thấy giới đầu tư không thật sự an tâm với những lời trấn an của ECB, G-7 và G-20. Các nhà đầu tư vẫn đổ xô vào mua vàng như một kênh đầu tư an toàn trong thời điểm khủng hoảng hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận