10/11/2014 11:15 GMT+7

​Giả thương binh để hưởng chế độ

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk khẳng định có ít nhất bốn trường hợp hồ sơ giả trong 26 trường hợp đã bị tạm đình chỉ chế độ thương binh.

Ông Lê Hải Lý - trưởng phòng người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk - Ảnh: Hà Bình
Ông Lê Hải Lý - trưởng phòng người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk - Ảnh: Hà Bình

Ông Lê Hải Lý - trưởng phòng người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk - cho biết cơ quan này vừa có quyết định tạm đình chỉ trợ cấp hằng tháng chế độ thương binh từ ngày 1-10 với 26 trường hợp “để cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh vì hồ sơ có dấu hiệu sai phạm”.

Trong 26 trường hợp tạm đình chỉ chế độ thương binh, ông Nguyễn Tấn Lược - chuyên viên phòng người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk - khẳng định cơ quan chức năng xác định chắc chắn bốn trường hợp hồ sơ giả.

“Những hồ sơ còn lại cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra. Hồ sơ giả sẽ bị truy thu số tiền đã nhận trợ cấp và bị truy tố trước pháp luật” - ông Lược nói.

“Mua” thương binh giá 40 triệu đồng

Ông Lý cũng cho biết thêm trong hai năm 2012-2013, sở này đình chỉ 47 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh để nhận trợ cấp hằng tháng.

Những “thương binh” này đều thừa nhận hồ sơ của mình là giả, trong đó có sáu người thừa nhận chưa từng đi bộ đội một ngày nào.

Đơn cử là bà T.T.Q. (52 tuổi, ở Buôn Kniếc, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thừa nhận “không tham gia đi bộ đội, không đi thanh niên xung phong”. Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, bà Q. khai có quen với bà H. (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Bà H. gợi ý bà Q. làm giả hồ sơ thương binh với giá 40 triệu đồng. Bà Q. đồng ý. Khoảng một tháng sau, bà H. đưa cho bà Q. một bộ hồ sơ và bà Q. được hưởng chế độ thương binh từ tháng 12-2010.

Sau đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk gửi công văn cho Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nam (hồ sơ của bà Q. ghi chuyển từ Hà Nam) thì Hà Nam phúc đáp không quản lý, không giới thiệu hồ sơ của bà Q. đến Đắk Lắk.

Qua xác minh, tháng 6-2012 Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk đình chỉ, ngưng trả chế độ thương binh cho bà Q., chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Còn “thương binh” B.Đ.L. (khối 11, Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) thì khai năm 2008, trong một lần đi dự hội thảo ở huyện Krông Ana có gặp ông T.V.C.. Ông C. gợi ý ông L. làm hồ sơ thương binh giả với giá 35 triệu đồng. Ông L. đồng ý.

Hai tháng sau, ông C. thông báo cho ông L. đã nộp hồ sơ vào Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk. Ông L. được hưởng chế độ thương binh hằng tháng cho đến tháng 6-2012 thì bị phát hiện, đình chỉ và giao hồ sơ cho công an.

Giả cả chữ ký của cục trưởng

Theo ông Lê Hải Lý, hồ sơ giả thương binh của những người bị đình chỉ đều ghi từ các tỉnh thành khác chuyển đến.

“Chúng tôi gửi 22 hồ sơ ra Nam Định nhờ xác minh thì ngoài đó trả lời mười hồ sơ họ không quản lý, tức được làm giả. Ở tỉnh Ninh Bình trả lời tám hồ sơ, Hà Nội ba hồ sơ. Còn lại hồ sơ giả ghi từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương” - ông Lý nói.

Theo ông Lý, các hồ sơ giả được làm rất tinh vi. “Họ làm đầy đủ từ phiếu thương tật, giấy chứng nhận bị thương, giấy chứng nhận bệnh binh, biên bản giám định y khoa, phiếu điều chỉnh trợ cấp thương bệnh binh...

Người ta làm giả cả chữ ký của cục trưởng Cục Người có công thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội, làm giả con dấu của các cơ quan, ban ngành, giấy tờ của các đơn vị quân đội” - ông Lý dẫn chứng.

Ông Lý kể thêm: “Có người dân tố cáo sao ông đó không đi bộ đội cũng được hưởng trợ cấp thương binh. Có người dân gọi điện nói ông đó mua hồ sơ thương binh với giá vài chục triệu đồng. Có những trường hợp bị phát hiện vì những sai sót ngớ ngẩn như sau năm 2009 ký hiệu giấy tờ không ghi TBLĐNCC mà chỉ dùng chữ NCC. Hay như giám đốc sở lại ký thành phó giám đốc sở...”.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội Đắk Lắk, tổng số tiền những người làm giả hồ sơ để được hưởng trợ cấp, ưu đãi cho thương binh, ưu đãi giáo dục cho con thương binh là trên 2 tỉ đồng, hiện sở đang thu hồi số tiền này.

“Tiền công phụ thuộc vào tỉ lệ phần trăm thương tật”

Tháng 12-2013, Tòa án nhân dân TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xét xử vụ án làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh. Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Quy (54 tuổi) cùng một số đối tượng khác làm giả chế độ thương binh, bệnh binh với hình thức làm trọn gói, không phải đi giám định, tỉ lệ thương tật cao, tiền công phụ thuộc vào tỉ lệ phần trăm thương tật.

Bằng phương thức này, Quy cùng đồng bọn thu từ 45-60 triệu đồng/hồ sơ của Phạm Chí Công, Lê Văn Thao, Đoàn Văn Khánh...

Từ hồ sơ thương binh mua được, Phạm Chí Công nhận chế độ ưu đãi tất cả là 81,292 triệu đồng (từ tháng 12-2008 đến 31-5-2012), Lê Văn Thao nhận 82,957 triệu đồng và Đoàn Văn Khánh nhận 98,506 triệu đồng tiền trợ cấp thương binh và trợ cấp giáo dục cho con thương binh.

Tòa xử Nguyễn Văn Quy 11 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Những bị cáo khác được hưởng án treo và trả lại số tiền thu lợi bất chính.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục