04/10/2016 09:03 GMT+7

Giá tăng, người trồng điều tiếc đứt ruột

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Giá hạt điều trong nước tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay nhưng người trồng điều không được hưởng lợi vì đã bán hết từ lâu, chưa kể trước đó, hàng trăm ngàn hecta điều bị chặt bỏ 
để chuyển sang cây trồng khác.

*** Error ***
Giá hạt điều tăng khiến nông dân tiếc hùi hụi vì trước đó đã bán hết điều hoặc đã chặt bỏ cây - Ảnh: T.MẠNH

Từng chiếm 70-80% nguyên liệu của các nhà máy chế biến nhân điều xuất khẩu, nhưng nguồn nguyên liệu điều trong nước hiện chỉ chiếm chưa tới 30%, hơn 70% còn lại được nhập khẩu, chủ yếu từ châu Phi.

Chặt hết vườn điều, giá điều mới tăng

“Bán hết lâu rồi, giờ giá tăng chỉ biết tiếc thôi” - ông Nguyễn Đức Quang (Bù Gia Mập, Bình Phước) than thở khi mấy ngày nay giá điều thô được các thương lái chào mua lên đến 53.000 - 55.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Theo ông Quang, từ năm 2011, gia đình ông đã chặt 3ha điều trong số 5ha để chuyển sang trồng cao su do giá điều nhiều năm đứng ở mức thấp trong khi mủ cao su có giá.

Trong vụ thu hoạch vừa qua, do mất mùa nên 2ha điều của gia đình ông Quang chỉ cho thu hoạch khoảng 3 tấn hạt và được bán tại thời điểm có giá 43.000 đồng/kg.

“Lúc đó giá cũng cao rồi nên đâu nghĩ giá còn cao đến mức này” - ông Quang tiếc rẻ. Không chỉ những hộ đã bán điều trước đó tiếc rẻ, những người đã chặt hàng ngàn hecta điều để chuyển sang trồng cao su càng tiếc hơn vì cao su lại xuống giá.

Theo ông Lê Quang Luyến - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất thương mại Phúc An (Bình Phước), giá điều trong nước tăng cao thời gian qua là do nhu cầu của thế giới tăng, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, nguồn cung hạt điều của thế giới lại giảm. Riêng tại VN, nhiều diện tích điều đã bị chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác, chưa kể vụ thu hoạch mới đây thất mùa nặng.

Thống kê của ngành nông nghiệp, do giá thấp, diện tích cây điều trong nước những năm gần đây đã giảm trên 100.000ha, hiện chỉ còn hơn 300.000ha. Ngược lại, năng lực của các nhà máy chế biến điều lại tăng mạnh, đạt trên 1,3 triệu tấn/năm.

Với sản lượng điều trong nước khoảng 350.000 tấn/năm, mỗi năm ngành điều VN phải nhập khẩu hàng triệu tấn hạt điều để chế biến, xuất khẩu.

Tranh nhau nhập điều

Theo ông Luyến, với giá điều thô trong nước hiện nay, chỉ có làm điều rang muối, rang chiên để bán cho Trung Quốc mới có hiệu quả chứ bán điều nhân thô sẽ lỗ. Do đó, nhiều doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu buộc phải dùng điều nhập khẩu từ châu Phi để chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, giá hạt điều nhập khẩu từ châu Phi cũng đang tăng mạnh, một phần do tranh mua của doanh nghiệp Việt, người mua sau đẩy giá cao hơn người trước.

Giám đốc một công ty xuất khẩu hạt điều tại TP.HCM cũng thừa nhận có hiện tượng này khi giá điều Bờ Biển Ngà nhập về VN đang bán ở mức 38.000 - 42.000 đồng/kg, điều Guiné-Bissau ở mức 49.000 đồng/kg..., tăng hơn 30% so với hồi đầu năm.

Các nhà xuất khẩu châu Phi thấy giá sau cao hơn giá trước nên chủ động hủy hợp đồng trước rồi bán cho hợp đồng sau.

“Có những thời điểm tỉ lệ hủy hợp đồng lên đến 30-50% nhưng các doanh nghiệp VN vẫn chấp nhận im lặng để mua hàng” - vị giám đốc này cho hay.

Điều trớ trêu là khi nguồn cung nội địa dồi dào, nhiều doanh nghiệp lại đua nhau hạ giá xuất khẩu khiến giá thu mua hạt điều trong nước giảm và đứng ở mức thấp, buộc nông dân phải chặt bỏ cây điều.

Chính vì cách mua bán này nên dù là nước sản xuất, xuất khẩu và cả nhập khẩu điều lớn nhất thế giới, VN chưa bao giờ định hướng được giá của hạt điều.

“Việc doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu đua nhau tăng giá mua tại thời điểm này chỉ làm lợi cho nông dân châu Phi. Còn về lâu dài, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro” - vị giám đốc này nói.

Ông Nguyễn Đức Thanh, chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết tình trạng các nhà xuất khẩu điều thô của châu Phi hủy hợp đồng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Riêng năm 2016, do giá nguyên liệu tăng nóng, các thành viên Vinacas đã bị hủy hợp đồng nhiều hơn.

Để hạn chế rủi ro với ngành, theo ông Thanh, Vinacas đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hỗ trợ trồng trọt và lai ghép các giống điều có năng suất cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.

Xuất 2 tỉ USD nhân điều, nhập 1,2 tỉ USD điều thô

Theo Bộ NN&PTNT, trong chín tháng đầu năm nay, VN đã xuất khẩu được 255.000 tấn điều nhân với kim ngạch 2,01 tỉ USD, tăng 4,5% về khối lượng và tăng 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu tới 808.000 tấn điều thô với giá trị đạt 1,2 tỉ USD.

“Giá điều tăng nhanh như thời gian qua, người trồng điều VN không có lời bằng người dân châu Phi” - chủ một cơ sở chế biến điều tại Phước Long (Bình Phước) cho hay.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên