25/06/2015 10:44 GMT+7

Gia đình bị hại kêu oan cho bị cáo

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Con trai chết trong một vụ ném lựu đạn đến nay đã 23 năm và cũng ròng rã trong 23 năm ấy, ông Trần Văn Điền đi kêu oan cho hai hung thủ bị bản án kết tội giết con mình.

Suốt 23 năm qua, ông Trần Văn Điền đi kêu oan cho người bị kết tội giết chết con trai ông - Ảnh: T.Lụa
Suốt 23 năm qua, ông Trần Văn Điền đi kêu oan cho người bị kết tội giết chết con trai ông - Ảnh: T.Lụa

Con trai chết trong một vụ ném lựu đạn đến nay đã 23 năm và cũng ròng rã trong 23 năm ấy, ông Trần Văn Điền (81 tuổi, xóm 5, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đi kêu oan cho hai hung thủ bị bản án kết tội giết con mình.

Hai bị án ấy là ông Trần Văn Vót (66 tuổi) và ông Trần Ngọc Thanh (42 tuổi, đều là người dân xã Phú Phúc).

“Việt sinh năm 1965, là con trai cả của gia đình, đã đi bộ đội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia về nước, tốt nghiệp ngành hàng hải loại giỏi, vừa lấy vợ và đang chờ nhận công tác. Cháu là trụ cột và là niềm hi vọng lớn nhất của gia đình tôi. Nhưng chiều 29-11-1992, kẻ giết con tôi đã gây đau thương, tang tóc cho gia đình, không chỉ gây tổn thương lớn về tình cảm mà còn thiệt hại lớn về kinh tế và nhiều mặt khác.

Sự oán hận của gia đình chúng tôi đối với kẻ giết người là tột đỉnh. Chúng tôi mong có thể tìm ra thủ phạm nhưng không vì thế mà làm oan người vô tội. Là gia đình người bị hại, là bộ đội, sáu bố con cả trai lẫn gái đều là lính, do vậy tôi không thể vô cảm trước những cảnh đời bị tù oan về tội giết người như ông Vót và ông Thanh ở Lý Nhân, Hà Nam...”.

Trên đây là những nội dung được viết trong lá đơn kêu oan của ông Trần Văn Điền gửi đến các cơ quan trung ương hồi tháng 5-2015 để kêu oan cho ông Trần Văn Vót và ông Trần Ngọc Thanh.

Không thể vô cảm trước cảnh đời bị tù oan

Trưa 16-6, khi chúng tôi có mặt tại nhà ông Trần Văn Điền thì đã có hàng trăm người dân đợi sẵn để trình bày về nội dung vụ án cách đây 23 năm và để kêu oan cho ông Vót và ông Thanh. Nguồn gốc vụ án bắt nguồn từ tranh chấp đất đai của người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc). Theo bản án sơ thẩm tháng 2-1994 của Tòa án nhân dân huyện Nam Hà, năm 1976 Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất Hợp tác xã Thanh Nga và Hợp tác xã Nhân Phúc.

Quá trình hoạt động, ban quản lý hợp tác xã có một số mâu thuẫn, quần chúng so sánh việc thực hiện nghĩa vụ giữa hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc. Một số xã viên có nguyện vọng tách hợp tác xã ra thành hai như trước. Sau khi tách hợp tác xã làm hai, người dân không đồng tình về việc phân chia đất cho hai miền vì vậy tranh chấp nảy sinh ngày càng trầm trọng. Tháng 1-1992, vụ xô xát giữa bà con hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc nổ ra làm bảy người dân Nhân Phúc bị thương.

Chiều 29-11-1992, vụ xô xát giữa hàng trăm người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc tiếp tục nổ ra tại bãi Thanh Lan. Hậu quả vụ xô xát là có người ném lựu đạn vào đám đông làm một người dân miền Nhân Phúc chết và 21 người bị thương.

Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án đồng thời khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự (người dân miền Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép. Sau khi ông Cự bỏ trốn khỏi địa phương, công an đã phát lệnh truy nã trên toàn quốc.

Ba tháng sau khi vụ án xảy ra, Trần Ngọc Thanh (người dân miền Nhân Phúc, đang đi nghĩa vụ quân sự) bị bắt tại E139 Bộ tư lệnh Thông tin và được di lý về Công an tỉnh Nam Hà để điều tra về hành vi giết người trong vụ nổ chiều 29-11-1992.

Tại cơ quan điều tra, Trần Ngọc Thanh đã khai ra ông Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho Thanh ném vào đám đông. Hai tháng sau, ông Vót bị bắt về hành vi giết người liên quan đến vụ nổ.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Hà đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Vót tù chung thân cho cả bốn tội giết người, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, tàng trữ vũ khí trái phép và gây rối trật tự công cộng.

Trần Ngọc Thanh lãnh 15 năm tù về tội giết người. Bị truy nã về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép nhưng sau đó ông Trần Văn Cự bị tòa tuyên phạt 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. Cùng vụ án, 26 bị cáo khác phải lãnh án về các tội khai báo gian dối, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...

Kết quả điều tra và tòa án cấp sơ thẩm đều nhận định Trần Văn Vót là người đã đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh ném vào người dân miền Thanh Nga. Tuy nhiên trong quá trình xô xát, do lúng túng và do người dân Thanh Nga bỏ chạy nên Trần Ngọc Thanh đã ném lựu đạn rơi ngược vào người dân miền Nhân Phúc.

Sau phiên tòa sơ thẩm, một số bị cáo làm đơn kháng cáo kêu oan. Ông Trần Văn Điền (bố anh Trần Hoa Việt, đã mất) cũng có đơn kháng cáo cho rằng kẻ ném lựu đạn khiến anh Việt tử vong không phải là Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh mà là Trần Văn Cự. Tháng 8-1994, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của các bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại, y án sơ thẩm.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Trần Văn Điền đã liên tục đi kêu oan cho hai bị cáo Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh. Ông đã ra Hà Nội gặp chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gửi đơn đi khắp các cơ quan có thẩm quyền. Mỗi năm ông đều ra Hà Nội gửi đơn cùng em trai. Em trai chết cách đây ba năm, ông Điền đi một mình.

Gặp chúng tôi tại nhà riêng ở xã Phú Phúc, ông Điền nói: “Con trai tôi chết, cả gia đình tôi đau xót nhưng tại sao chúng tôi lại làm một chuyện ngược đời là tiếp tục đi kêu oan cho người đã giết chết con trai mình? Khi Thanh và Vót mới bị bắt, tôi cũng nghĩ không biết có phải hai người này là hung thủ không nhưng sau khi trực tiếp đi tìm hiểu và xác minh vụ án, tôi khẳng định Vót và Thanh không phải là hung thủ”.

Cả làng kêu oan cho bị cáo

Theo ông Điền, sau khi vụ án xảy ra, ông đã đi tìm hiểu xem bên nào ném lựu đạn. Ông đã gặp nhiều người có mặt tại hiện trường hôm 29-11-1992 và họ khẳng định đã thấy lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang. “Người chết và bị thương ở hiện trường toàn là người bên Nhân Phúc vì bên Thanh Nga chủ động ném lựu đạn nên họ biết để tránh, các vết thương của người bị chết và bị thương đều là vết thương phía trước” - ông Điền nói.

Cũng theo ông Điền và nhiều người dân xã Phú Phúc, hôm xảy ra vụ án ông Vót và ông Thanh đều có chứng cứ ngoại phạm. Chiều 29-11-1992, Thanh đi vác đất thuê cho một người dân trong làng. Bản án thể hiện Trần Ngọc Thanh đi vác đất thuê, khi nghe có tiếng kẻng thì cả tổ vác đất đều nghỉ để chạy ra bãi tham gia trận xô xát.

Tuy nhiên người chủ thuê tổ vác đất, anh Trần Thanh Xuân, tổ trưởng tổ vác đất và các thành viên trong tổ vác đất đều thừa nhận hôm đó cả tổ làm việc đến 5g chiều mới nghỉ. Khi đang nghỉ uống nước thì nghe lựu đạn nổ phía ngoài bãi. Anh Trần Thanh Xuân và một số thành viên trong tổ đã đứng ra làm chứng việc Thanh ngoại phạm. Tuy nhiên, các đối tượng này bị cho rằng khai báo gian dối, cản trở quá trình điều tra và đều phải lãnh án. Trần Thanh Xuân phải lãnh 12 tháng tù về tội “khai báo gian dối”.

Ông Điền cho biết: “Trần Thanh Xuân là cháu họ của tôi. Nếu như Thanh thật sự là hung thủ ném lựu đạn làm chết con tôi thì tại sao Xuân lại phải đứng ra bảo vệ một người đã giết chết em mình để rồi còn phải lãnh án tù?”.

Ngày 16-6, khi chúng tôi đến xã Phú Phúc, hàng trăm người dân tập trung tại nhà ông Điền cho biết hôm xảy ra vụ án, ông Thanh đi vác đất, ông Vót đi đóng lò gạch đến chiều mới về. Họ sẵn sàng ra trước tòa làm chứng về điều này, nhưng các phiên tòa họ đều không được mời.

Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo Thanh và Vót đều không nhận tội và kêu oan, nhóm bị cáo phạm tội “khai báo gian dối” cũng có kháng cáo kêu oan.

Tại cả hai phiên tòa, Trần Ngọc Thanh cho rằng mình bị đánh đập, dùng nhục hình nên mới nhận tội. Ở cả hai bản án, việc kết tội Thanh dựa vào đơn Thanh viết tự thú tại E139, thư gửi về gia đình, các lời khai nhận tội của Thanh tại cơ quan điều tra.

Sau khi vụ án xảy ra, ông Trần Văn Điền đã đến tận E139 gặp các đồng đội nơi Thanh đóng quân và họ xác nhận khi đóng quân tại đây, Thanh không khai nhận, tự thú gì về việc ném lựu đạn. Những mâu thuẫn ấy làm ông Điền thêm tin tưởng ông Vót và ông Thanh không phải hung thủ giết người.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được đơn thư của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng phản ánh bản án hình sự phúc thẩm tháng 8-1994 của tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội có dấu hiệu oan sai cho bị cáo Trần Văn Vót và kiến nghị xem xét lại.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, giải quyết phản ảnh của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng về bản án theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ biết.

Sẽ rút hồ sơ xem xét lại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn - phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao - cho biết sau khi nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã giao tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra lại nội dung vụ việc và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi kiểm tra, giải quyết xong.

Trong khi đó, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết sau khi nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giao Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3) xử lý.

Lãnh đạo Vụ 3 sẽ rút hồ sơ vụ án từ tòa án, viện kiểm sát cấp dưới lên để xem xét, rà soát. Sau khi có kết quả rà soát vụ việc, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khi xét xử, chúng tôi đã làm đúng pháp luật

“Vụ án đã xét xử cách đây 23 năm, giờ chúng tôi không thể nào nhớ được nội dung cụ thể vì mỗi năm xử hàng chục, hàng trăm vụ án. Nếu sau phiên tòa, bị cáo và người liên quan không đồng tình với bản án thì đã làm đơn khiếu nại và các cấp sau khi nhận đơn đã giải quyết, trả lời. Bây giờ họ có đơn, không chỉ tòa án mà viện kiểm sát cũng sẽ giải quyết theo thẩm quyền và sẽ có trả lời. Khi xét xử, chúng tôi đã làm đúng pháp luật, hết trách nhiệm và lương tâm của người thẩm phán”.

Ông VŨ THẾ ĐOÀN 
(thẩm phán phiên tòa phúc thẩm xét xử
Trần Văn Vót và đồng phạm năm 1994)

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên