26/09/2022 10:38 GMT+7

Gia cố nhiều nhà cổ Hội An trước bão, Quảng Nam yêu cầu kiểm kho lương thực

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ngoài chống đỡ chùa Cầu bằng giàn gỗ, TP Hội An đã yêu cầu kiểm kê lại số nhà cổ có nguy cơ đổ sập, xác định được ít nhất 45 căn trong diện buộc phải chống đỡ. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát các kho lương thực.

Gia cố nhiều nhà cổ Hội An trước bão, Quảng Nam yêu cầu kiểm kho lương thực - Ảnh 1.

Nhà cổ xuống cấp không thể khắc phục ở đường Bạch Đằng - Ảnh: B.D.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 26-9, ông Phạm Phú Ngọc - giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An - cho biết đơn vị này đã cho gia cố khẩn cấp 5 di tích xuống cấp nặng, đề nghị các phường có nhà cổ hư hại nặng liên lạc với chủ sở hữu để xử lý trước bão.

"Như đèn trước gió"

Tình trạng xuống cấp của hệ thống nhà cổ Hội An được gióng lên từ nhiều năm nay. Ngay trước bão, việc mục ruỗng, hư hại trầm trọng một lần nữa lại được các cơ quan chuyên môn tại Hội An gióng chuông cảnh tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết đơn vị này đang gấp rút xử lý để bảo đảm trụ vững cho các di tích cổ trước bão. Qua kiểm kê, có 45 căn nhà xuống cấp nặng, trong đó 13 nhà cổ xuống cấp tới mức không thể khắc phục.

Gia cố nhiều nhà cổ Hội An trước bão, Quảng Nam yêu cầu kiểm kho lương thực - Ảnh 2.

Chống đỡ chùa Cầu ứng phó bão - Ảnh: P.N.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại phố cổ Hội An cho thấy một hệ thống giàn chống đỡ bằng gỗ đã được dựng lên khá dài trên lối đi bộ qua chùa Cầu. Trong mấy ngày qua, người của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An đã được huy động để dùng các giải pháp thủ công gia cố các phần kết cấu đã mục.

Tại nhà 34 Bạch Đằng nằm ngay sát sông Hoài, toàn bộ kết cấu nhà gần như đã tan hoang, mái che phía trên có nhiều lỗ thủng lớn. Phần tường bị nứt, ẩm mốc và hư hại nặng. Không gian nhà này từ lâu không được sửa sang khiến mọi thứ giờ đây như phế tích. 

Một người bán hàng trước nhà cổ này cho biết ngôi nhà thuộc sở hữu của một gia chủ khác nhưng người này ít lui tới thăm nom nhà mà cho bà con buôn bán gần đó để đồ đạc.

Gia cố nhiều nhà cổ Hội An trước bão, Quảng Nam yêu cầu kiểm kho lương thực - Ảnh 3.

Rất nhiều nhà cổ ở Hội An đang xuống cấp trầm trọng - Ảnh: B.D.

Phố cổ Hội An nằm ngay rìa cuối của sông Thu Bồn, là nơi ngập lụt hằng năm. Tình trạng xuống cấp, hư hại các công trình lâu nay làm đau đầu cơ quan bảo tồn nhưng quần thể di sản có tuổi đời hơn 400 năm này đang trở nên mong manh hơn trước bão lớn. Một người dân ở Hội An cho biết từ lâu, phố cổ chưa hứng chịu bão lớn nên việc bão có thể đổ bộ vào đây khiến nhà cổ trở nên rất đáng lo.

Đóng cửa, gia cố khẩn cấp

Ngoài đường Bạch Đằng, các tuyến phố đi bộ tập trung đông du khách như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… cũng đang có rất nhiều nhà cổ hư hại tới mức không thể khắc phục. Trong công văn khẩn gửi các đơn vị, UBND TP Hội An yêu cầu thống kê, bàn phương án bảo vệ nhà cổ an toàn trước bão.

Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho rằng ngoài các di tích thuộc sự quản lý của Nhà nước, có 27 nhà cổ của tư nhân thuộc diện xuống cấp trầm trọng cần gia cố khẩn cấp, trong số này 13 căn hư hại tới mức không thể khắc phục.

Gia cố nhiều nhà cổ Hội An trước bão, Quảng Nam yêu cầu kiểm kho lương thực - Ảnh 4.

Người dân tự bỏ tiền sửa sang, gia cố nhà cổ - Ảnh: B.D.

"Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại. Chúng tôi đề xuất các đơn vị cho chống đỡ khẩn cấp đối với một số công trình còn có khả năng chống đỡ, những công trình nào không thể gia cố thì đề nghị các phường liên lạc với chủ sở hữu để tính toán phương án tạm trong thời gian bão lớn. Trung tâm đề nghị giám sát nghiêm, yêu cầu 13 chủ nhà cổ không trú tránh trong nhà, phải đóng cửa rời đi để đảm bảo an toàn về người và tài sản" - ông Ngọc nói.

Quảng Nam yêu cầu "kiểm kho" lương thực dự trữ

Sáng 26-9, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã kiểm kê lại toàn bộ các kho dự trữ lương thực, thực phẩm tại các huyện vùng cao.

Cụ thể: huyện Phước Sơn hiện đã cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua lương thực dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn. Huyện Nam Giang đã giao các xã chủ động mua dự trữ tại xã. Trong khi đó huyện Đông Giang cũng đã giao kinh phí để Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu với tổng số tiền 150 triệu đồng, địa phương này cũng đề nghị các hộ kinh doanh, tiểu thương dự trữ đủ nguồn cung cấp cho bà con.

Huyện Nam Trà My hiện đã dự trữ 10 tấn lương thực, nhu yếu phẩm, ngoài ra huyện này cũng đã cấp cho các xã tổng 40 tấn gạo, 22 trường học mỗi trường từ 3-4 tấn gạo. Huyện Bắc Trà My thì không có kho dự trữ ở các xã, chủ yếu đề nghị các cơ sở kinh doanh dự trữ. Huyện Tây Giang đã dự trữ tại huyện 40 tấn hàng, trong dân 180 tấn.

Việt Nam và dự báo quốc tế đều nhận định bão số 4 cập bờ với cường độ rất mạnh Việt Nam và dự báo quốc tế đều nhận định bão số 4 cập bờ với cường độ rất mạnh

TTO - Theo giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện các dự báo Việt Nam và quốc tế đều nhận định bão số 4 (bão Noru) không có sự suy giảm về cường độ, đổ bộ vào các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với cường độ từ cấp 13 đến cấp 16.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên