26/07/2022 08:39 GMT+7

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Siêu thị "tiên phong" giảm giá thực phẩm tươi sống; Giá heo hơi giảm thêm; Khách sạn phục hồi nhanh nhưng giá phòng thấp; Mua nữ trang, hàng hiệu bằng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh; Thị trường bánh trung thu tại Hà Nội rục rịch vào mùa...

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 1.

Nhiều siêu thị nhanh chóng giảm giá mặt hàng tươi sống - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Siêu thị "tiên phong" giảm giá thực phẩm tươi sống

Ngay sau khi giá xăng giảm sâu, một số siêu thị bắt đầu triển khai giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây…

Tại các siêu thị của hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, hàng chục sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây được áp dụng giảm giá 10%. 

Cánh gà, chân gà, cá hồi đông lạnh, cá basa… áp dụng giảm thêm 5% khi khách hàng mua từ 3kg trở lên. 

Tại khu vực TPHCM, các sản phẩm thịt heo tiếp tục được bán với giá bình ổn thị trường: thịt vai 136.000 đồng/kg; thịt cốt lết 135.000 đồng/kg; thịt chân giò 122.000 đồng/kg.

Tương tự, tại hệ thống Co.opmart, Satra, AEON Mart, MM Mega Market… cũng triển khai giảm giá từ 30 - 60% dưới hình thức khuyến mãi cho mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Theo một số siêu thị, hiện đang thảo luận với các nhà cung cấp để xem liệu có thể nhanh chóng điều chỉnh giá đối với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu hay không.


Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 2.

Đồ họa: VÕ TÂN

Giá heo hơi giảm thêm

Sau thời gian tăng đến trên dưới 15.000 đồng/kg chỉ trong vòng khoảng 3 tuần, giá heo hơi phía Nam bán ra tại chuồng vài ngày qua đã giảm trở lại, hiện phần lớn ở mức 66.000 - 68.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 6.000 đồng so với thời điểm giá cao của tuần trước.

Hiện giá thịt heo bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) đã chững lại với đùi rọ 85.000 đồng/kg, cốt lết 84.000 đồng/kg, nạc dăm 100.000 đồng/kg, sườn non 152.000 đồng/kg... Bắp cải, cải thảo, xà lách giảm giá; cà chua, khổ qua... neo cao.

Theo ghi nhận, giá một số loại rau củ bán ra tại các chợ lẻ tại TP.HCM tăng trở lại và neo ở mức cao như cà chua 32.000 đồng/kg, khổ qua 26.000 đồng/kg, đậu cove 45.000 đồng/kg. Ngược lại, một số loại rau khác giá giảm dần sau thời gian neo cao như bắp cải, cải thảo 16.000 - 21.000 đồng/kg; xà lách 35.000 - 45.000 đồng/kg.

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 3.

Đồ họa: VÕ TÂN

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 4.

Một số mặt hàng rau củ Đà Lạt như cà rốt, khoai tây hiện giá tương đối ổn định - Ảnh: N.TRÍ

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 5.

Giá heo hơi đã quay đầu giảm trong vài ngày qua - Ảnh: N.TRÍ

Khách sạn phục hồi nhanh nhưng giá phòng thấp

Theo ông Julian Wong - tổng giám đốc Sheraton Saigon Hotel & towers, kể từ khi Việt Nam mở cửa biên giới quốc tế vào giữa tháng 3 vừa qua, đơn vị nhận thấy rất rõ việc hồi phục ở khía cạnh công suất phòng và kết quả kinh doanh mảng phòng. 

Vào tháng 6, hệ thống nói trên đã đạt được công suất phòng tương đương năm 2019. Tuy nhiên, giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 vì các phân khúc thị trường hồi phục không đồng bộ và không giống nhau.

"Trong quý 1 và đầu quý 2, việc kinh doanh lưu trú của chúng tôi vẫn phụ thuộc chính vào thị trường nội địa. 

Kể từ tháng 5 trở đi, lượng khách đi công tác trong khu vực hay khách Việt kiều hồi phục đáng kể. Các thị trường có các chuyến bay dài vẫn chưa nhiều và có khả năng hồi phục vào quý 4" - ông Julian Wong cho biết.

Mua nữ trang, hàng hiệu bằng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh

Các phương thức thanh toán không tiền mặt, đặc biệt phương thức thanh toán mới nổi như quét mã QR đang chiếm tỉ trọng cao trong hoạt động thanh toán ở ngành bán lẻ.

Báo cáo mới nhất của nền tảng thanh toán Payoo cho thấy các chương trình kích cầu mua sắm nhân các dịp lễ lớn vừa qua đã thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở nhóm ngành bán lẻ này tăng 40% về số lượng và 20% về giá trị giao dịch so với quý 1-2022.

Trong quý 2-2022, nhóm thời trang, phụ kiện tăng trưởng đến 70% về số lượng và 26% về giá trị so với quý trước. 

Điểm sáng thuộc về nhóm trang sức, thương hiệu thời trang tầm trung với mức tăng 40-50% trong khi nhóm thương hiệu cao cấp, xa xỉ phẩm lại giảm nhẹ 12-15% vì không phải mùa cao điểm mua sắm.

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 6.

Mua sắm nữ trang và thanh toán không tiền mặt ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 2-2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự tăng trưởng về tiêu dùng và thanh toán không tiền mặt ở ngành bán lẻ cũng phản ánh việc thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành phương thức thanh toán quen thuộc của người dân. 

Theo các nhà kinh doanh, thói quen thanh toán không tiền mặt giúp người dân sẵn sàng chi tiêu cho những món hàng giá trị lớn hơn.

Thị trường bánh trung thu tại Hà Nội rục rịch vào mùa

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng các hãng bánh trung thu nổi tiếng đã bắt đầu dựng rạp giới thiệu và bán sản phẩm trên các con phố của Hà Nội. Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, giá các loại bánh đều tăng khoảng 20% so với năm trước.

Cụ thể, bánh trung thu Kinh Đô có giá dao động từ 55.000 - 390.000 đồng/cái (tùy loại). Rẻ nhất là các loại bánh dẻo nhân đậu xanh, khoai môn (không trứng) được bán với giá 55.000 đồng/cái.

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 7.

Nhân viên bán hàng sắp xếp các loại bánh trung thu lên kệ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bánh trung thu thương hiệu Hữu Nghị có giá rẻ nhất với loại bánh dẻo chay (45.000 đồng/cái), giá cao nhất là bánh thập cẩm vi cá một trứng với giá 108.000 đồng/cái.

Bên cạnh đó, các sản phẩm bánh trung thu handmade cũng bắt đầu được quảng cáo mạnh trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại trực tuyến. Trong vài năm trở lại đây, dòng bánh này được yêu thích bởi mẫu mã đa dạng, hiện đại, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trẻ và không sử dụng chất bảo quản.

Năm nay, giá của bánh trung thu handmade cũng có sự biến động trong khoảng 45.000 - 100.000 đồng/cái, tăng 15-20% so với năm ngoái.

Nguyên nhân dẫn đến việc giá bánh tăng là do giá các nguyên liệu đầu vào năm nay đều tăng mạnh.

Giá lúa tại miền Tây trong tuần tiếp tục giảm từ 100 - 300 đồng/kg

Giá một số giống lúa tươi trên địa bàn tỉnh An Giang thương lái thu mua tại ruộng: IR 50404 5.400 - 5.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài thơm 8 5.600 - 5.800 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; OM 5451 5.500 - 5.700 đồng/kg; giảm 200 đồng/kg; OM 18 5.800 - 6.000 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg; Nàng Hoa 9 5.800 - 5.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; Lúa Nhật 7.000 - 7.100 đồng/kg, giảm 100 đồng.

Giá cả hằng ngày 26-7: Giá thực phẩm tươi sống siêu thị giảm; rau củ chợ TP.HCM tăng trở lại - Ảnh 8.

Nông dân thu hoạch lúa tại huyện Châu Thành, An Giang tuần qua - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Giá lúa giảm mạnh là do nông dân đang thu hoạch rộ đồng loạt vụ hè thu, đặc biệt tại An Giang các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Thoại Sơn tuần qua thu hoạch rộ. 

Theo nông dân, mặc dù giá lúa tươi giảm so với đầu vụ nhưng có phản khởi sắc, nông dân vẫn có lời. Cùng kỳ năm 2021, giá lúa chỉ nằm ở mức dưới 5.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch bệnh và thị trường xuất khẩu.

Giá một số loại trái cây chủ lực ổn định

Xoài cát chu 26.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc 65.000 đồng/kg; xoài tượng da xanh có giá 14.000 đồng/kg; nhãn 10.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với tuần trước; cam xoàn 25.000 đồng/kg; quýt đường 24.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước; chanh 11.000 đồng/kg; thanh long 14.000 đồng/kg; mít 6.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Thế giới: Giá lúa mì, giá dầu tăng

Giá lúa mì tăng mạnh hôm 25-7 sau khi một tên lửa của Nga đánh trúng cảng Odessa của Ukraine vào cuối tuần qua. Việc này đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine theo thỏa thuận lương thực ký ngày 22-7.

nông dân Ukraine

Nông dân thu gom cỏ khô tại một cánh đồng cạnh làng Rai-Oleksandrivka, Ukraine, ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS

Giá dầu tăng do các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Về tiền tệ, đồng USD giảm nhẹ và vàng cũng trượt dốc.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 90,75 điểm, tương đương 0,28%, lên 31.990,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,21 điểm, tương đương 0,13%, lên 3.966,84 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 51,45 điểm, tương đương 0,43%, còn 11.782,67.

Chỉ số European STOXX 600 tăng 0,13% và chỉ số MSCI toàn cầu tăng 0,01%.

Đồng USD giảm giá 0,253%, đồng euro tăng 0,13% lên mức 1 euro ăn 1,0223 USD.

Giá dầu tăng trong ngày 25-7 do đồng USD yếu hơn một chút, trong khi các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung và khả năng Mỹ tăng lãi suất có thể làm suy yếu nhu cầu.

Giá dầu thô Mỹ CLc1 tăng 2,11% lên mức 96,70 USD/thùng, giá dầu Brent LCOc1 tăng 1,9%, lên mức 105,15 USD/thùng.

Giá vàng vào lúc 5h 26-7 giờ Việt Nam trên sàn giao dịch New York là 1.719,75 USD/ouce, giảm 5,67%.

Tin giá cả hằng ngày 23-7: Cùng tăng giá, nhưng vàng trong nước vẫn cao hơn 17,1 triệu/lượng Tin giá cả hằng ngày 23-7: Cùng tăng giá, nhưng vàng trong nước vẫn cao hơn 17,1 triệu/lượng

TTO - Giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng, nhưng vàng miếng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới 17,1 triệu/lượng; Sau khi tăng liên tiếp, giá heo hơi đã giảm và chững nhưng heo thịt tại chợ vẫn giữ giá; Giá rau củ hạ nhiệt...

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên