![]() |
Hai giờ đồng hồ gặp gỡ với thân nhân mỗi tháng là nguồn động viên lớn với học viên cai nghiện (Trung tâm Trọng Điểm, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) |
Lên rừng thăm con
Xe đi. Khác với không khí râm ran thường thấy trên những chuyến xe đi xa, không khí trên chiếc xe tôi đi nhờ lên Trung tâm Trọng Điểm thật đặc biệt. Rất nhiều gương mặt già nua, đăm chiêu, hằn những nét khắc khổ và đượm vẻ héo hắt; rất nhiều những ánh nhìn mông lung và mệt mỏi. Bên ngoài trời sáng dần, con đường cứ dài mãi ra nhưng mọi người trong xe vẫn không có vẻ muốn bắt chuyện.
Thấy tôi bồn chồn, quay xuống quay lên, một bà ngồi cạnh bảo: “Có gì mà hỏi, cô. Tôi đi thăm cháu ngoại, mẹ nó bệnh tim không đi được xe. Mấy ông, bà kia thăm con, mấy chị phụ nữ thăm chồng, mấy đứa nhỏ mới nghỉ hè đi thăm cha. Cảnh nhà ai chẳng khổ như ai...”.
Chẳng cần hỏi cũng biết những gì xảy ra khi trong nhà có một người nghiện. Một chị ngồi trên nghe tiếng quay xuống: “Tôi đi thăm con gái. Có con gái nghiện còn khổ hơn con trai. Nó không mang đồ nhà đi bán, không đập phá đòi tiền mua thuốc, nhưng lại hay làm chuyện dại dột. Gần nhà tôi có một bà còn khổ hơn, bà có tới ba đứa con trai phải lên trường...”. Chị lắc đầu, thở dài. Mọi người lại im lặng, mấy câu vắn tắt đã đủ để diễn tả nỗi đau.
Hàng ghế dưới có tiếng lao xao, mọi người hỏi nhau xem có ai mang bông, băng. Một ông lão đi thăm con, sáng 4g chạy xe máy từ Hóc Môn xuống Bình Thạnh đón xe của trường đã bị bọn côn đồ giật giỏ, xô té ngã. Đau đớn nhưng ông vẫn gượng dậy, đến tập trung đúng giờ. Chân tay trầy xước, mặt bị rách một mảng da, xe qua đoạn đường xóc làm vết thương của ông lại chảy máu. Cầm miếng băng rịt trên mặt, ông lầm bầm: “Không đi thăm nó thì đâu có té, đâu có bị giật đồ. Không biết mấy thằng nhỏ đó con cái nhà ai, có nghiện ngập không...”.
200km, xe đi hơn bốn giờ đồng hồ. Rừng điều, vườn tiêu nối tiếp rừng cao su, đoạn đường nhựa phẳng phiu nối với đoạn đang làm dở, gập ghềnh đá và bụi tung mù mịt. Trong xe, mọi người mệt mỏi tựa vào ghế lơ mơ với nhiều tư thế. Thỉnh thoảng giật mình mở mắt, mấy bà lại quay sang người ngồi cạnh: “Tới đâu rồi?”.
9g sáng, còn khoảng 30km nữa theo lịch trình, cả xe đã dậy hết. Không khí chộn rộn bây giờ mới xuất hiện. Mấy chị sửa lại cái áo cho con, mấy bà lục soạn lại giỏ quà, thường là áo lạnh, áo gối. Bà lão bên cạnh nói một mình thành tiếng: “Giờ ở đó tụi nó đã ngồi chờ rồi. Có người đến thăm, được nghỉ lao động nhưng tụi nó vẫn dậy sớm, sốt ruột lắm đó”.
Xe dừng trước cổng trung tâm. Đoàn bà nội, bà ngoại, cha, mẹ, anh em, vợ con tất tả theo nhau xách túi, xách giỏ, cầm sổ thăm nuôi sẵn trên tay, thành thạo vào thẳng khu kiểm tra. Đồ cá nhân gửi lại, giày phải thay, quần áo mang vào cho học viên phải kiểm tra kỹ... Nhân viên trung tâm hối hả làm việc. Mọi người đứng, ngồi nhấp nhổm chờ, vừa kiên nhẫn, vừa sốt ruột. Một phút bây giờ với họ cũng quí, vì những đứa con, đứa cháu, vì chồng và cha của họ đã chờ lâu lắm ở trong kia...
Cuộc “đoàn viên” trong hai giờ
Phòng thăm nuôi kiêm căngtin trở nên chật chội vì những ánh mắt của học viên ngóng ra phía cửa. Tiếng kéo ghế, tiếng reo mừng, vẫy gọi rộn lên khi những thân nhân đầu tiên băng qua khoảng sân rộng. Mấy đứa bé luôn nhanh mắt, nhanh chân nhất. Vừa thoáng ngơ ngác nhìn quanh đã thấy mấy cậu bé hớn hở lao đến nhào vào lòng cha, dù trong bộ đồ đồng phục, mọi học viên đều có vẻ nhang nhác như nhau. Vài phút chộn rộn qua đi, khi từng nhóm gia đình đã ổn định được chỗ ngồi thì không khí nhanh chóng lắng lại, những câu chuyện bắt đầu.
T., một thanh niên có nước da trắng xanh và gương mặt buồn buồn, ngồi ở đầu cái bàn dài, đưa mấy ngón tay vuốt lên cánh tay bà lão ngồi bên cạnh: “Đường sá xa xôi, ngoại lên thăm con chi cho cực. Mà... cũng lâu lắm rồi con không thấy ngoại, con tưởng quên mất gương mặt của ngoại...”.
Cậu bé Sơn 9 tuổi hớn hở reo lên khi nhận được món quà sinh nhật sớm của cha: một con rồng được uốn bằng dây kẽm và kết chỉ màu xanh đỏ khá đẹp. Sơn cười toe khoe với tôi, giọng rất người lớn: “Mọi năm ở nhà ba mua tặng con đồ chơi, game điện tử. Còn cái này là ba tự làm đó. Nhưng mà... ba bảo cái đầu rồng khó làm lắm nên ba phải nhờ mấy chú giúp”... Những câu chuyện giữa con trai, con gái với cha mẹ, giữa chồng với vợ cứ thủ thỉ mãi như thế.
Bên cạnh phòng thăm nuôi là một bất ngờ mà ban giám đốc Trung tâm Trọng Điểm dành cho các học viên và phụ huynh: siêu thị Co-op Trọng Điểm với hơn 300 mặt hàng, các quầy tự chọn xếp dài, hàng hóa đầy ắp và giá cả y như những Co-op ở thành phố. Chưa kịp hết ngạc nhiên về sự xuất hiện của Co-op ở nơi đây, tôi đã thấy Sơn một tay khư khư ôm con rồng, tay xách cái làn nhựa, mẩu giấy “đặt hàng” của cha, hăm hở kiễng chân lên quầy hàng chọn lựa. Theo sau Sơn là mấy bà, mấy ông tôi đã gặp ở trên xe, tay ai cũng cầm một mảnh giấy ghi những mặt hàng cần mua mà các học viên là con, cháu của họ vừa hí hoáy viết vội. Những cái giỏ nhựa nhanh chóng đầy ắp. Trà Thái Nguyên, mì gói, cá hộp, thịt hộp, dầu gội, sữa tắm và cả keo vuốt tóc...
Bà ngoại của T. xách một giỏ nặng, vừa đứng chờ tính tiền vừa phân bua: “Mấy tháng rồi tôi mới lên thăm nó, bán trái cây ở chợ chẳng dư được mấy đồng. Lần này, trước khi đi phải vay nóng 1 triệu đồng. Nó ở đây, mất tự do, xa gia đình, thôi thì chiều nó. Cần cái gì thì tôi mua cái nấy, có những thứ chẳng bao giờ mình dám dùng...”. Hóa đơn của bà phải trả hơn 600.000đ.
Bà cụ ngồi cạnh tôi trên xe cũng thanh toán một giỏ hàng trị giá hơn 500.000đ, là hơn hai tháng tiền lãi từ cái tủ thuốc lá đặt trước nhà bà. Sơn chọn một giỏ to, đặt phịch xuống, chạy vào gọi mẹ ra tính tiền. Hai mẹ con lẩm nhẩm kiểm tra, Sơn thắc mắc: “Ba kêu mua tới ba chai dầu gội, ba chai sữa tắm, chi dữ vậy má?”. Chị chỉ mỉm cười hiền lành và thận trọng rút xấp tiền được cất cẩn thận trong ví ra...
Bên ngoài, cửa phòng khám dịch vụ theo yêu cầu cũng tấp nập. Mấy bà mẹ lo lắng khi nghe con kể bị ho, bị lạnh, thấy mấy vết bầm do cạo gió trên cổ đã vội vã dẫn đi gặp bác sĩ. Lát sau đã thấy mấy bà cầm toa thuốc tất tả đi đóng tiền, rồi quay lại lấy thuốc, bắt con trai uống liều đầu tiên ngay trước mặt mới an tâm...
Thoáng chốc hai giờ thăm nuôi đã hết, đến giờ về. Lại lên xe, 200km. Đường về không còn dài dằng dặc. Trong những câu chuyện rì rầm, tôi nghe rõ những tính toán cho công việc tiếp tục ngày mai, những sắp đặt tiếp theo cho chuyến đi thăm tháng tới. Một lát, mọi người đều đã mệt mỏi, nhanh chóng dựa hẳn vào lưng ghế ngủ, trên gương mặt mỗi người những nếp hằn như giãn ra đôi chút...
Từ lá thư của một người cha
Lá thư của ông Vũ Đình Hồng (Q.4, TP.HCM) đến tay chúng tôi: “Tôi có ba con, một gái, hai trai. Tôi làm nghề xây dựng, hay đi các công trình xa nhà. Tôi cố gắng lo cho các con ăn học đầy đủ, nhưng chẳng may hai đứa con tôi vướng vào ma túy. Tôi đã bỏ các công trình xa, về làm tại nhà để tìm cách giữ con. Rồi tôi nhận được quyết định của UBND thành phố. Trong vòng 10 ngày, đứa con trai lớn đã được đưa vào Trung tâm Đức Hạnh, con gái lớn vào Trung tâm Trọng Điểm. Đã hơn 20 tháng...”.
Gặp tôi, ông Hồng kể về những ngày ông đã phải dùng xích sắt xích chân con vào chân giường. “Tôi rất cương quyết, các con tôi cũng quyết tâm. Chúng tôi “cai sống”, không giảm liều, không thuốc thay thế gì cả...”. Hơn hai tháng, các con của ông Hồng đã nghe lời cha mà cai nghiện, lời hứa đoạn tuyệt với ma túy được mỗi người tự viết ra giấy và treo ở đầu giường. Có quyết định đi cai nghiện tập trung, mấy cha con đều đồng ý rằng đó là cách tốt nhất để yên tâm trước mãnh lực của ma túy. “Từ đó đến nay, tôi đã đếm từng ngày. Tháng nào hai vợ chồng cũng thay nhau lên thăm con, hai đứa ở hai trường khác nhau...”.
Ông Hồng không chỉ đếm ngày để chờ con. Ông còn có cả một bộ sưu tập sách vở, báo chí về tệ nạn ma túy, các thông tin về cai nghiện và các trường cai nghiện. Qui chế hồi gia vừa được phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM trả lời trên báo làm ông mất ăn mất ngủ.
“Con tôi vấp ngã có lỗi của tôi. Tôi đã chuẩn bị sẵn việc làm cho các con để chờ ngày chúng về làm lại cuộc đời. Những điều kiện để hồi gia với người sau cai và gia đình, chúng tôi đảm bảo đáp ứng đủ. Nhưng sở lại yêu cầu thêm xác nhận nơi cư trú không còn ma túy nữa... Điều này quả là không phải trách nhiệm của cha con tôi và cũng khó thành hiện thực. Tương lai của các con tôi, của bao nhiêu thanh niên khác chẳng lẽ phải dừng lại ở trường cai nghiện? Tôi mong điều kiện này được UBND thành phố xem xét lại...”.
Những giải pháp tối ưu vẫn đang được tìm kiếm, bàn thảo. Trong khi đó, những học viên ở bên trong hàng rào, những cha, mẹ, vợ con, bà ngoại, bà nội ở ngoài hàng rào vẫn nhẩm đếm từng ngày, từng tháng...
-------------
* Kỳ sau: Sức mạnh từ trái tim
--------------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 2: Lên rừng làm lại cuộc đời!- Kỳ 1: Từ trạm trung chuyển...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận