Phóng to |
Nụ cười hiếm hoi của sinh viên Trần Thị Gương - Ảnh: H.Bình |
Gia đình thuộc diện cận nghèo Chiều 2-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Công Kích - phó chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, Bình Phước - cho biết gia đình ông Trần Văn Việt (cha của Trần Thị Gương, ở tổ 9, ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình) thuộc diện cận nghèo. Theo ông Kích, từ năm 2011 trở về trước, gia đình ông Việt thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, ấp dân cư đã bình xét gia đình ông Việt thoát nghèo. “Ông Việt hiện đã hết tuổi lao động, ở với một người con trai làm lao động phổ thông là lao động chính trong gia đình. Địa phương đã tạo điều kiện cho sinh viên Trần Thị Gương vay vốn sinh viên hằng năm. Còn vốn xóa đói giảm nghèo (15 triệu đồng), khi ấy người con trai của ông đi làm ăn xa, ông Việt đã hết tuổi lao động, đứng đơn vay nên chưa được giải quyết. Hiện chúng tôi đang xem xét đề nghị cho ông Việt vay vốn theo diện cận nghèo”. |
Gặp lại Trần Thị Gương, sinh viên năm 3 ngành thư viện - thông tin Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), ký ức về một thí sinh phải bán chó để làm lộ phí đi thi đại học ùa về.
Trước ngày đi thi đại học năm 2010, cầm sổ đất đi vay ngân hàng không được, rao bán mảnh ruộng sau nhà cũng không xong, gia đình Gương đành kêu “lái” đến bán một con chó được 300.000 đồng. Cầm số tiền này, Gương mua 30.000 đồng thức ăn cho cha ăn dần những ngày mình đi thi. Còn lại 270.000 đồng, Gương gom mấy bộ quần áo, một ít sách vở bỏ vào balô. Sợ không đủ tiền đi xe khách, Gương được người em họ chở bằng xe máy vượt gần 200km từ Bình Phước xuống TP.HCM. Hôm sau là ngày làm thủ tục dự thi đại học...
Gập ghềnh đường đến trường
Trời đã không phụ lòng người, Gương đậu đại học sau những năm dài miệt mài cố gắng. Để trang trải việc học, Gương nhanh chóng tìm công việc làm thêm. Năm thứ nhất, bạn nhận việc gói bánh kẹo với tiền công 40.000 đồng/buổi. Sau đó, hằng ngày Gương đạp xe đi làm thêm những công việc khác như phát tờ rơi, nhập dữ liệu...
Những tưởng cuộc sống sinh viên cứ thế trôi qua nhưng “quá nhiều thứ phải lo khiến mình đôi khi gục ngã”. Gương kể dần dần những đồng tiền từ làm thêm, vay vốn sinh viên teo tóp lại vì tiền thuốc cho những cơn đau đầu, chóng mặt. “Sức khỏe yếu, lo nghĩ chuyện gia đình, trang trải việc học khiến mình đuối sức. Khối u ở lưng thỉnh thoảng lại lên cơn đau nhức, đi khám mỗi lần tốn cả triệu đồng tiền thuốc...” - Gương nói với vẻ mặt âu lo, mỏi mệt.
Trước ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM thường xuyên bị hạ canxi, sợ phiền bạn cùng phòng nên Gương chuyển đến một chỗ trọ gần chợ Thủ Đức. “Cũng đỡ tốn kém hơn vì ở ngoài tự nấu ăn được, trọ thì mỗi tháng 400.000 đồng. Ăn tự nấu nên mỗi ngày khoảng 15.000 đồng nữa” - Gương cho biết. Cũng thời điểm này sức khỏe yếu dần, tiền thuốc thang nhiều, cha ở nhà không ai chăm sóc, Gương đành ngậm ngùi bảo lưu việc học để về nhà.
“Lúc ấy quá rối trí, tôi chẳng biết thế nào nữa nên đã bảo lưu việc học được bốn tháng - Gương nói - Về nhà được mấy hôm, nhớ trường nhớ lớp quá đành trở lại thành phố”. Hiện Gương đang ở TP.HCM, đi làm thêm để trang trải cuộc sống và học thêm tin học, các lớp kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. Gương kể trước đây bạn thích làm việc liên quan đến kinh doanh, tiếp xúc với nhiều người nhưng do “ngoại hình” (bị khối u ở lưng) nên thấy ngành thư viện phù hợp với mình.
Phóng to |
Bài báo về Trần Thị Gương trên báo Tuổi Trẻ ngày 9-7-2010 |
Gia đình khuyên... bỏ học
Gương kể bạn bảo lưu kết quả học tập một phần cũng do “không biết phải tính sao” khi người anh trai quyết liệt khuyên... bỏ học vì cho rằng không có tương lai. “Cha thì không nói gì nhưng mỗi lần về nhà, anh lại nói ra nói vào: khó khăn thế thì học làm gì, học xong rồi về có xin được việc hay không? Học cho nhiều vào sau này ra trường không xin được việc cũng vậy. Ở đây nhiều người học đại học xong, bỏ ra 70-80 triệu đồng vẫn không xin được việc, thất nghiệp đầy ra. Nhà lại không có một đồng... Về nhà, tôi bảo học xong đại học sẽ học thêm bằng hai 2-3 năm nữa, anh lại bảo học nhiều quá làm gì?”.
Bạn Đỗ Thị Ngọc Huyền - cùng lớp, chơi thân với Gương - cho biết rất ngưỡng mộ Gương về ý chí vươn lên trong cuộc sống. “Tôi biết Gương tự đi làm thêm các việc như phát tờ rơi, bán hàng, nhập dữ liệu... để tự trang trải việc học. Trước khi bảo lưu việc học, Gương có tâm sự với tôi là buồn lắm nhưng phải chịu thôi”.
Chiều 1-6, khi chúng tôi liên lạc, Gương cho biết hiện vẫn học tin học bằng B tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Do thời gian học từ 13g-17g nên Gương rất khó tìm được việc làm thêm. “Thời gian bảo lưu kết quả học tập tôi suy nghĩ rất nhiều, xem mình cần làm gì, nên làm gì để tiếp tục con đường học. Có nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ bước tiếp con đường của mình là học xong đại học và học thêm văn bằng hai về ngoại ngữ...” - Gương quả quyết.
Ý chí mạnh mẽ Bạn Võ Thế Cường - lớp trưởng của lớp Gương - cho biết kết quả học tập của Gương những năm ở đại học khá tốt. Cụ thể, điểm trung bình học kỳ từ năm thứ nhất đến năm thứ ba của Gương lần lượt là 6,9; 6,89; 7,92; 7,7 và 7,0. Trong đó, một số môn như tin học ứng dụng, nhập môn cơ sở dữ liệu có điểm trung bình 9,0. “Là lớp trưởng, tôi thấy Gương đi học đều, hoàn thành tốt các môn học. Gương chỉ gặp khó khăn ở một số môn giáo dục thể chất nhưng vẫn tham gia đầy đủ và không bỏ tiết. Tôi thấy một ý chí mạnh mẽ trong Gương. Có khi làm bài tập nhóm, Gương miệt mài làm đến 12g khuya mới nghỉ. Bận rộn việc làm thêm nhưng Gương cũng tham gia các hoạt động ở khoa, ở trường như công trình thanh niên, ngày chủ nhật xanh, tham quan dã ngoại và là thành viên của CLB học thuật Pro_Lis của khoa...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận