HLV Huỳnh Thị Thanh Khiết từng là tài năng trẻ rất triển vọng của đội bóng đá nữ TP.HCM trong khoảng năm 2003. Nhưng chấn thương liên miên đã khiến chị từ giã sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 26, chuyển sang thi đấu futsal để duy trì đam mê.
Đây chính là ngã rẽ định mệnh trong cuộc sống bóng đá của Thanh Khiết. Hơn 10 năm sau ngày đến với futsal, chị đã trở thành nữ HLV (CLB futsal nữ Thái Sơn Nam), nữ giảng viên futsal đầu tiên của Việt Nam - chứng chỉ do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấp.
Trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, HLV Huỳnh Thị Thanh Khiết hiểu rõ cần làm gì để trau dồi kiến thức cho các cầu thủ trẻ. Bên cạnh chuyên môn, một trong những điều chị luôn coi trọng chính là việc học văn hóa của học trò.
* Cái duyên nào đưa chị đến với công việc HLV futsal?
- Là cầu thủ bóng đá, tôi không thể vươn tới đỉnh cao vì sức khỏe yếu. Cứ mỗi lần tiệm cận đỉnh cao tôi lại bị chấn thương nặng. Lần đầu tôi mất 3 năm dưỡng thương. Cổ chân phải đứt hết dây chằng, chỉ còn mỗi gân Achilles. Bác sĩ nói nếu không chữa trị sẽ đối mặt nguy cơ tàn tật.
Khi trở lại, tôi vẫn đá ổn thì bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, vỡ hết sụn. Đó là khoảng năm 2007, tôi không chữa trị, chỉ bó chặt đầu gối và ráng chơi tiếp đến năm 2009. Lúc đó tôi 26 tuổi, vừa lấy được bằng đại học nên quyết định nghỉ.
Phải đến năm 2020 khi điều kiện kinh tế và y tế đã tốt hơn xưa, tôi mới mổ nối dây chằng. Sau khi nghỉ bóng đá, tôi biết đến futsal. Tôi còn ở tuổi trẻ nên băng dây chun bó chặt gối là có thể đá được futsal.
Năm 2012 tôi nghỉ đấu futsal, chuyển sang làm trợ lý HLV. May mắn cho tôi, lúc này CLB Thái Sơn Nam về quận 8 xây dựng phong trào futsal. Ở đây tôi được cập nhật các xu hướng của futsal thế giới từ chiến thuật, bài tập cho đến quản trị nhân sự. Từ đó, tôi xác định mục tiêu trở thành HLV futsal.
* Lấy bằng đại học từ khi còn thi đấu chuyên nghiệp, chị đã sớm coi trọng chuyện học văn hóa?
- Ngay từ những năm đầu đá bóng, tôi xác định phải học văn hóa. Hồi đó, thầy Trịnh Công Phương - đang là phó giám đốc Trung tâm TDTT Hoa Lư, TP.HCM - luôn tạo điều kiện cho tôi học.
Có lần tôi bỏ cuộc, không chịu được cái mệt khi vừa đá bóng vừa đi học. Thầy Phương gọi ra nói: Con không chịu học, hết đá bóng về chỉ đi làm công nhân thôi. Con quyết định tương lai của con sẽ như thế nào?
Vậy là tôi vừa học vừa đá bóng. Từ năm 2013 đến 2022, với sự trợ giúp của CLB Thái Sơn Nam, tôi tiếp tục học thạc sĩ thể dục thể thao, đạt tới cấp 3 (cấp cao nhất) HLV futsal của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và được cấp chứng nhận giảng viên AFC.
* Học bằng quốc tế, chị có gặp trở ngại gì với ngoại ngữ không? Vì đây cũng là thứ đã cản bước nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại?
- Tôi trau dồi tiếng Anh rất nhiều lúc bắt đầu học các bằng cấp của AFC. Nhưng do không được tiếp cận từ sớm, ngoại ngữ của tôi vẫn khiêm tốn, khó lên được cấp độ giảng dạy quốc tế.
Nếu chúng ta đầu tư bài bản chuyện học hành cho các cầu thủ, tôi tin ngoại ngữ không còn là vấn đề khó khăn. Lứa tuổi năng khiếu phù hợp để tiếp thu, chỉ là các em chưa biết nên học cái gì sẽ tốt cho tương lai.
Việc học đại học hay bằng cấp chuyên môn cần sắp xếp thời gian. Nhưng ngoại ngữ tôi thấy có thể học hằng ngày. Đơn giản như tôi cho các cầu thủ trẻ tiếp cận tiếng Anh qua âm nhạc hoặc những đoạn giao tiếp sau giờ tập mỗi ngày.
* Chị có lời khuyên gì với các học trò của mình về chuyện học?
- Sau 23 năm sống với bóng đá, tôi chỉ muốn chia sẻ với các em rằng cần xem bóng đá là một cái nghề và phải sống nghiêm túc với nghề.
Khi còn trẻ nếu chỉ nghĩ về việc đi chơi, chuyện xã hội quá nhiều, chắc chắn nền tảng sẽ không có. Cần nghĩ đến chuyện học, học là hành trang quan trọng nhất dành cho các bạn khi kết thúc đời cầu thủ.
Hoạt động tình thương giữa các chị em cầu thủ
Ngoài công việc HLV trưởng CLB futsal nữ Thái Sơn Nam, chị Huỳnh Thị Thanh Khiết hiện điều hành một CLB bóng đá cộng đồng mang tên mình. Đặc biệt ở sân bóng N.O.K - là nơi chị Khiết cùng các cầu thủ nữ tổ chức những trận đấu thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.
Hâm mộ HLV Park Hang Seo
HLV Huỳnh Thị Thanh Khiết chia sẻ: "Cầu thủ có ba cuộc sống: gia đình, xã hội và bóng đá. Khi HLV hiểu được khía cạnh gia đình, xã hội, sẽ nói chuyện bóng đá được với họ.
Tôi rất hâm mộ HLV Park Hang Seo ở khoản hiểu được các khía cạnh gia đình, xã hội và bóng đá của các học trò. Ông gần gũi với các cầu thủ, gia đình, vợ con của họ. Đó là thứ giúp ông ấy gặt hái thành công".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận