Phóng to |
Một người biểu tình chống thắt lưng buộc bụng ở quảng trường Syntagma, Athens bị cảnh sát Hi Lạp bắt giữ ngày 15-5 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, trái với người tiền nhiệm là “ngài đỏm dáng” Nicolas Sarkozy, ông François Hollande yêu cầu buổi tuyên thệ lúc 10g được tổ chức đơn giản. Tân tổng thống chỉ mời vài chục người đến tham dự cùng với 350 quan chức chính phủ. Không nguyên thủ quốc gia nào được mời tham dự.
Sau khi tuyên thệ, ông Hollande nhận quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân và các tài liệu mật quốc gia từ người tiền nhiệm Sarkozy. Đoàn xe chở ông diễu hành qua đại lộ Champs Élysées đến Khải Hoàn Môn để vẫy chào đám đông. Ngay sau đó ông lên đường sang Đức. Cách đây năm năm, ông Sarkozy cũng đến Đức trong chuyến công du đầu tiên nước ngoài của mình. Tình hình châu Âu nay dự báo có nhiều biến động lớn sau những cơn co giật vì khủng hoảng từ Hi Lạp.
Hi Lạp bế tắc
Hi Lạp, như báo Courrier International mô tả, đang là sân khấu sinh động minh họa các vấn đề của châu Âu. Báo này viết: “Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và cuối cùng là khủng hoảng chính trị. Các con bài domino của Hi Lạp lần lượt sụp đổ, các món thuốc đắng do Brussels và Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra cho Hi Lạp đã tỏ ra không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Tình hình Hi Lạp đang dự báo những biến động mới có khả năng lan rộng toàn châu Âu”. Do vậy, theo báo này, “đám cháy đang đe dọa” châu Âu từ Hi Lạp là trọng tâm nghị sự ngoại giao giữa ông Hollande, người ủng hộ một sự tái cân bằng giữa bộ đôi Pháp - Đức và bà Merkel - người tuyên bố “mở rộng vòng tay” đón ông Hollande - nhưng đầy cảnh giác với ông.
Thế bế tắc chính trị tại Hi Lạp đang khiến Athens tiến gần hơn đến nguy cơ phải ra khỏi khối đồng euro nếu không đáp ứng được các điều kiện vay nợ. Theo Reuters, đến ngày 15-5 Hi Lạp vẫn chưa thành lập được liên minh chính phủ để thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu nhằm đổi lấy gói cứu trợ tài chính từ châu Âu.
Tăng trưởng hay thắt lưng buộc bụng
Theo AFP, tại Berlin ông Hollande sẽ tìm kiếm sự nhượng bộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. “Chúng tôi sẽ nói rõ ràng những suy nghĩ, không phải về nhau mà về tương lai của châu Âu. Cùng nhau, chúng tôi có thể đạt được những nhượng bộ” - ông Hollande tuyên bố.
Ông Hollande cho biết sẽ đề xuất với các nước châu Âu một hiệp ước gắn liền giảm thâm hụt ngân sách với kích thích kinh tế. Ông khẳng định đây phải là “hướng đi mới” của châu Âu. Ông Hollande cho rằng các nước châu Âu đã quá chú trọng vào thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt mà lãng quên tăng trưởng kinh tế.
“Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hi Lạp khiến bà Merkel và ông Hollande phải nhanh chóng tìm ra giải pháp. Cho đến nay, nhiều lãnh đạo Đức vẫn chưa chắc chắn liệu các chính sách của họ có hoàn toàn đúng không. Ông Hollande và các lãnh đạo châu Âu khác cần giải thích cho họ rằng một nước Đức cứng nhắc có thể bị cô lập” - báo Anh Guardian dẫn lời chuyên gia Charles Grant, giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu, nhận định.
Giới phân tích nhận định những thất bại của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bầu cử địa phương mới đây, cũng như chỉ trích của Mỹ về chính sách đồng euro của Berlin có thể khiến bà nhượng bộ. Nhiều người tin tưởng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức sẽ “cởi mở” và tạo ra những chuyển động mới cho tương lai châu Âu.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định sẽ không có kết quả rõ rệt trong lần đàm phán đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp. “Mọi người đều không muốn mất mặt - nhà kinh tế Philippe d’Arvisenet của Hãng BNP Paribas nhận định - Có nghĩa sẽ có một tuyên bố đề cập đến chữ “tăng trưởng”, nhưng cũng nói rằng tăng trưởng không chỉ nhờ vào kích thích kinh tế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận