Anh Nguyễn Ngọc Hiền nhận bằng khen biểu dương sau khi anh trả lại 7.400 USD nhặt được khi anh làm lao công tại một chung cư ở quận Bình Thạnh, TP.HCM (5-2019) - Ảnh: MINH HÒA
Chiều 16-11, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố bị can N.T.X. (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về hành vi "cưỡng đoạt tài sản". Khi dọn vệ sinh cho một tòa nhà, X. nhặt được balô bỏ quên có nhiều tài sản bên trong và mang về nhà.
Theo yêu cầu của X., khổ chủ đã chuyển khoản cho X. 10 triệu đồng để chuộc lại balô. Tuy nhiên chị này vẫn không trả balô nên khổ chủ đã trình báo công an.
Ứng xử sao khi nhặt của rơi? Điều này trước nay tùy thuộc vào nền tảng đạo đức, giáo dục của bản thân người nhặt. Đã có nhiều tấm gương được tuyên dương trả lại của rơi giá trị hàng trăm triệu đồng.
Điển hình như vụ hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Bích (tỉnh Hà Nam) trả lại 21,4 lượng vàng nhặt được hay nữ sinh Bùi Thị Mỹ Dung (Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh) trả lại túi có tiền và vàng trị giá gần 500 triệu đồng cho người đánh rơi vào tháng 4-2021.
Trước đó, dư luận cũng khen ngợi hai vợ chồng thu gom rác Nguyễn Minh Tuấn (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) trả lại 6 lượng vàng và 13,7 triệu đồng nhặt được (tháng 7-2020). Anh lao công Nguyễn Ngọc Hiền (tại chung cư Đất Phương Nam, quận Bình Thạnh, TP.HCM) trả lại 7.400 USD và cũng từ chối nhận tiền, quà mọi người tặng ủng hộ nghĩa cử đẹp của anh.
Tuy vậy, vẫn có những vụ việc bị xử lý đáng tiếc như nữ lao công ở Hà Nội hay các vụ chiếm dụng tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản phải nhờ đến cơ quan công an vào cuộc xảy ra thời gian qua.
Ứng xử với của rơi cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không ít người chưa hiểu đúng và vi phạm pháp luật đáng tiếc từ những ứng xử với tài sản mình nhặt được.
* Luật sư Hà Hải (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Trả lại tài sản là nghĩa vụ của người nhặt
Việc trả lại tài sản đánh rơi, bỏ quên không chỉ là ứng xử phù hợp đạo đức mà pháp luật quy định đó là nghĩa vụ của người nhặt. Bộ luật dân sự quy định người nhặt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu nếu biết chủ sở hữu thông qua đặc điểm, thông tin lưu lại trên tài sản. Nếu không biết thì phải chuyển giao tài sản cho công an hoặc UBND cấp xã gần nhất để trả lại cho khổ chủ.
Trong trường hợp chiếm giữ trái phép, tùy tình huống, mức độ mà người nhặt có thể sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại điều 15, nghị định 167 hoặc xử lý hình sự về tội "chiếm giữ trái phép tài sản" (điều 176 Bộ luật hình sự 2015). Riêng vụ việc nữ lao công ở Hà Nội bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "cưỡng đoạt tài sản" là tùy thuộc kết quả điều tra, đánh giá về diễn biến, tính chất vụ án.
* Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):
Trường hợp nào được thưởng?
Pháp luật dân sự quy định người nhặt được của sẽ được hưởng tài sản hoặc Nhà nước thưởng một phần giá trị tài sản nếu chủ tài sản không đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu. Điển hình là vụ người phụ nữ nhặt ve chai ở quận Tân Bình (TP.HCM) phát hiện 5 triệu yen trong chiếc loa đã được cơ quan chức năng giao cho quyền sở hữu số tiền sau 1 năm thông báo mà không xác định được chủ sở hữu.
Bộ luật dân sự quy định khá nhiều trường hợp về của rơi và tương tự. Đó là tài sản bị bỏ quên, đánh rơi; tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm; gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước; tài sản không xác định được chủ sở hữu... Các trường hợp đều yêu cầu người nhặt được, người tìm thấy tự mình thông báo hoặc giao nộp cho cơ quan công an hoặc UBND cấp xã gần nhất để thông báo và trả lại cho chủ sở hữu.
Trong đời sống hằng ngày, xử lý tài sản bị bỏ quên, đánh rơi được quy định tại điều 230 Bộ luật dân sự. Theo đó, sau 1 năm kể từ khi thông báo tìm chủ sở hữu mà không ai đến nhận, cơ quan chức năng sẽ xác lập sở hữu nhà nước, trích thưởng cho người nhặt hoặc giao luôn cho người nhặt đối với tài sản bị bỏ quên, đánh rơi.
Nếu tài sản có giá trị dưới hoặc bằng 10 tháng lương cơ bản, người nhặt được sẽ được giao sở hữu luôn tài sản đó. Nếu tài sản trị giá trên 10 tháng lương cơ bản thì Nhà nước trích thưởng cho người nhặt 10 tháng lương cơ bản cộng với 50% giá trị của tài sản vượt quá 10 tháng lương cơ bản, phần còn lại của Nhà nước.
Trường hợp tài sản nhặt được là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì không được hưởng 10 tháng lương mà phải giao trả cho Nhà nước và được Nhà nước thưởng theo quy định tại nghị định 29/2018.
Trình tự xử lý của rơi nhặt được
Căn cứ quy định Bộ luật dân sự 2015 và nghị định 29/2018, trong trường hợp nhặt được tài sản mà không tìm được chủ sở hữu tài sản để trả lại ngay thì xử lý tài sản theo trình tự như sau:
- Người nhặt mang tài sản đến giao cho công an hoặc UBND cấp xã nơi gần nhất. Cơ quan tiếp nhận sẽ lập biên bản về việc tiếp nhận tài sản.
- Công an hoặc UBND cấp xã công bố, thông báo công khai tìm chủ sở hữu và phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Hết hạn 1 năm chủ sở hữu không đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu thì công an hoặc UBND cấp xã thực hiện tiếp bước xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản.
- Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo 1 năm, công an hoặc UBND cấp xã lập hồ sơ gửi phòng tài chính kế hoạch của UBND huyện đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên thuộc về Nhà nước.
- Trong 7 ngày làm việc phòng tài chính kế hoạch của UBND huyện lập tờ trình kèm hồ sơ để chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản.
- Chi thưởng cho người phát hiện và giao nộp tài sản bỏ quên, đánh rơi trên cơ sở tính toán giá trị tài sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận