08/10/2004 22:20 GMT+7

Gặp "Anh hùng châu Á năm 2004" Phạm Thị Huệ

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TT - Phạm Thị Huệ phát hiện mình nhiễm HIV ngay trên giường sinh hơn ba năm về trước (2-2001). Cái giây phút lâng lâng bay bổng trong hạnh phúc sắp được làm mẹ nhanh chóng “rơi xuống địa ngục”.

STDiQSpo.jpgPhóng to

"Anh hùng châu Á" Phạm Thị Huệ (phải) và tiến sĩ Khuất Thu Hồng, viện phó Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhận thông tin này qua Tuổi Trẻ - Ảnh: Đức Bình

TT - Phạm Thị Huệ phát hiện mình nhiễm HIV ngay trên giường sinh hơn ba năm về trước (2-2001). Cái giây phút lâng lâng bay bổng trong hạnh phúc sắp được làm mẹ nhanh chóng “rơi xuống địa ngục”.

Nhưng rồi với nghị lực bản thân, sự hỗ trợ động viên của gia đình, người thân, Huệ đã vượt qua được những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời để là một người mẹ tràn đầy yêu thương, một người vợ dịu hiền, một dâu con hiếu thảo...

Và hơn thế, Huệ đã vượt qua chính mình để trở thành một tình nguyện viên, một trưởng nhóm tư vấn, phòng chống HIV/AIDS, xóa bỏ sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV và gia đình... Phạm Thị Huệ vừa được tạp chí Time bầu chọn là một trong 20 “anh hùng châu Á năm 2004”.

Tháng ngày tuyệt vọng

Nhìn ảnh Huệ trên Tuổi Trẻ (ngày 7-10) với mũ tai bèo, tóc kết đuôi sam, khuôn mặt tươi trẻ, nụ cười tươi với hàm răng trắng, hẳn nhiều người không tin đây là bức ảnh chị mới chụp cách đây hai tháng, tại hội nghị quốc tế về AIDS ở Thái Lan (7-2004).

Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới “đuổi” kịp Huệ vì chị đi lại cứ như con thoi, lúc Hải Phòng, lúc Hà Nội, Quảng Ninh. Tìm, hỏi gọi điện về nhà ở Hải Phòng thì chồng Huệ, cũng là một bệnh nhân AIDS, cho biết chị đã lên Hà Nội.

“Lên Hà Nội, Huệ ở đâu?”. “Cứ hỏi các văn phòng, các trung tâm nghiên cứu về phòng chống HIV/AIDS chắc chắn sẽ tìm được nhà tôi ở đấy”, người chồng thật thà bảo.

Ngôi nhà 68 Hạ Lý cùng số điện thoại 031.842.747 của gia đình giờ cũng là địa chỉ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS của nhóm “Hoa phượng đỏ”, của CLB “Mẹ và vợ”.

Và quả thật, chúng tôi đã gặp được Huệ tại Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (P.906, 17T5 khu đô thị Trung Hòa, Hà Nội) khi chị đang trao đổi, tra cứu tài liệu về phòng chống AIDS.

Huệ ngoài đời già dặn hơn nhiều so với tuổi 25, nhưng vẫn cười tươi khoe hàm răng trắng muốt. “Giờ chồng con rồi phải khác chứ”. Chính vì xinh đẹp nên từ một cô công nhân nhà máy giày da, Huệ đã lọt vào mắt một chàng trai con nhà khá giả tại thành phố. Sau đám cưới một năm, gia đình hai bên tràn ngập hạnh phúc khi sắp được lên ông, lên bà thì...

Lúc Huệ nằm lịm chuẩn bị sinh nở cũng là lúc lơ mơ nghe các bác sĩ, hộ lý kháo nhau: “Chồng trước đây nghiện và nhiễm HIV, chắc cô ấy cũng dương tính nốt thôi. Không biết đứa bé này...”. “Tôi chết lặng, không biết gì nữa cho đến khi tiếng oa oa của con khóc ré lên và bác sĩ nói: con trai. Hộ lý thờ ơ, lạnh nhạt. Quần áo viện không được mượn, nói mãi cô hộ lý bảo cho hẳn bộ quần áo, không cần lấy lại. Lúc đó tôi muốn chết...”.

Sau tám ngày nằm viện, gia đình thuê cho một căn phòng trọ rồi đón cả vợ chồng, con cái Huệ. Không cần nói cũng biết đôi vợ chồng trẻ, đứa con còn đỏ hỏn phải chịu khó khăn trong sự xa lánh, hắt hủi của mọi người như thế nào; hai ba lần chuyển chỗ trọ. Nhưng lẽ nào cứ lẩn tránh mãi?!...

Chấp nhận đương đầu và chiến thắng

0xjQQR8P.jpgPhóng to
Hình ảnh Huệ và con trai Hà Minh Hiếu (4 tuổi) trên các sổ lịch, tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS - Ảnh: Đức Bình
Tiến sĩ, viện phó Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp Huệ. Đó là tại hội thảo chuyên đề “Đương đầu với kỳ thị và sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” (tháng 9-2002, tại Hà Nội).

Khi đó Huệ dự hội thảo với tư cách thành viên CLB Hải Âu của TP Hải Phòng với một cái tên khác. Giờ giải lao, một cô gái tiều tụy, xanh xao rụt rè hỏi: “Đã có thuốc chữa được căn bệnh này chưa cô? Cháu có một người bạn bị nhiễm HIV...”. Tiến sĩ Hồng biết cô gái hỏi cho chính mình, nhẹ nhàng giải đáp và chia sẻ.

Phải chăng vì vậy, ngay sau giờ giải lao, ngay trên diễn đàn hội thảo, Phạm Thị Huệ đã mạnh dạn đứng lên kể câu chuyện chính mình, chuyện mình bị người xung quanh xa lánh, kỳ thị rất cụ thể ra sao. Cả hội trường im phắc, Huệ kể thêm: “Khi chúng tôi về nhà, quán cơm phở của mẹ chồng tôi dần vắng khách. Bán hàng giải khát cũng phải dẹp. Tính mở hiệu may thì khách hàng nói thẳng “đừng để nó động vào đồ của tôi”.

Huệ bảo chính hành động ân cần, ôm Huệ vào lòng của tiến sĩ Hồng đã làm Huệ thay đổi và Huệ quyết định phải nói, phải làm như những điều tiến sĩ Hồng nói chứ không thể mãi đội lốt người khác, sống mà như đã chết, sống để chờ chết được...

Từ hội thảo trở về, Huệ tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về HIV/AIDS, chăm sóc người bệnh. Cô xuất hiện nhiều hơn tại các hội thảo trong nước và cả hội thảo quốc tế chỉ với một thông điệp: “Sự kỳ thị không phải là thuốc chữa. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì kỳ thị”.

Gia đình, chồng hiểu việc làm của Huệ và tạo mọi điều kiện. Huệ còn tích cực đứng ra vận động, thành lập các mô hình CLB, nhóm đội tuyên truyền, tư vấn như CLB “Mẹ và vợ của những người nhiễm HIV/AIDS phường Hạ Lý”, nhóm “Hoa phượng đỏ” của Hải Phòng.

Huệ đã xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Địa chỉ nhà, tên tuổi giờ Huệ không phải giấu giếm. Cô đã cho mọi người thấy “sự kỳ thị, xa lánh người bệnh hoàn toàn không có ích trong việc phòng chống HIV... Người bệnh cần sự cảm thông, chia sẻ” - Huệ nói.

Chỉ với những gì đã làm, Huệ xứng đáng là một “anh hùng”.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên