16/02/2020 08:01 GMT+7

Gánh xí mà từ mưu sinh thành 'di sản'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) có một cặp vợ chồng mà mỗi lần nhắc tới hẳn rất nhiều người gần xa đều biết và "như một phần thương nhớ" của thành phố này: cụ Ngô Thiếu và vợ là cụ Nguyễn Thị Hạnh.

Gánh xí mà từ mưu sinh thành di sản - Ảnh 1.

Hình ảnh của vợ chồng cụ Thiếu đã đi vào nghệ thuật nhiếp ảnh như một phần bản sắc của Hội An - Ảnh: B.D. chụp lại

Hai cụ cùng gánh xí mà từ để mưu sinh nay như thành một "di sản" của thành phố.

"Ai xí mà không?"

"Cha tôi sinh năm 1915, năm nay tròn 105 tuổi. Còn mẹ tôi năm nay đã bước qua tuổi 95. Những ai từng lớn lên, trưởng thành từ phố cổ đều biết gánh xí mà của cha mẹ tôi ở giếng cổ Bá Lễ. Gánh xí mà ấy được quẩy suốt 70 năm và chỉ chuyển qua vai các con mới đây khi cha mẹ tôi đã quá già yếu. 

Với người Hội An, gánh xí mà ấy là một phần của ký ức nhưng với chúng tôi đó là sự tảo tần một đời cha mẹ nuôi con khôn lớn" - ông Ngô Bảo, con trai cả của cụ Ngô Thiếu, kể khi nhóm du khách quốc tịch Mỹ tới thăm nhà mình.

Cụ Ngô Thiếu cùng vợ ngồi trong nhà, đưa ánh mắt ngơ ngác, chậm chạp nắm tay từng người khách đến thăm gánh xí mà của ông bà. 70 năm gánh hàng ra phố bán, giờ đây hai cụ đã rất yếu, hằng ngày ở nhà phụ con nấu xí mà bán cho khách du lịch tới tham quan.

Ông Bảo kể rằng cha mẹ ông trước đây đi nấu xí mà cho một gia đình thương nhân người Hoa ở Hội An. Khi chiến tranh ập đến, gia đình người Hoa ấy rời Hội An, do quá quen với nghề nấu xí mà nên cha mẹ ông đã quyết định đưa quang gánh ra phố. 

"Xí mà phù đây! Ai xí mà phù nóng không...". Giọng rao khàn đặc và bóng dáng liêu xiêu, khắc khổ của ông bà đã in thành ký ức trên từng viên gạch cổ. "Tôi luôn thấy hình ảnh mẹ cha tôi đi qua những tháng năm trên phố cổ" - ông Bảo tự hào.

Gánh xí mà từ mưu sinh thành di sản - Ảnh 2.

Cụ Hạnh trò chuyện về nghề của mình với đoàn khách du lịch nước ngoài - Ảnh: B.D.

Ký ức "xí mà phù"

Hội An là vùng đất của rất nhiều món ăn nổi tiếng. Xí mà không phổ biến, không có nhiều người ăn được nhưng ở Hội An tới nay món ăn này vẫn tồn tại với bao thương nhớ. Xí mà cũng từng được rất nhiều nhà hàng, khách sạn nấu thử để đưa vào phục vụ khách du lịch nhưng các dự án đó đã sớm... chết yểu. 

Trong khi đó, lò xí mà duy nhất Hội An hiện nay của cụ Thiếu, cụ Hạnh mở ra trên vỉa hè phố cổ thì vẫn sống khỏe qua mỗi ngày.

"Xí mà hơi khó ăn, nhưng ai ăn được thì rất ghiền. Xí mà vốn là một món ăn "giặm", thường được người nghèo quang gánh đi bán cho người qua đường lót dạ nên nó có một không gian sống đặc trưng. Hội An là phố cổ nên sự có mặt của xí mà cũng rất thích hợp, cùng là món ăn đó nhưng ăn xí mà ở Hội An lúc nào cũng cảm thấy ngon hơn, đặc biệt hơn" - ông Bảo nói.

Để có xí mà bán, cụ Thiếu cho biết hai vợ chồng phải tìm tới từng hộ dân trồng mè, sắn dây quen biết để mua nguyên liệu sạch đem về chế biến. Món xí mà ra lò nóng hổi trên chén thì đằng sau đó là cả một quá trình nhồi bột, xay cối đá, làm nguyên liệu cực nhọc của người thợ. Quá trình này mất từ nửa ngày hôm trước tới trọn đêm để sáng ra có nồi xí mà nóng hổi quẩy ra phố bán phục vụ bà con. Xí mà cũng nuôi ba người con khôn lớn.

Những năm 1990 trở đi, khi Hội An được UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới, gánh xí mà của hai cụ nổi tiếng hơn. Khách du lịch tìm đến thưởng thức và giới thiệu cho bạn bè. "Con cái tôi mở tivi, mở báo ra đọc thấy hình ảnh vợ chồng tôi trên báo, trên mạng thì vui lắm. Mình theo nghề này tới gần trọn một đời người nên dứt ra không được" - cụ Thiếu nói.

Gánh xí mà từ mưu sinh thành di sản - Ảnh 3.

Gánh xí mà của cụ Thiếu được người con gái thay cha mẹ quẩy ra phố bán mỗi ngày - Ảnh: B.D.

Cõng cha mẹ ra phố bán xí mà

Vui vì được biết đến như là một "di sản" của thành phố cổ yêu thương, vì con cái trưởng thành nhưng càng lớn tuổi, hai cụ lại lo lò xí mà sẽ không còn người nhóm lửa. Năm 2014, trong một bữa cơm tối, hai cụ đã dốc ruột gan giãi bày nỗi niềm của mình. 

Thật bất ngờ, cả ba người con gồm con trai cả Ngô Bảo - lúc đó là hiệu trưởng một trường THCS tại Hội An - cùng hai con gái gồm Ngô Thị Thị, Ngô Thị Mỹ - đều đang làm việc trong cơ quan nhà nước - đã nói với cha mẹ rằng họ đã có sự chuẩn bị từ trước.

Ông Ngô Bảo nói ông và các em đều hiểu gánh xí mà của cha mẹ không còn là câu chuyện mưu sinh riêng của một gia đình mà đã thành "một phần của di sản Hội An". "Chúng tôi âm thầm học nghề rồi tính toán khi cha mẹ yếu đi cả ba anh em sẽ nối nghiệp. 

Năm 2015, khi cha mẹ bắt đầu yếu thì chúng tôi tranh thủ vừa đi làm vừa thay nhau về nấu xí mà rồi đưa cha mẹ ra phố để bán. Gánh xí mà không phải để mưu sinh mà đó là chữ hiếu, chúng tôi muốn cha mẹ vui, muốn đưa hai cụ ra phố mỗi ngày" - ông Bảo kể.

Bà Ngô Thị Mỹ - người con út của cụ Thiếu - khi nghỉ công việc cũng đã về thay cha mẹ giữ lửa, đều đặn gánh xí mà ra phố ngồi bán. Thỉnh thoảng nơi bà ngồi bán lại có thêm cha mẹ được anh, chị cõng ra ngồi xem, trò chuyện với bà con. Hình ảnh một gia đình ấm cúng, trọn đạo hiếu và nghĩa tình ấy đã được nhiều khách du lịch, nhiếp ảnh gia ghi lại.

Điểm tham quan văn hóa

152xm9 1(read-only)

Chân dung cụ Thiếu do một họa sĩ vẽ tặng - Ảnh: B.D.

Năm 2019, UBND TP Hội An đã quyết định đưa ngôi nhà và gánh xí mà của gia đình cụ Thiếu thành một điểm tham quan văn hóa. Hằng ngày khách du lịch được đưa tới để trò chuyện trực tiếp với hai người đặc biệt của Hội An, thưởng thức những bát xí mà sền sệt, nóng hổi.

Đây là một tour du lịch rất đặc biệt và thu hút rất đông du khách không chỉ bởi câu chuyện một món ăn "di sản" mà còn là nơi duy nhất ở phố cổ Hội An được biến thành điểm du lịch từ một gánh hàng rong mưu sinh của một gia đình.

Ông Ngô Bảo cho biết một khi cha mẹ qua đời, ba anh em sẽ giữ lại nghề và không bao giờ để lò xí mà nguội lạnh. "Mỗi chén xí mà chúng tôi bán 5.000-10.000 đồng. Giá trị chẳng bao nhiêu nhưng đó là một phần của cuộc sống, đạo nghĩa và những gì Hội An đã mang lại cho gia đình tôi, cha mẹ tôi. Chúng tôi có trách nhiệm kế nghiệp, giữ lại" - ông Bảo nói.

Rồi ông kể luôn kế hoạch rằng mỗi tuần vợ chồng ông quẩy gánh ra phố bán vào thứ năm, các ngày còn lại thì em út của ông đứng bán. Riêng tại nhà cha mẹ thì cô em kế phụ cha mẹ nấu và bán xí mà, tiếp chuyện với khách tới tham quan.

Món ăn 400 năm

162xm3 2(read-only)

Xí mà được nấu chín để bán cho khách - Ảnh: B.D.

Theo tài liệu của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, xí mà là món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa, xuất hiện tại Hội An từ thế kỷ 17 trong quá trình giao lưu hội nhập, làm ăn của các thương nhân người nước ngoài tại phố cổ.

Nguyên liệu chính của xí mà là mè đen, bột sắn dây, bột khoai, lá mơ, rau má cùng một số vị thuốc bắc. Cách chế biến: mè đen rang chín rồi đem giã nhuyễn; rau mơ lông cùng rau má xay vắt lấy nước. Thuốc bắc nấu sôi rồi lọc nước, nước đường nấu sôi lên. Kế đó cho hỗn hợp gồm nước rau mơ lông, rau má, nước đường vào nấu chung.

Khi hỗn hợp này sôi thì tiếp tục đổ mè xay nhuyễn, bột sắn dây, bột khoai cùng nước thuốc bắc vào đun kết hợp khuấy đều cho đến khi có vị sền sệt thì ra món xí mà.

Người Hội An xa dần, phố cổ giờ Người Hội An xa dần, phố cổ giờ 'rỗng ruột'

TTO - Khách tới đông khiến Hội An (Quảng Nam) trở thành nơi buôn bán, kinh doanh sầm uất. Bên cạnh đó, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ ngày một nhanh làm phố cổ "rỗng ruột", đánh mất dần hơi thở bản địa.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên