26/09/2022 09:54 GMT+7

'Gánh con' đi suốt cuộc đời - Kỳ 1: Mẹ khóc với tiếng hú của con lúc nửa đêm

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Chúng tôi tới thăm, Quỳnh đang ngồi trên giường bật quạt, vuốt tóc, cười một mình. Mái tóc vừa được mẹ buộc lại kéo xõa ra. Ngôi nhà hai gian và một gác xép không có đồ vật nào đáng giá.

Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 1: Mẹ khóc với tiếng hú của con lúc nửa đêm - Ảnh 1.

"Dù thế nào, con vẫn là máu mủ, yêu thương của mẹ. Ông trời cho con lành lặn, giỏi giang, mẹ yêu thương con. Nhưng chẳng may ông trời để con khiếm khuyết, đớn đau, bất hạnh, mẹ càng yêu thương con nhiều hơn. Vì con thế nào cũng là con của mẹ đứt ruột sinh ra mà". Đó là nỗi lòng một người mẹ có con bị khiếm khuyết và cũng là chủ đề của loạt bài tình mẹ này.

Vừa chợp mắt, chị Hạnh đã bị đánh thức, rồi ứa nước mắt thương con gái đang lên cơn hú hét ầm ĩ giữa khuya. Con đau một, lòng mẹ đau mười. Đó là những lần con chị hết thuốc, chưa kịp tái khám. Để con gái có giấc ngủ yên lành, suốt 20 năm người mẹ đã làm mọi cách, kể cả nhịn ăn để con có thuốc uống.

Thiên thần chỉ biết cười

"Nếu không có thuốc con sẽ lại vật lộn, hú ầm ĩ lên giữa đêm khuya thôi", chị Trần Thị Hạnh dịu dàng nói với con gái trong khi buộc lại mái tóc xõa bù xù cho cô. Nhưng cô con gái lại thản nhiên mỉm cười, không hiểu tính nghiêm trọng của bệnh tình.

Nguyễn Như Quỳnh, 27 tuổi, là con gái đầu lòng của chị Trần Thị Hạnh và anh Nguyễn Như Thủy, ở thôn Cầu, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Bốn năm sau khi có con gái đầu lòng, họ có thêm con gái thứ hai Nguyễn Như Thúy, và tới 10 năm sau mới sinh thêm cậu con trai Nguyễn Quyết Thắng.

Trải qua ba lần sinh thường, chị Hạnh đều bình an. Chỉ có Quỳnh lúc chào đời bị ngạt 2 tiếng mới chịu khóc, cả nhà bị một phen hú vía. Những năm đầu đời, bé Quỳnh đẹp tựa thiên thần, tâm sinh lý bình thường như chúng bạn cùng trang lứa. Vợ chồng chị Hạnh mãn nguyện với cuộc sống giản dị, yên bình ở quê.

Biến cố bắt đầu xảy ra khi Quỳnh vào lớp 1, những dấu hiệu bất thường xuất hiện. Quỳnh không chịu ngồi yên trong lớp, chọc quấy bạn học, chỉ làm điều mình thích.

"Tôi luôn muốn con được học hành đầy đủ, nhưng con gây lộn với bạn, xé sách vở, không nhớ được chữ gì trong đầu" - chị Hạnh cho biết nhà trường và thầy cô đã rất ưu ái cho con gái của chị, đã dành cho Quỳnh một bàn học riêng và chú ý kèm cặp cô học trò đặc biệt này.

Đến năm lớp 7, Quỳnh buộc phải thôi học vì liên tục gây náo loạn mức nghiêm trọng. Lúc này vợ chồng chị Hạnh đã biết con gái mắc chứng bệnh về tâm lý, sau khi đưa đi khám tại một số bệnh viện. Bác sĩ khuyên gia đình nên đưa Quỳnh đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để được khám kỹ lưỡng hơn.

Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 1: Mẹ khóc với tiếng hú của con lúc nửa đêm - Ảnh 2.

Con gái lớn rồi nhưng người mẹ vẫn phải chăm con như bé thơ - Ảnh: TÂM LÊ

Chạy tìm hy vọng cho con

Tình trạng Quỳnh ngày càng xấu, ban ngày đi lang thang, ban đêm la hú. Quỳnh còn có sở thích ra đền chùa nằm ngủ, hoặc ngồi bên cạnh các ngôi mộ. Điều này khiến dân làng cho rằng cô bé đã bị trúng tà ma, cần tìm thầy lang giải trừ.

Vợ chồng chị Hạnh cũng nghĩ con gái trúng tà, vì quanh vùng không ai mắc căn bệnh kỳ lạ như vậy. Hễ ai mách thầy nào "cao tay", họ lại chở con gái đến với hy vọng. 

"Chúng tôi đã tìm đến 3-4 thầy lang, có chuyến đi tận bản sâu huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Mỗi lần đi đều phải vay tiền, có chuyến hết 36 triệu đồng mà con vẫn không khỏi. Vì ít học, người ta nói sao nghe vậy, tiền mất mà tật của con vẫn còn" - chị Hạnh thở dài.

Năm 2014, vợ chồng chị quyết định đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Kết quả khám, Quỳnh bị mắc chứng tâm thần phân liệt thể Pranoid. Gia đình nội ngoại không có tiền sử bệnh, nghi Quỳnh bị ngạt lúc mới sinh.

Thời gian đầu Quỳnh được ở lại bệnh viện điều trị, tâm lý ổn định nhờ thuốc. Cô không còn bị mất ngủ, la hú, đập phá. Nhưng một vấn đề mới lại phát sinh, tiền chữa trị kéo dài vô cùng tốn kém. Một tháng Quỳnh nằm viện hết 10 triệu đồng.

Năm đầu gia đình còn vay mượn để Quỳnh được ở lại, năm sau bệnh viện phải liên tục gọi người nhà đón về vì thiếu viện phí. Về nhà, số tiền thuốc còn hơn 2 triệu một tháng, nhưng vợ chồng phải làm việc ở gần nhà để trông con.

Công việc phụ hồ lương tính theo ngày của chồng và tiền bán thóc lúa của chị Hạnh tính chi li cỡ nào cũng thiếu, thêm chồng phát bệnh tim không làm được việc nặng.

Chị Hạnh phải xoay xở đủ nghề. Buổi sáng chị bán đồ cúng lễ, chuối, vàng hương trước nhà, trưa nắng tranh thủ đi tìm nhặt ve chai khắp làng, chiều lại ra đồng chăm lúa. Trông chị gầy rộc, da đen sạm, mắt trũng sâu. Nhưng thuốc con sắp hết, cơ thể chị như  được "kích điện" lại bật lên.

Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 1: Mẹ khóc với tiếng hú của con lúc nửa đêm - Ảnh 3.

Mỗi ngày chị Hạnh phải bóc từng viên thuốc cho con gái - Ảnh: TÂM LÊ

Mẹ luôn bên con

Bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người thường xuyên điều trị cho Quỳnh, báo tin xấu: "Bệnh Quỳnh không có khả năng hồi phục như người bình thường và phải duy trì thuốc suốt đời. Gia đình phải chịu gánh nặng về tài chính, nếu dừng thuốc người bệnh sẽ nổi loạn, không kiểm soát được hành vi".

Chúng tôi tới thăm, Quỳnh đang ngồi trên giường bật quạt, vuốt tóc, cười một mình. Mái tóc vừa được mẹ buộc lại kéo xõa ra. Ngôi nhà hai gian và một gác xép không có đồ vật nào đáng giá.

"Tivi Quỳnh đập từ lâu rồi, cái tủ lạnh cũ cũng bị méo một góc kia, nồi cơm điện thì hỏng nắp. Mỗi lần Quỳnh hết thuốc đấy! Chỉ đến ngày thứ hai hết thuốc là biết ngay, nên thà nhịn ăn chứ thuốc của con không thể thiếu một ngày" - chị Hạnh co bàn tay phải, vết sẹo khâu chưa lành hẳn vì đã cố lấy dao khỏi tay con gái. Lần ấy người mẹ thà chịu thương tích, máu me đầm đìa để cứu con.

Bị "tố giác", Quỳnh chỉ cười. Thi thoảng cô mới cất tiếng hỏi và trả lời người khác. Trí nhớ vẫn tốt, nhận biết được từng người trên tấm hình cũ: "Đây là mẹ, em và em gái hồi bé, em thương mẹ vì mẹ sinh ra mình, nuôi mình lớn", Quỳnh cất lời.

Biết thương mẹ nhưng Quỳnh lại không biết làm việc gì dù nhỏ để giúp mẹ, kể cả việc sinh hoạt cá nhân. Đến giờ cơm trưa, chị Hạnh nhấp nhổm lo làm cơm nước cho kịp chồng đi làm về. Quỳnh vẫn ngồi bên quạt, bình thản vuốt tóc.

Ăn xong Quỳnh lại ngồi vuốt tóc, cắn móng tay, ai bận cứ việc bận. Chị Hạnh dọn mâm, pha trà, lấy bọc thuốc bóc từng viên cho Quỳnh uống. Ngồi bên mẹ, Quỳnh thi thoảng lại nhéo mẹ một cái, chẳng vì lý do gì. Chị Hạnh chỉ nhăn mặt, nhìn con không mắng như chị đã quen với điều đó.

"Quỳnh từng lấy chồng", chị Hạnh bất ngờ kể, nhưng chỉ được một năm thì bỏ về nhà. Khi hai bên thông gia gặp nhau đã nói rõ trước hoàn cảnh ốm đau của cả dâu rể, chỉ trông hai đứa sống với nhau cho có bạn.

Bà Nguyễn Thị Hằng, người bán hàng gần nhà chị Hạnh, nhiều lần chứng kiến Quỳnh nổi loạn, sợ hãi kể: "Mới tháng trước Quỳnh lên cơn cứ ôm đầu mẹ cắn, tôi chạy đến, cố tách hai mẹ con ra. Quỳnh cắn cả vào bả vai tôi, giờ vẫn còn sẹo. Hạnh từ xưa tới nay khổ vì con nhưng vẫn luôn thương con hết mức, không than phiền một lời". Người mẹ bị con cắn vào đầu đau đớn đến chảy nước mắt nhưng vẫn cố gắng dìu con qua cơn loạn thần…

Cậu con trai của chị năm nay lên lớp 8, nhiều năm là học sinh giỏi văn của huyện, được cả gia đình kỳ vọng. "Tiền học mỗi cấp sẽ khác, tôi chỉ mong có sức khỏe để chăm lo cho các con, nhất là cái Quỳnh không thể thiếu mẹ được", chị Hạnh nghèn nghẹn trải lòng.

3 giờ chiều được mẹ tắm mát, Quỳnh reo lên khoe như một đứa trẻ. Chị Hạnh tỉ mỉ lau mặt, rửa tay chân cho con gái. Hôm nào có công chuyện phải xa nhà, chị Hạnh bất đắc dĩ phải cho con gái uống thuốc ngủ, canh đúng giờ con tỉnh thì về.

Chị nhớ có lần con gái đang ngủ, chị lấy dây buộc chân tay con gái cho yên tâm. Khi về nhà thấy cổ tay, cổ chân Quỳnh thâm tím thì thương xé ruột. Từ đó chị không bao giờ đi xa, về muộn nữa.

Hai đứa bé 9-10 tuổi đang lớn nhanh như thổi, bỗng một trận sốt làm cơ thể, chân tay cứ thế nhỏ lại, yếu dần. Và người mẹ đã hơn 30 năm làm đôi tay, đôi chân cho các con.

Kỳ tới: Thương đứt ruột những đứa con lớn ngược

U Hoa của 500 đứa trẻ tật nguyền U Hoa của 500 đứa trẻ tật nguyền

TTO - Ai cũng bảo U Hoa có nụ cười rất đẹp, chẳng đúng lắm với cái tên 'quý bà tuổi Dần', còn U lại nghĩ nhờ bản tính vô tư, hay cười như vậy mới sống được với những đứa trẻ khuyết tật đến ngày hôm nay.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên