
Nhân viên dọn dẹp hiện trường nơi có nạn nhân qua đời cô độc tại Nhật Bản - Ảnh: REUTERS
Đài NHK (Nhật Bản) ngày 12-4 dẫn báo cáo mới nhất từ Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, công bố số liệu thống kê về các trường hợp tử vong được cảnh sát xử lý trong năm 2024.
Theo đó trong tổng số 204.184 vụ tử vong nước này ghi nhận, có 76.020 trường hợp được xác định là chết cô độc.
Ngày 11-4, nội các Nhật Bản lần đầu tiên công bố số liệu chi tiết về hiện tượng được gọi là "chết cô lập".
Khái niệm này khác với "chết cô độc" ở chỗ không chỉ mô tả những người sống một mình, mà còn đặc biệt nhấn mạnh tình trạng tử vong kéo dài ít nhất 8 ngày mới được phát hiện và người tử vong gần như không có mối quan hệ xã hội đáng kể khi còn sống.
Báo động tình trạng 'chết cô độc' và 'chết cô lập' ở Nhật Bản
Trong tổng số hơn 204.000 trường hợp tử vong do cảnh sát nước này xử lý trong năm 2024, có đến 76.020 nạn nhân là người sống một mình, chiếm 37% tổng số. Đáng lưu ý, phần lớn nạn nhân thuộc nhóm người cao tuổi, với hơn 70% ở độ tuổi từ 65 trở lên.
Theo Đài NHK, các phân tích sâu hơn được thực hiện trong năm 2024 cho thấy có tới 21.856 trường hợp tử vong rơi vào diện "chết cô lập", tức tử vong tại nhà mà thi thể chỉ được phát hiện sau ít nhất 8 ngày. Trong số này, gần 80% người từ 60 tuổi trở lên, và nam giới chiếm tỉ lệ áp đảo với 80%.
Dữ liệu về thời gian phát hiện thi thể cho thấy tuy gần 40% được phát hiện trong vòng một ngày sau khi qua đời, vẫn có đến 6.945 người được tìm thấy sau hơn một tháng, và đặc biệt có 253 trường hợp chỉ được phát hiện sau hơn một năm kể từ khi qua đời, phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.
Các số liệu liên quan báo động xu hướng gia tăng đáng lo ngại về hiện tượng sống cô lập với xã hội tại Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang đối diện với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cùng với sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc gia đình truyền thống.
Chính phủ và các cơ quan hữu quan Nhật Bản hiện đang đứng trước áp lực lớn trong việc xây dựng và phát triển các hệ thống hỗ trợ xã hội nhằm phát hiện sớm và giảm thiểu tình trạng chết cô lập - chết cô độc, một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại.
Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Quốc gia này bước vào giai đoạn xã hội già hóa từ năm 1973, chuyển sang giai đoạn xã hội già vào năm 1994 và chính thức bước vào giai đoạn siêu già kể từ năm 2007.
Tình trạng già hóa dân số không chỉ gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống an sinh xã hội, mà còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nổi bật nhất là hiện tượng "chết cô độc" và "chết cô lập", với những người cao tuổi hoặc người sống một mình tử vong mà không ai hay biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận