Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng công suất của các đập dự kiến sẽ giảm từ 6.000 tỉ m3 xuống còn 4.655 tỉ m3 vào năm 2050. Nghiên cứu kêu gọi thế giới cần phải có hành động để giải quyết vấn đề, cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng lưu trữ quan trọng.
Phù sa tích tụ trong các hồ chứa do sự gián đoạn của dòng nước tự nhiên. Lượng phù sa này có thể gây hư hại cho các tua bin thủy điện và ảnh hưởng quá trình phát điện.
Việc các con đập cản trở dòng trầm tích dọc theo bờ sông cũng có thể khiến các vùng thượng nguồn dễ bị lũ lụt hơn và làm xói mòn môi trường sống ở hạ lưu.
Theo Hãng tin Reuters, nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đã xem xét dữ liệu từ hơn 47.000 con đập ở 150 quốc gia và ghi nhận 16% công suất ban đầu đã bị mất.
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cho biết Mỹ đang phải đối mặt với mức thiệt hại 34% vào năm 2050, trong khi Brazil ước tính mất 23%, Ấn Độ mất 26% và Trung Quốc mất 20%.
Nhiều chuyên gia từ lâu đã cảnh báo về những con đập có thể gây ra tổn thất cho xã hội và môi trường nhiều hơn lợi ích mà chúng mang lại.
Ông Vladimir Smakhtin, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết hiện việc xây dựng đập trên toàn thế giới đã giảm đáng kể. Theo vị giám đốc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Đại học Liên Hiệp Quốc này, hiện nay khoảng 50 con đập được xây dựng mỗi năm, giảm mạnh so với 1.000 đập/năm vào giữa thế kỷ trước.
"Nay chúng ta nên đặt câu hỏi về việc đâu là những lựa chọn thay thế cho các con đập, bao gồm cả trong việc tạo ra năng lượng, khi chúng đang bị loại bỏ dần", ông Smakhtin nói.
Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng đập trên các con sông lớn. Thủy điện là một phần quan trọng trong kế hoạch cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và kiểm soát khí thải nhà kính của quốc gia này. Song các dự án như đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới - đã gây ra không ít vấn đề về mặt xã hội và môi trường.
Theo nghiên cứu do Reuters công bố năm ngoái, các con đập do Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong cũng làm gián đoạn dòng phù sa chảy vào các quốc gia hạ nguồn, làm thay đổi cảnh quan và gây nguy hiểm cho sinh kế của hàng triệu nông dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận