Chứng khoán vươn lên mốc cao nhất 11 tháng nay
Thị trường chứng khoán khởi động phiên giao dịch đầu tuần này 7-8 với sắc xanh rực rỡ và duy trì cho đến tận cuối phiên, bất chấp áp lực chốt lời xuất hiện ở nhiều thời điểm.
Dòng tiền được nhà đầu tư ào ạt đổ vào mua giúp các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan)… tăng mạnh, góp công đẩy thị trường chung tăng bứt phá.
Phần lớn cổ phiếu nhóm ngân hàng đều tăng mạnh, trong đó phải kể đến CTG (Vietinbank), VCB (Vietcombank), SSB (SeABank), VPB (VPBank), TCB (Techcombank)… Cùng ngành nhưng diễn biến cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu gây chú ý vì bị bán khá "rát", đứng đầu top 10 mã gây ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số của sàn TP.HCM.
Giữa lúc đó, thị trường cũng bị áp lực bán bởi nhiều mã như BCM (Becamex), VHM (Vinhomes), NLG (Đầu tư Nam Long), VCG (Vinaconex), DGC (Hóa chất Đức Giang)…
Nhìn vào diễn biến ngành, dòng tiền tập trung đổ vào mua cổ phiếu ngành ngân hàng, thực phẩm - đồ uống, dịch vụ tài chính, hóa chất, dịch vụ bán lẻ, công nghệ, bảo hiểm, dịch vụ tiện ích, bất động sản, du lịch - giải trí, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, tài nguyên, xây dựng - vật liệu, dầu khí, đồ dùng cá nhân và đồ gia dụng…. Ngược lại, nhà đầu tư rút tiền ra khỏi ngành y tế, truyền thông, ô tô - linh kiện phụ tùng…
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức tăng thêm 15,44 điểm (+1,26%) lên 1.241,42 điểm. Đây cũng là mốc cao nhất trong 11 tháng nay.
Cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng đón mức tăng lần lượt là 3,27 điểm (+1,35%) lên 245,68 điểm và 0,87 điểm (+0,95%), vươn lên mốc 92,57 điểm.
Cả ba sàn có tổng cộng 711 mã tăng giá, 210 mã đứng giá và 282 mã rớt giá. Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trong hôm nay đạt hơn 29.920 tỉ đồng.
Ngược dòng với nhà đầu tư trong nước, khối ngoại bán ròng hơn 420 tỉ đồng.
Vẫn trong xu hướng tăng, cẩn trọng vùng kháng cự mạnh
Ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích thuộc Chứng khoán VnDirect, cho biết 1.235 - 1.245 điểm là vùng kháng cự mạnh của chỉ số VN-Index, có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao và thận trọng quan sát diễn biến thị trường quanh vùng cản này để đưa ra quyết định phù hợp.
Nếu chỉ số VN-Index không bứt phá được qua vùng kháng cự trên và quay đầu giảm điểm thì nhà đầu tư nên xem xét hạ tỉ trọng vay ký quỹ (margin) và chốt lời một phần danh mục để bảo vệ thành quả, đặc biệt là các cổ phiếu có nhịp tăng mạnh trên 20% trong khoảng thời gian ngắn vừa qua và chờ đợi nhịp điều chỉnh để quay trở lại.
Còn nếu thị trường tiếp tục bứt phá qua được vùng kháng cự trên một cách thuyết phục thì nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để hướng tới các mốc cao hơn.
Trong khi đó, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể xem xét mua lướt sóng T+ với nhóm cổ phiếu tài chính.
Xu hướng tăng trung hạn vẫn rõ ràng. Tuy nhiên chỉ số VN-Index có thể sẽ đối mặt với mức vùng kháng cự 1.260 - 1.265 điểm trong tuần này, nhà đầu tư trung hạn hạn chế việc mua đuổi ở các nhịp tăng.
Về thị trường chứng khoán trong tháng 8-2023, ở kịch bản cơ sở, phía Chứng khoán Tiên Phong cho rằng do rơi vào vùng trũng của thông tin nên thị trường sẽ khó có biến động đột biến, sau chuỗi tăng kéo dài cũng cần thời gian nghỉ ngơi để hấp thụ áp lực chốt lời.
Trong kịch bản tích cực, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Tiên Phong không thể loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có lần hạ lãi suất điều hành thứ năm, trước tình hình tăng trưởng tín dụng và GDP nửa đầu năm đang ở mức thấp.
Việc hạ lãi suất ngân hàng sẽ làm gia tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư chứng khoán, thu hút dòng tiền mua mới trở lại và nối dài sóng tăng với mục tiêu VN-Index bước lên quanh vùng đỉnh 1.300 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận