26/02/2021 08:02 GMT+7

Gần 19.000ha đất công bị lấn, chiếm

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Tổng số đất nhà nước mà Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp VN (Vinafor) và Tổng công ty Chè VN (Vinatea) được giao quản lý, khai thác nhưng bị lấn, chiếm lên tới 18.500ha.

Gần 19.000ha đất công bị lấn, chiếm - Ảnh 1.

Nhiều dự án nhà nước giao đất trồng cao su có diện tích bị lấn, chiếm chưa được thu hồi - Ảnh: NGỌC CẨM

Ngoài ra, các đơn vị nói trên còn một số sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cho thuê một phần trụ sở làm việc. Riêng Vinatea đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định, thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải chuyển qua cơ quan công an điều tra.

Đó là những nội dung chính trong kết luận của Thanh tra Chính phủ tại thông báo số 238/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ tại VRG, Vinafor và Vinatea, thời kỳ từ 1-1-2010 đến 31-12-2017.

Hàng chục ngàn hecta đất bị lấn, chiếm

Theo kết luận thanh tra, tổng diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho ba đơn vị nói trên quản lý bị lấn, chiếm chưa thu hồi là gần 19.000ha. Trong đó, VRG bị lấn chiếm trên 10.700ha, Vinafor bị lấn chiếm gần 7.400ha và Vinatea bị lấn chiếm gần 500ha.

Cụ thể, VRG có diện tích hơn 10.700ha bị lấn, chiếm tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Diện tích bị chồng lấn với các đối tượng khác (chủ yếu là người dân) lên tới trên 1.700ha. Ngoài ra, VRG còn quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà, đất thuộc diện phải xử lý, sắp xếp theo quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, tập đoàn trình cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 43 cơ sở; số cơ sở nhà đất còn lại hiện mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng. 

Việc VRG cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của Luật đất đai, như cơ sở nhà, đất số 117 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM; số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội...

Đối với Vinafor, Thanh tra Chính phủ cho hay tổng công ty còn để tồn tại hơn 7.300ha đất bị lấn, chiếm chưa thu hồi (chiếm trên 15% tổng diện tích được giao, thuê). Việc lấn, chiếm này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn 2005 về trước. Vinafor cũng được giao quản lý, sử dụng 83 cơ sở nhà, đất và đến nay sắp xếp xử lý được 7 cơ sở, còn lại 76 cơ sở chưa được xử lý, sắp xếp theo quy định.

Đối với Vinatea, kết luận thanh tra cho thấy tổng công ty này còn để trên 497ha đất bị lấn, chiếm tập trung tại tỉnh Phú Thọ (98,5%) đến nay chưa giải quyết dứt điểm. 

Đáng chú ý là việc Vinatea đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định, thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ. Đó là các khu đất tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM; số 25D Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội; số 126 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng...

Đã giải quyết được trên 70%

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo VRG cho biết VRG ghi nhận kết luận kết quả thanh tra và đã triển khai các biện pháp để khắc phục.

Ông Lê Thanh Hưng - phó tổng giám đốc VRG - cho biết việc giải quyết các vấn đề về đất đai bị chồng lấn, lấn chiếm đã được VRG thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, vấn đề này gặp nhiều khó khăn trong giải quyết dứt điểm vì các yếu tố lịch sử để lại.

Hiện VRG đang quản lý và sử dụng diện tích 371.348ha, trong đó có 361.647ha đất nông nghiệp. Tính đến 31-12-2017, phần lớn diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (92%), phần còn lại là 29.708ha chưa được cấp giấy phép với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có diện tích đất dự kiến bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nên không lập hồ sơ. Hoặc đất đang có tranh chấp chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận.

Ông Hưng giải thích đất nhà nước giao cho VRG đã nhiều năm về trước trong bối cảnh số liệu, ranh giới và tình hình cư trú của người dân còn nhiều thiếu thốn. Do đó, khi nhận đất và triển khai các hoạt động đầu tư mới phát hiện trong vùng đã có người dân ở từ trước, trong đó nhiều khu vực là nơi ở của đồng bào dân tộc ít người. Dù biết là người dân định cư không có giấy tờ nhưng việc thu hồi rất khó khăn vì nhiều yếu tố.

"Với nhiều diện tích đất có đông người dân cư trú từ trước, chúng tôi đã làm việc với các địa phương xin trả lại để địa phương xử lý, sắp xếp giao đất, cấp sổ cho người dân. Đến nay đã có trên 7.100ha trong tổng số 10.347ha đất bị lấn, chiếm được giải quyết bằng hình thức này, chiếm trên 70%. Phần còn lại chúng tôi tiếp tục đang làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm", ông Hưng cho biết.

Đại diện VRG cho biết có nhiều diện tích đất bị lấn chiếm hay chồng lấn với dân là do lịch sử trước đây để lại. Mấy chục năm trước khi các nông trường cao su muốn công nhân đến làm việc thì phải có nhà, có đất cho người dân ở. Do đó, mỗi công ty đều dành ra một khu đất để giao cho người dân. Sau này các thế hệ công nhân sinh ra đều ở trên mảnh đất đó. "Danh nghĩa là đất doanh nghiệp cho công nhân mượn, nhưng thu hồi cũng rất khó vì cả đời người ta ở đó rồi, đóng góp cho công ty, cho ngành cao su rồi thì làm sao thu hồi" - đại diện VRG cho biết.

Đề nghị khắc phục, xử lý vi phạm

Với những sai phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nói trên khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm. Kiểm tra rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển nhượng dự án theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Riêng đối với Vinatea cần cung cấp hồ sơ tài liệu để cơ quan chức năng điều tra xử lý vi phạm trong việc sử dụng nhà đất góp vốn liên doanh liên kết không xin ý kiến chủ sở hữu, thoái vốn không thông qua đấu giá, ký các hợp đồng cho thuê đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra xác minh để xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý sử dụng nhà đất tại 12 khu đất mà Vinatea đem để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định.

Vụ 4.500m2 đất công ở Thủ Đức Vụ 4.500m2 đất công ở Thủ Đức 'biến mất': chuyển hồ sơ sang công an

TTO - Thanh tra TP.HCM đã chuyển cơ quan công an làm rõ, xử lý vụ 'biến mất' 4.500m2 đất công tại số 14 đường Phú Châu sau quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV dệt may Gia Định vào cuối năm 2015.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên