16/05/2017 15:44 GMT+7

Game show ở Trung Quốc cũng bị 'ném đá'

ĐẠI VIỆT
ĐẠI VIỆT

TTO - Trung Quốc có hơn 2.000 đài truyền hình với hơn 4.000 kênh truyền hình các loại đáp ứng nhu cầu của hơn 1 tỉ khán giả. Các đài cũng tranh nhau phát sóng game show, trong số đó không ít chương trình hứng gạch đá…

Chương Tử Di bị đánh giá thấp khi tham gia làm giám khảo truyền hình - Ảnh SINA.COM
Chương Tử Di bị đánh giá thấp khi tham gia làm giám khảo truyền hình - Ảnh SINA.COM

Bịa nhiều tình tiết để câu khách

Gặp gỡ minh tinh của Đài Vệ Thị Hồ Nam từng được người xem yêu thích, nội dung là các ngôi sao điện ảnh đi thử sự chung thủy về tình yêu đối với người lạ ngoài đường. Nhưng biên kịch đã đưa vào nhiều tình huống thử thách câu khách và phản cảm khiến báo chí phản đối.

Dù thế, các game show của Đài Hồ Nam vẫn tiếp tục được cách tân theo lối giật gân, câu khách, vẫn hút được khán giả, thậm chí còn được nhiều đài truyền hình khác học tập để ăn theo.

Khoảng năm 2000, Tổng cục Phát thanh và truyền hình Trung Quốc yêu cầu cắt bỏ những nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục trong các game show nội dung mai mối, kết hôn.

Nguyên nhân do các game show đang rất ăn khách như Chúng ta hẹn hò đi, Xông về hướng tình yêu, Tái xuất giang hồ… đều kệch cỡm và lố lăng, ảnh hưởng xấu tới lớp trẻ trong việc thể hiện các câu chuyện mai mối hứa gả giữa nam và nữ.

Một số câu kinh điển từ các game show trên còn được nhắc là: “Nếu không có nhẫn kim cương 5 cara, đừng nói chuyện lấy em.”, “Em thà ngồi khóc trong xe BMW, còn hơn ngồi cười sau xe đạp…”.

Nhiều từ ngữ được sử dụng trên truyền hình nước này cũng bị chỉ trích là quá bạo lực hoặc quá giễu nhại. Các nghệ sĩ tham gia thường sử dụng giọng điệu châm chọc, chỉ trích người khác, chỉ biết xoáy vào nhược điểm của đối phương, thậm chí có người còn bị ví là “miệng lưỡi rắn độc”.

Chương Tử Di bị đánh giá thấp khi tham gia làm giám khảo truyền hình - Ảnh: SINA.COM
Chương Tử Di bị đánh giá thấp khi tham gia làm giám khảo truyền hình - Ảnh: SINA.COM

Cuộc đua của các ngôi sao

Để chạy đua rating, các nhà đài cũng đua nhau mời các ngôi sao như Triệu Vy, Chương Tử Di, Tô Hữu Bằng, Phạm Băng Băng, thậm chí cả các đạo diễn lớn như Trương Nghệ Mưu, Phùng Tiểu Cương… cũng tham gia các game show với catsê không hề rẻ.

Và ở các game show này, nhiều sao được mời làm giám khảo mà có game show nội dung họ thậm chí không có khả năng hoặc đủ vốn kiến thức hiểu biết, khiến cả các giám khảo chuyên ngành khác và khán giả đều thấy rất nực cười.

Đơn cử là vụ ngôi sao điện ảnh Chương Tử Di từng được mời làm huấn luyện viên game show The Voice năm 2014 của Trung Quốc.

Báo chí nước này chế nhạo: “Chương Tử Di với các nốt nhạc còn không thành thạo mà được mời làm huấn luyện viên của The Voice là một chuyện khôi hài.

Cứ nhìn cách cô ta biểu cảm rưng rưng, luôn buông lời khen ngợi “rất cảm động” cho mỗi thí sinh, chả khác nào sống mà mang tội vậy…”.

Cũng chính vì vốn kiến thức âm nhạc có hạn, Chương Tử Di từng bị một giám khảo nghệ sĩ khác nói “độp vào mặt” ngay trong lúc ghi hình, khiến cô tức tới phát khóc.

Khán giả thì mỉa mai thành công lớn nhất của Chương Tử Di khi tham gia The Voice chính là quen được nhạc sĩ lãng tử Uông Phong. Tình yêu của họ cũng xuất phát từ việc Uông Phong luôn nói đỡ và che chở cho người đẹp khi bị các giám khảo khác chế giễu.

Sau đó, khi làm giám khảo The Xfactor 2015, nhiều nhận xét của Chương Tử Di đối với các thí sinh thường làm dân mạng dậy sóng và phê phán là không có căn cứ, chấm điểm hoàn toàn theo cảm tính, không hề có năng khiếu thẩm âm.

Có người còn cho rằng xem quảng cáo phát xen kẽ còn hay hơn xem nội dung chương trình.

Nhưng cũng không ít nghệ sĩ khi tham gia game show đã tiết lộ bị nhà sản xuất ép làm các trò lố để giật gân, câu khách. Và dù không hề thích nhưng đã lỡ ký hợp đồng, không thể tự ý hủy bỏ, đành tặc lưỡi cho xong.

Khán giả chưa thỏa mãn

Theo điều tra của Tổng cục Phát thanh và truyền hình quốc gia Trung Quốc, phản ứng xã hội đối với các chương trình truyền hình gồm ba loại:

- Quan điểm cho rằng các chương trình nghệ thuật truyền thống không đáp ứng được nhu cầu đa số khán giả. Trong khi đó các game show khiến khán giả, đặc biệt khán giả trẻ thấy mới mẻ, nhẹ nhõm và có thể tham gia cùng.

- Quan điểm khác cho rằng quá nhiều game show thừa thãi, không có văn hóa, thiếu kiến thức… thậm chí quá dung tục, vô duyên, khiến các nghệ sĩ nước này phải cắn răng biểu diễn như nữ diễn viên bị tụt dây áo, tụt váy sau sân khấu…

Nhiều game show đưa ra những món tiền lớn để nhử khán giả tham gia đã bị chỉ trích là bồi đắp chủ nghĩa mưu cầu danh lợi, sùng bái kim tiền, gây tác hại xấu đối với thanh thiếu niên.

- Quan điểm khác có tính góp ý mang tính xây dựng mong muốn các game show mang tính dẫn đường, quan trọng nhất là đúng đắn về thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan.

Từ kết quả điều tra của các đài Trung Quốc, thấy rõ các game show là gần gũi, nhạy cảm nhất đối với phản ứng của thị trường. Tuy nhiên các chương trình này cũng quá trọng về hình thức mà xem nhẹ nội dung.

Chỉ có rất ít game show còn một chút gọi là “bong bóng văn hóa” do chỉ chú trọng khâu dàn dựng hình thức, theo đuổi các từ ngữ đánh đố mà quên lãng những giá trị nhân văn bền vững.

ĐẠI VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên